Vừa tròn một năm từ khi thực hiện giảm thuế theo cam kết CEPT/AFTA, ngành Giấy Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng khả quan với sản lượng 642.000 tấn giấy năm 2003 và tăng 29,5%...
Vừa tròn một năm từ khi thực hiện giảm thuế theo cam kết CEPT/AFTA, ngành Giấy Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng khả quan với sản lượng 642.000 tấn giấy năm 2003 và tăng 29,5% trong 6 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, kết quả khảo sát mới đây của tổ công tác liên ngành về tình hình thị trường cũng như sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp (DN) cho thấy, để chủ động hội nhập, ngành giấy phải nhanh chóng vượt qua không ít rào cản.
Lao đao vì giá nguyên liệu tăng
Ông Nguyễn Hữu Thịnh, Phó Tổng Giám đốc TCty Giấy Việt Nam cho biết, đối với ngành giấy, sự biến động giá cả chủ yếu là tăng ở chi phí đầu vào, đặc biệt do nguyên liệu bột giấy nhập khẩu (NK) chiếm tỷ trọng cao trong giá thành sản xuất (50% với giấy in báo Tân Mai và 30% với giấy in - viết Bãi Bằng). Tính chung 6 tháng qua, giá bột giấy và các loại giấy cuộn NK đều tăng 20-30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, giá điện, than và xăng dầu thường xuyên tăng kéo theo biến động dây chuyền của hàng loạt vật tư hoá chất nguyên liệu khác cũng ảnh hưởng lớn đến giá thành giấy. Giá nguyên liệu bột giấy NK tăng cao (bột giấy chiếm tới 70% giá thành sản phẩm), nên các DN buộc phải đồng loạt tăng 5-10% giá bán và phải chịu lỗ 500.000đ khi bán 1 tấn giấy. Ðể nhập về 1 tấn bột giấy, trung bình mỗi DN phải chi thêm 60-100 USD.
Hiện giấy in báo của Cty giấy Tân Mai đang ở mức 9 triệu đ/tấn, tăng 5% so với trước. Giấy Sài Gòn cũng tăng giá giấy vệ sinh thêm 100-150đ/cuộn, khăn dạ tiệc tăng 500đ... Giấy để sản xuất vở học sinh tăng 200.000-1.000.000đ/tấn tuỳ loại, ở mức gần 15 triệu đ/tấn. TCty Giấy không cho các DN nợ gối đầu như trước, nên nhiều DN sản xuất tới đâu phải bán tới đó, chứ không dám dự trữ hàng như mọi năm. Ðơn cử, mỗi ngày Cty cổ phần Vĩnh Tiến chỉ xuất xưởng 300.000-400.000 quyển tập, giảm đến một nửa so với năm ngoái, và sẽ phải tăng giá ít nhất 50đ/quyển nếu giá cả tiếp tục leo thang. Trong tình trạng tương tự, Cty cổ phần giấy tập Lệ Hoa vừa thông báo tăng giá bán tập lên 50đ/quyển với mức giá khoảng 1.700-2.500đ/quyển loại 96 trang, tăng 3-5% so với năm ngoái. Nửa đầu năm nay, Cty này chỉ đạt tiêu thụ bằng 90% cùng kỳ năm trước.
Nhiều DN giấy than thở, trong tình cảnh khốn đốn này, họ chỉ mong hạn chế lỗ chứ chẳng nghĩ đến có lãi. Ðó là chưa kể những chi phí đầu vào khác cũng tăng, nhưng giá thành sản phẩm bán ra không được phép tăng quá 10% theo QÐ 712 của Tcty Giấy về mức giá trần và giá sàn đối với các mặt hàng giấy in, giấy viết và giấy in báo. Nhiều DN phải hạn chế nhập để giảm lỗ và theo dự báo, cơn sốt giá giấy rất có thể tiếp diễn, nhất là giấy in và giấy viết trong mùa khai giảng.
Nhìn lại chính mình
Hiện nay, khả năng cạnh tranh của giấy nội thua kém nhiều so với hàng nhập, mà nguyên nhân sâu xa lại chính ở sự mất cân đối lớn giữa khâu sản xuất bột giấy và giấy. Vấn đề là ở chỗ, nếu như ngành giấy chủ động hơn trong nguồn nguyên liệu thì đã không lâm vào cảnh liêu xiêu đến như vậy khi xảy ra sốt giá nguyên liệu thế giới. Thực tế cho thấy, lượng bột giấy sản xuất trong nước mới thoả mãn được 50-55% nhu cầu cho sản xuất giấy, hơn nữa không đủ đáp ứng cả về chất lượng và chủng loại.
Các dự án đầu tư sản xuất bột giấy quy mô nhóm A như giấy Thanh Hoá, Kon Tum đều đang khó khăn về nguồn vốn, nên triển khai rất chậm. Nguyên liệu vừa thiếu lại vừa yếu, ngành giấy buộc phải NK. Bên cạnh đó, giá bột giấy NK trong những năm gần đây có xu hướng biến động tăng, do vậy hầu hết DN đã chuyển sang sử dụng giấy lề, giấy vụn đã qua sử dụng thu mua trong nước và NK làm nguyên liệu thay thế. Song, nguồn nguyên liệu thu mua trong nước cũng không đủ đáp ứng đã đẩy giá thu mua phế liệu tăng 15-25%, khiến chi phí đầu vào của sản xuất tăng cao. Theo tính toán, nếu ngành giấy chủ động được khâu sản xuất bột thì giá bột giấy trong nước sẽ thấp hơn giá bột NK tới 20-30%, và như thế, giá thành sản phẩm sẽ có tính cạnh tranh.
Khảo sát của tổ liên ngành cho thấy, công suất các nhà máy giấy của Việt Nam chủ yếu chỉ khoảng 15.000 tấn/năm, trong khi nhà máy giấy của các nước trong khu vực có quy mô trung bình 250.000-300.000 tấn/năm. Ða phần máy móc thiết bị ngành giấy đều lạc hậu, nên định mức tiêu hao vật tư cao, năng suất lao động thấp, dẫn đến giá thành sản xuất cao. Ðồng thời, ngành cũng bộc lộ nhiều hạn chế khác như vốn vay nhiều trong khi lãi ít, kinh nghiệm quản lý và trình độ tay nghề công nhân thấp, công tác thị trường chưa linh hoạt khiến cho giấy ngoại ngày càng chiếm lĩnh thị trường nội địa.
Tổ khảo sát đã đưa ra một số kiến nghị với Chính phủ nhằm nâng cao sức cạnh tranh và bình ổn thị trường cho ngành giấy. Thứ nhất, về chính sách đầu tư, đề nghị phát hành trái phiếu Chính phủ đối với một số dự án đầu tư vốn lớn với lãi suất 8%/năm và cho phép các dự án trồng rừng nguyên liệu giấy vay vốn tín dụng ưu đãi lãi suất 3%/năm. Thứ hai, về chính sách thuế, đề nghị điều chỉnh thuế GTGT từ 10% xuống 5% với mặt hàng này, và trong thời gian từ nay đến 2006, giảm thuế suất thuế NK giấy phế liệu từ 3% xuống 1%. Thứ ba, về quy hoạch chiến lược phát triển ngành, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm hoàn thành quy hoạch tổng thể vùng nguyên liệu giấy để ngành hoàn thiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam đến năm 2010 - tầm nhìn 2020 trình Chính phủ phê duyệt trong thời gian sớm nhất.
Theo Hanoinet