Hiện nay, giá đường đang giảm mạnh do lượng đường Thái Lan nhập lậu ồ ạt tràn vào với giá thấp hơn giá đường RS “nội địa” tại chỗ đến 600 – 700đ/kg...
Nếu để giá đường tiếp tục “rớt” dưới mức 5.000đ/kg do đường lậu tràn ngập, hậu quả lại dồn về phía nhà sản xuất. |
Hiện nay, giá đường đang giảm mạnh do lượng đường Thái Lan nhập lậu ồ ạt tràn vào với giá thấp hơn giá đường RS “nội địa” tại chỗ đến 600 – 700đ/kg.
Theo các doanh nghiệp kinh doanh đường, đường nhập lậu đi qua biên giới và nhập tại 2 kho trên đường Trần Hưng Đạo và đường Cử Trị (Châu Đốc, An Giang), mỗi kho bình quân chứa từ 50 đến 100 tấn.
Số đường này sau khi được “thay áo” - sang bao khác, mang tên các doanh nghiệp trong nước (Nghệ An, Cam Ranh,...) hoặc được đóng thành “cây” 12kg sẽ được vận chuyển ngay trong đêm, bằng đường bộ hoặc đường thủy, để đưa đi tiêu thụ ở Thốt Nốt, Cần Thơ, Ô Môn, Kiên Giang.
Lạ một điều, các phương tiện vận chuyển đường lậu đi tiêu thụ này có tải trọng cả chục tấn và đi liên tục hàng đêm nhưng tất cả đều trót lọt, không một xe hoặc ghe tàu nào bị lực lượng kiểm soát thị trường phát hiện (!?).
Tuy có lượng dự trữ từ vụ trước, các nhà kinh doanh đường tại Tp.HCM vẫn đang lo giá đường sẽ tiếp tục bị kéo xuống nếu không có biện pháp hữu hiệu.
Theo báo cáo của các doanh nghiệp sản xuất đường, lượng đường tồn kho đến cuối tháng 5-2004 khoảng 390.000 tấn. Với mức tiêu thụ 90.000 tấn/tháng từ đầu năm đến nay, lượng đường tồn kho đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong 4 tháng (đến hết tháng 9-2004), kịp vào vụ mía đường 2004 - 2005.
Song thời tiết đang vào mùa nắng nóng, cộng với nhu cầu làm bánh Tết Trung thu sắp tới, mức tiêu thụ đường tăng cao, lượng đường dự trữ hiện có không thể đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu thụ của người dân cũng như nguyên liệu cho công nghiệp sản xuất bánh kẹo, sữa, nước ngọt,...
Nếu để giá đường tiếp tục “rớt” dưới mức 5.000đ/kg do đường lậu tràn ngập, hậu quả lại dồn về phía nhà sản xuất: nhà máy đường thua lỗ, giá thu mua mía nguyên liệu vụ mía giảm và như vậy, một lần nữa, người nông dân phải gánh chịu thiệt thòi. Những nỗ lực từ phía Hiệp hội Mía đường và các doanh nghiệp nhằm tránh thua thiệt cho nhà sản xuất từ đầu năm 2004 sẽ bị xóa sạch.
Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có công văn gửi Bộ Thương mại nêu rõ: trên cơ sở diễn biến thị trường thực tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đề xuất cụ thể số lượng, chủng loại nhập khẩu và thời gian nhập khẩu, nhằm đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước nhưng không làm ảnh hưởng đến sản xuất và kinh doanh đường vụ tới, đảm bảo lợi ích người tiêu dùng và các cơ sở chế biến công nghiệp có sử dụng đường làm nguyên liệu. Tình hình nhập lậu tràn lan, phải chăng do chủ trương nhập khẩu đường quá chậm?
Theo SGGP