“Thách thức đối với chúng tôi hiện nay là tìm được những nhân viên đã qua đào tạo một cách bài bản, giỏi ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh”. Đó là mối lo của ông Jan Hilhorst...
|
Khách du lịch nước ngoài ở Việt Nam. |
Trong vòng 2 - 3 năm tới, Tập đoàn SBI của ông Hilhorst sẽ cần tuyển khoảng 4.000 nhân viên làm việc tại 10 khách sạn và khu du lịch của tập đoàn tại Việt Nam. Trên thực tế, việc thiếu nhân viên được đào tạo cơ bản, giỏi ngoại ngữ làm việc tại Việt Nam không chỉ là khó khăn riêng của SBI, mà hiện tại, rất nhiều khách sạn cao cấp khác như Daewoo, Melia, Furama... cũng đều vấp phải khó khăn này, mặc dù hầu hết các sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành du lịch khi được nhận vào làm việc tại các khách sạn đều phải qua một khóa đào tạo ngắn hạn của khách sạn.
“Để nâng cao trình độ ngoại ngữ và chuyên môn, ngoài việc tổ chức những khóa đào tạo liên tục tại khách sạn, chúng tôi còn gửi nhân viên của mình đi đào tạo tại một số nước như New Zealand, Australia, Trung Quốc”, ông Jan Hilhorst cho biết.
Không chỉ các khách sạn thiếu lao động có tay nghề, mà các công ty lữ hành cũng khá vất vả khi tìm những hướng dẫn viên “cứng”. Đại diện của một công ty lữ hành tại Hà Nội cho biết: yêu cầu đối với một hướng dẫn viên du lịch không chỉ là ngoại ngữ, kiến thức về các điểm du lịch, văn hóa, mà còn phải có một số các nghiệp vụ du lịch khác.
Chỉ xét riêng về trình độ ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Pháp, Nhật, Đức... số hướng dẫn viên thông thạo những thứ tiếng này chỉ chiếm khoảng từ 5 - 12% trong tổng số trên 5.000 hướng dẫn viên được cấp thẻ.
Tuy nhiên, việc thiếu lao động được đào tạo bài bản sẽ không còn là thách thức lớn với các doanh nghiệp trong ngành du lịch khi Dự án Phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam (hợp tác với Liên minh châu Âu -EU) chính thức đi vào hoạt động. Theo ông Phùng Đường - Giám đốc Dự án, khi đi vào hoạt động, dự án không chỉ góp phần nâng cao năng lực trình độ của đội ngũ lao động trong ngành du lịch, mà còn xây dựng được chuẩn nghề cho ngành du lịch.
“Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng kế hoạch tổng thể và triển khai các điểm dự kiến đào tạo, có thể cuối tháng 7-2004 sẽ hoàn thành. Đối tượng học viên tham gia các khóa học của Dự án là những người đang làm việc trong ngành du lịch. Khi tham gia khóa học, học viên sẽ được đào tạo thực hành là chủ yếu và được hướng dẫn bởi các chuyên gia nước ngoài. Trước khi khóa học bắt đầu, chúng tôi sẽ gửi thông báo về chương trình đào tạo đến sở du lịch các địa phương và các doanh nghiệp du lịch”, ông Đường cho biết thêm.
Cũng theo ông Đường, tuy dự án chỉ kéo dài trong 4 năm, nhưng sẽ đem lại nhiều lợi ích trong lĩnh vực đào tạo nhân lực cho ngành du lịch Việt Nam, mở ra một cơ chế đào tạo liên tục, góp phần phát triển bền vững nguồn nhân lực có chất lượng cao cho du lịch Việt Nam.
Theo Đầu Tư