06:07, 15/07/2004

Con đường di sản thế giới miền Trung: Điểm đến hấp dẫn

Con đường di sản thế giới (CĐDSTG) miền Trung đã được Tổng cục Du lịch chọn làm chủ đề của năm Du lịch 2004, mở đầu bằng lễ hội Phong Nha - Kẻ Bàng (tháng 2), đỉnh cao là...

Bãi biển Nha Trang.

Con đường di sản thế giới (CĐDSTG) miền Trung đã được Tổng cục Du lịch chọn làm chủ đề của năm Du lịch 2004, mở đầu bằng lễ hội Phong Nha - Kẻ Bàng (tháng 2), đỉnh cao là Festival Huế (tháng 6) và kéo dài đến cuối năm tại các địa phương khác. Chủ đề của tháng 6 ở Khánh Hòa là: Nối kết con đường di sản miền Trung - Du lịch hè Nha Trang. Và một cuộc gặp gỡ “Thế giới với các con đường du lịch chủ đề” cũng sẽ diễn ra tại Đà Nẵng vào tháng 9. Những người sáng lập CĐDSTG đang tích cực đề xuất thêm nhiều sáng kiến mới để biến miền Trung thành một điểm đến thật sự hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.

Chương trình “Con đường di sản miền Trung” được phát động ở 11 tỉnh thành nhằm phát huy tiềm năng du lịch phong phú và đa dạng của các tỉnh miền Trung. “Con đường di sản miền Trung” là một khái niệm mới, mang tính gợi nhớ các di tích văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh và văn hóa phi vật thể. Trong suốt dọc miền Trung, Nha Trang - Khánh Hòa là nơi có bãi biển đẹp nhất, là nơi dừng chân không thể thiếu đối với du khách tham gia vào con đường di sản.

Sáng kiến CĐDSTG được trình bày với các cơ quan quản lý du lịch lần đầu tiên vào tháng 12-2001. Đến tháng 4-2002 được công bố với các thành viên sáng lập là một số doanh nghiệp du lịch ở Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam. Một ban điều hành được thành lập. Tháng 6-2002, CĐDSTG xuất hiện trên Internet ở địa chỉ www.worldheritageRoal.com. Đến cuối năm 2003, CĐDSTG đã có hơn 100 thành viên hoạt động du lịch lữ hành ở 14 tỉnh thành duyên hải miền Trung.

Thoạt đầu CĐDSTG nhắm đến liên kết các doanh nghiệp du lịch trong việc quảng bá điểm đến là các di sản văn hóa thế giới ở miền Trung, lấy sân bay quốc tế Đà Nẵng làm cửa mở ra khu vực và quốc tế. Cùng với nỗ lực của ngành hàng không, các chuyến bay trực tiếp nối Đà Nẵng với Bangkok, Đài Bắc, Hồng Kông… được thiết lập, gia tăng lượng du khách đến với CĐDSTG. Làn sóng du khách đến miền Trung cho thấy, đã đến lúc phải tính tới một hình thức du lịch đại chúng hơn, khai thác có hiệu quả hơn những đặc sắc về cảnh quan và di tích văn hóa của khu vực.

Hiện nay, CĐDSTG hợp tác với Tổng Công ty Mai Linh chuẩn bị cho ra đời tuyến du lịch xe buýt trên tuyến đường này. Theo kế hoạch, trong năm nay sẽ có tuyến xe buýt du lịch từ TP. Hồ Chí Minh (HCM) đi các tỉnh miền Trung và TP.HCM đi Hà Nội và ngược lại. Dọc đường, xe buýt sẽ dừng lại 19 thành phố, thị xã duyên hải. Tại mỗi điểm dừng sẽ có các lữ quán (inn) phục vụ du khách; mỗi lữ quán có nhà hàng, bãi đỗ xe, trạm xăng, cửa hàng bán lẻ, phòng y tế và văn phòng hướng dẫn du lịch. Du khách có thể nghỉ qua đêm hoặc chỉ thăm thú rồi lên đường theo chuyến xe kế tiếp.  Ông Paul Stoll, Tổng Thư ký CĐDSTG cho biết: “Du khách có thể tự lập hành trình cho mình, dừng lại ở bất cứ nơi nào họ muốn. Phương thức này sẽ mở toàn bộ vùng duyên hải miền Trung cho du khách trong nước và quốc tế. Công ty kiến trúc nổi tiếng Denton Corker Marshall ở Hồng Kông đang thiết kế một chuỗi lữ quán nhượng quyền để xây dựng dọc theo CĐDSTG. Mỗi lữ quán có 60, 80 hoặc 120 phòng đạt tiêu chuẩn 3 sao với suất đầu tư khoảng 30.000USD/phòng. Việc đầu tư khoảng 100 lữ quán như thế dọc các tuyến của CĐDSTG sẽ do các địa phương hoặc doanh nghiệp thực hiện, cũng có thể kêu gọi đầu tư nước ngoài. Trong tương lai gần, du lịch xe buýt sẽ mở thêm các tuyến “Con đường xanh” đi qua vùng Tây Nguyên với các điểm dừng tại Mỹ Sơn, Pleiku, Buôn Ma Thuột và nối với CĐDSTG tại Đà Lạt, sẽ nối tuyến để đi từ Côn Minh (Trung Quốc) đến mũi Cà Mau và mở các tuyến nhánh sang phía Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar theo các con đường xuyên Á. Tổng Công ty Mai Linh sẽ lập 1 đoàn xe gồm 50 chiếc xe buýt 55 chỗ ngồi, trên mỗi xe sẽ tháo dỡ bớt 5 ghế để lắp đặt một buồng vệ sinh.

Vùng duyên hải miền Trung nổi bật nhờ có các bãi biển tuyệt đẹp. Để quảng bá điều này với du khách quốc tế, ông Paul Stoll đã đề nghị Ban điều hành CĐDSTG và lãnh đạo các địa phương cùng quảng bá bãi biển của mình dưới một cái tên chung là “Bãi biển Mặt trời mọc”, giống như “Bãi biển Vàng” ở Úc hoặc “Bãi biển Dừa” ở Brazil. Khái niệm “Bãi biển Mặt trời mọc” sẽ thu hút du khách khắp thế giới vì họ có thể nhận ra mình đang ở đâu trong khi trước đây họ dễ bị nhầm lẫn vì mỗi bãi biển lại có một tên riêng.

Trên Bãi biển Mặt trời mọc, ở những nơi đông dân, CĐDSTG sẽ xây dựng các trung tâm cứu sinh và các cơ sở cấp cứu, góp phần xây dựng hình ảnh Việt Nam như một điểm du lịch an toàn.

GIA AN
(Theo tài liệu của Ban điều hành CĐDSTG)