Ai đã một lần chứng kiến cảnh làm việc của những người thợ rừng - hăng say và cần mẫn như những "chú ong thợ" - mới thấy được lòng yêu rừng của những con người đang ngày đêm...
Một trong những biển cấm trong khu vực rừng phòng hộ. |
Là RPH đầu nguồn sông Hầu và sông Bình Trung, bảo vệ cho đập lòng hồ Đá Đen; với diện tích rừng tự nhiên lớn nhất huyện Vạn Ninh: 18.952 ha và hơn 900 ha rừng trồng; lại nằm trên một địa bàn hết sức nhạy cảm - giáp ranh với nhiều địa phương khác, nhiều cửa ngõ vào rừng; nạn đốt rừng làm nương rẫy còn khá phổ biến và đây cũng là nơi có nhiều du khách đến cắm trại, nghỉ mát… Chính vì lẽ đó, vào mùa khô nơi đây luôn là tâm điểm của các dự báo về cháy rừng với mức báo động luôn luôn ở cấp 5 - cấp cực kỳ nguy hiểm. Chỉ cần một sơ suất nhỏ là hậu quả đã khó lường.
Phát quang đường ranh cản lửa. |
Hiểu rõ vai trò của RPH, rút kinh nghiệm của những năm trước, từ đầu mùa khô năm nay, công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) đã được Ban quản lý (BQL) RPH đẩy mạnh. Công tác tuyên truyền giáo dục ý thức bảo vệ rừng (BVR), PCCC của người dân được đặc biệt quan tâm, và BQL rừng xem đây là yếu tố sống còn của RPH. BQL rừng phối hợp với các địa phương thành lập các tổ đội BVR tại chỗ. Các tổ đội có nhiệm vụ tuyên truyền giáo dục cho người dân thấy rõ BVR không chỉ là nhiệm vụ của riêng BQL rừng mà là nhiệm vụ chung của tất cả mọi người sống trên địa bàn; giáo dục cho người dân thấy được vai trò của RPH, tác hại của việc đốt rừng làm nương rẫy và tàn phá rừng bừa bãi.
Ngoài ra, BQL RPH còn phối hợp với Hạt Kiểm lâm Vạn Ninh mở một lớp tập huấn cho 40 anh em trong thời gian 4 ngày về công tác tuyên truyền giáo dục người dân, về công tác PCCC và các thao tác khi có tình huống cháy xảy ra. Đồng thời trang bị cơ sở vật chất sẵn sàng cho công tác chữa cháy. Từ đầu mùa khô, BQL đã xây dựng, lắp đặt nhiều biển báo cố định tại các cửa rừng và những nơi thường có người dân qua lại; trang bị bình chữa cháy, xô xách nước, ống nhòm, đèn pin và các bàn dập lửa. Đặc biệt, BQL đã lắp đặt mới 3 chòi canh lửa tại các địa điểm thuận lợi, tạo điều kiện cho việc quan sát nhằm phát hiện sớm các vụ cháy. Đồng thời xây dựng một hệ thống điều hành quy trình PCCC đầy đủ, sát với tình hình thực tế và phù hợp với phương án PCCC của UBND tỉnh; bố trí người trực 24/24 giờ vào các thời điểm cao điểm của mùa khô. Từ đầu mùa khô, BQL RPH cũng đã làm mới 6km đường ranh cản lửa và phát quang nhiều km đường ranh cản lửa khác; nâng tổng chiều dài đường ranh cản lửa lên 44,196km, tạo hệ thống hành lang thông thoáng để dễ dàng chia cắt và thuận tiện cho việc chữa cháy khi có tình huống xấu xảy ra.
Đoàn cán bộ kiểm lâm và anh em trong đội bảo vệ rừng đang kiểm tra đường ranh cản lửa. |
Cùng với công tác tuyên truyền giáo dục, Hạt Kiểm lâm và BQL RPH thường xuyên kiểm tra đôn đốc anh em trong công tác PCCC; không chỉ định kỳ mà còn kiểm tra đột xuất để anh em nâng cao tính tự giác. Những đoạn đường ranh nào bị dây leo lấn ra đều nhanh chóng được phát quang. Với phương châm cây mọc lan tới đâu phát quang tới đó, chính vì vậy đường ranh an toàn luôn được giữ thông thoáng. Ngoài công tác quản lý, BVR, PCCC, BQL rừng còn đẩy mạnh công tác trồng mới. Năm 2003, BQL rừng đã trồng mới 94 ha, nâng tổng số rừng trồng trong 10 năm (1995 - 2003) lên 917 ha.
Nếu như năm 2002 các vụ cháy rừng ở Vạn Ninh đã thiêu trụi 50 ha RPH, năm 2003 vẫn còn cháy lẻ tẻ ở một vài khu rừng trồng của nhân dân, thì từ đầu năm 2004 đến nay không có vụ cháy đáng tiếc nào xảy ra. Đó là nỗ lực, quyết tâm và lòng yêu nghề mà BQL RPH đã làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục người dân, nâng cao ý thức PCCC, BVR. Đây là thành quả rất đáng tự hào của những người quản lý RPH Vạn Ninh.
NGỌC PHƯƠNG