Từ ngày tái lập tỉnh Khánh Hòa (1989) đến nay, trên mỗi bước đường đi lên của Tổng Công ty Khánh Việt (KHATOCO) đều song hành với sự phát triển của tỉnh. Tuy mỗi chặng đường mà KHATOCO...
Từ ngày tái lập tỉnh Khánh Hòa (1989) đến nay, trên mỗi bước đường đi lên của Tổng Công ty Khánh Việt (KHATOCO) đều song hành với sự phát triển của tỉnh. Tuy mỗi chặng đường mà KHATOCO đã trải qua có những dấu ấn riêng biệt, nhưng ở đó tất cả đều tập trung góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế địa phương, đồng thời khẳng định thương hiệu của riêng mình.
Ông Nguyễn Văn Tự - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đến thăm một dây chuyền sản xuất ở Tổng Công ty Khánh Việt. |
Tiền thân của KHATOCO là Công ty Chuyên doanh Thuốc lá Phú Khánh, được thành lập từ tháng 10-1983 với nhiệm vụ tổ chức và quản lý sản xuất kinh doanh thuốc lá trên địa bàn. Trong những năm đầu đầy gian khổ, mọi phương tiện cần thiết để hoạt động đều thiếu thốn: không vốn, không nhà xưởng, kho tàng… Vào giai đoạn từ năm 1988 trở đi, do nhu cầu tiêu dùng xã hội thay đổi, sản phẩm thuốc lá được nhiều nhà máy tung ra thị trường chẳng tiêu thụ được bao nhiêu. KHATOCO cũng là một trong những đơn vị không nằm ngoài tình trạng chung này. Trong lúc khó khăn, Giám đốc đơn vị cùng với đồng sự đã táo bạo quyết định vay vốn tư nhân bằng tiền và vàng với lãi suất 8%/tháng (vốn gốc được đảm bảo bằng giá trị vàng) để đầu tư xây dựng nhà xưởng làm cơ sở hợp tác với nước ngoài, tranh thủ học hỏi kinh nghiệm và kỹ thuật sản xuất tiên tiến, tận dụng vốn qua thu mua vật tư trả chậm, sử dụng nhãn hiệu quốc tế theo bản quyền của các doanh nghiệp nước ngoài để cung cấp cho thị trường trong nước những sản phẩm chất lượng cao… Cũng từ những quyết định táo bạo đó, KHATOCO đã tạo được thị hiếu và uy tín với người tiêu dùng. Ăn nên làm ra, đơn vị đã có điều kiện tích lũy, đầu tư máy móc để cơ giới hóa sản xuất.
Những bước đầu tư vững chắc và những thành công trong sản xuất kinh doanh đã đưa KHATOCO luôn vượt chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước giao trong suốt hơn 20 năm qua, chiếm 1/3 tổng thu toàn địa bàn. Đây cũng là đơn vị dẫn đầu tỉnh về mức nộp ngân sách. Hơn 20 năm hoạt động, đơn vị đã nộp vào ngân sách 4.141 tỷ đồng (kể cả thuế xuất nhập khẩu); riêng năm 2003 mức nộp ngân sách gấp 18.313 lần năm 1984. Từ ngày tái lập tỉnh, mức nộp ngân sách của đơn vị bắt đầu tăng với tốc độ nhanh, từ 5,2 tỷ đồng năm 1989 lên 198,5 tỷ đồng năm 1998 và lên 948 tỷ đồng năm 2003. Và trong dự kiến, KHATOCO phấn đấu năm 2004 sẽ nộp ngân sách ở mức 1.000 tỷ đồng.
Để ngày càng khẳng định vị trí của mình, số tiền tích lũy từ sản xuất thuốc lá và nguồn vượt chỉ tiêu kế hoạch nộp hàng năm, đơn vị đã chủ động đầu tư phát triển, xây dựng các ngành nghề mới như: Khách sạn KHATOCO, Xưởng cơ khí, Xưởng in và sản xuất bao bì, Xưởng may, Nhà máy Dệt Tân Tiến… Năm 2002, KHATOCO được vinh dự thành lập Tổng Công ty Khánh Việt hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con đầu tiên tại Khánh Hòa.
Mang một tầm vóc mới, KHATOCO tiếp tục vươn xa hơn với những địa bàn và lĩnh vực kinh doanh mới. Ngoài những doanh nghiệp đã quen tên tuổi mà đơn vị đầu tư ở các tỉnh bạn như: Công ty Cổ phần khách sạn Bến Thủy, Nhà máy Thuốc lá Nghệ An, Nhà máy Thuốc lá Phú Yên… KHATOCO đã đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi và du lịch. Đây là những lĩnh vực hoàn toàn mới với nhiều triển vọng.
Nhằm đáp ứng hoạt động trong ngành du lịch, KHATOCO đã khai thác thiết kế quy hoạch tổng thể dự án: Khu du lịch Suối Hoa Lan (hoạt động sinh thái và vui chơi nghỉ dưỡng), khu du lịch đảo Hòn Thị (sinh thái trên tuyến biển bao gồm: vui chơi giải trí và điều dưỡng lưu trú), tiến hành chỉnh trang tổng thể khu du lịch Đảo Khỉ, thiết kế tổng thể công viên du lịch Yang Bay (khu hỗn hợp nhiều loại hình: vui chơi giải trí, tắm khoáng, điều dưỡng, sân gôn, siêu thị, nghỉ lưu trú, các khu vườn thú, nuôi cá sấu, biểu diễn xiếc). Tất cả những khu du lịch được quy hoạch đều có quy mô từ 50 đến 600 ha và khi hoàn tất, mọi hoạt động điều đạt tiêu chuẩn quốc tế. Theo ông Tạ Thế Cường - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty: “Ngoài những khu du lịch có tầm cỡ, KHATOCO đang thực hiện thiết kế quy hoạch tổng thể công viên du lịch đà điểu tại Bãi Dài - Cam Ranh với quy mô 70 ha. Đây cũng là công viên du lịch sinh thái gồm: nhà nghỉ khách sạn, giải trí, siêu thị bán sản phẩm từ đà điểu, cá sấu, trường đua đà điểu…”.
Dù hoạt động trong lĩnh vực nào, Tổng Công ty Khánh Việt vẫn luôn chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm. |
Việc phối hợp nhịp nhàng giữa du lịch và chăn nuôi sẽ mang lại hiệu quả kinh tế lớn; do vậy, KHATOCO đã mạnh dạn và nhạy bén đưa ngành công nghiệp chăn nuôi đà điểu và cá sấu vào thực hiện với quy mô lớn. Mục tiêu: sản phẩm từ đà điểu và cá sấu sẽ phục vụ cho chế biến, xuất khẩu và phục vụ cho cả khách du lịch. Ông Tạ Thế Cường cho biết: Hiện tại, đàn cá sấu được KHATOCO nuôi đã có gần 10.000 con. Trong tương lai gần, tổng đàn cá sấu sẽ phát triển từ 40 đến 50 nghìn con, đáp ứng đủ cho xuất khẩu. Đến nay, sản phẩm thịt và da cá sấu đã bắt đầu xuất hiện ở thị trường trong nước. Song song với việc phát triển chăn nuôi cá sấu, việc chăn nuôi đà điểu đã được KHATOCO triển khai với tốc độ nhanh. Tại tỉnh Quảng Nam, đơn vị đã tiến hành thả nuôi trong một trang trại có diện tích 25 ha; tại huyện Ninh Hòa, đơn vị đã xúc tiến triển khai và sẽ tiến hành nuôi vào cuối năm 2004 với diện tích tương tự. Mục tiêu của việc triển khai với quy mô lớn là để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu 3.000 tấn thịt đã chế biến mỗi năm (chưa kể da và các sản phẩm khác). Để đáp ứng nhu cầu cung cấp nguồn thức ăn cho các trang trại đà điểu, KHATOCO đang xúc tiến đầu tư xây dựng Nhà máy Chế biến thức ăn đà điểu và gia cầm với công suất 25 tấn/giờ.
Trong xu thế cạnh tranh hôm nay, KHATOCO đang tiếp tục khẳng định thương hiệu của mình trong từng lĩnh vực kinh doanh. Bước tiến vững chắc của Tổng Công ty Khánh Việt sẽ góp phần đưa nền kinh tế tỉnh Khánh Hòa ngày một phát triển.
LÊ HOÀNG TRIỀU