02:06, 06/06/2004

Tiền xu sẽ được ưu ái?

Dịch vụ điện thoại trả bằng tiền xu mới tại Việt Nam đang đặt ra hy vọng cho đồng tiền xu trở lại vị trí ưu ái như khi mới được phát hành...

Tiền xu cần đi theo dịch vụ.

Dịch vụ điện thoại trả bằng tiền xu mới tại Việt Nam đang đặt ra hy vọng cho đồng tiền xu trở lại vị trí ưu ái như khi mới được phát hành.

Trong những ngày qua, khác với thường lệ, xong việc, nhiều khách hàng tới giao dịch tại các chi nhánh của Ngân hàng Công thương Ba Đình cố nán lại một chút để tìm hiểu thêm một dịch vụ mới: Điện thoại trả bằng tiền xu. Ở mức độ nhất định, sự ra đời của thiết bị này đã được người tiêu dùng chú ý.

“Keng” rồi mới gọi…

Ngày 30-4-2004, Nhà máy thiết bị bưu điện chính thức ra mắt máy điện thoại trả bằng tiền xu. Theo đó, lần đầu tiên ở Việt Nam, người dân có thêm một dịch vụ đàm thoại mới. Cảm nhận đầu tiên của người sử dụng là lạ và… “thinh thích”.

Nguyên lý hoạt động của thiết bị này là đưa tiền xu vào và bấm số giống như cách gọi của máy cố định. Ngoài ra, thiết bị còn có thêm màn hình LCD và thông tin hỗ trợ người sử dụng như điện thoại thẻ, có thông báo về thời gian và cước phí… Toàn bộ phần mềm được đánh giá là hiện đại và hợp lý.

Điểm khác biệt của thiết bị là tiếng “keng” của đồng xu trước mỗi cuộc đàm thoại. Và theo một số người sử dụng, tiếng “keng” đó mang lại cảm giác… hiện đại, dù dịch vụ kiểu này đã có ở phương Tây vào những năm 70 thế kỷ trước.

Để cho ra đời loại điện thoại trả bằng tiền xu, Nhà máy thiết bị bưu điện đã phải huy động tới 1,4 tỷ đồng đầu tư, trong đó, một phần lớn là để nhập khẩu thiết bị. Theo giới thiệu của đề án thiết kế, máy có kết cấu chắc chắn, có thể để bàn hoặc treo tường, phù hợp với các bưu cục, đại lý bưu điện và các khu dân cư… Giá bán được xác định 4 triệu đồng/máy.

“Cứu cánh” của tiền xu?

Sau 4 tháng phát hành, sau “tuần trăng mật” khá mặn mà, đồng tiền xu mất dần cảm tình từ người sử dụng. Nó “lỉnh kỉnh”, dễ mất và khó tạo được thói quen sử dụng, nhất là loại tiền có mệnh giá nhỏ. Hạn chế này đã được đặt ra, thậm chí được bàn tới bên lề kỳ họp Quốc hội. Nhưng giải pháp tối ưu vẫn còn khá mơ hồ.

Điện thoại trả bằng tiền xu ra đời, mở ra hy vọng trở về “thủa ban đầu” cho đồng tiền xu.

Theo ông Phạm Quang Ngọc, Phó Giám đốc Ngân hàng Công thương Ba Đình, đây là dịch vụ tiện ích, người dân đã đón nhận nó như một giải pháp hiệu quả. Trên thực tế, việc thanh toán cước phí, nhất là các cuộc đàm thoại nội hạt, cần đến những đồng tiền mệnh giá nhỏ; khi đó tiền xu là một lợi thế. Việc giao dịch tiền xu trong dịch vụ này còn tạo nên tâm lý văn minh thị trường. Đáng chú ý là trong hạn chế lưu hành của tiền xu hiện nay, dịch vụ điện thoại mới này đang là một hệ thống hỗ trợ duy nhất.

Ông Ngọc cho rằng, khi điện thoại trả bằng tiền xu được phổ biến, chắc chắn tiền xu sẽ được người dân ưu ái. Để làm được điều này, cần mở rộng diện “phủ sóng” của thiết bị tại các điểm dân cư, trường học, bệnh viện và các điểm công cộng khác… Khi dịch vụ được mở rộng, gần gũi với người dân, cộng với những tiện ích vốn có thì không có lý do gì để tiền xu phải “mất giá”.

Đi đầu trong hướng phát triển trên, ngoài đầu tư vốn cho Nhà máy thiết bị bưu điện, Ngân hàng Công thương Ba Đình là đơn vị đầu tiên đưa vào sử dụng thí điểm dịch vụ điện thoại trả bằng tiền xu. Lượng máy ban đầu là 10 chiếc, được trang bị cho các điểm giao dịch chủ chốt. Dự kiến trong quý này, toàn bộ hệ thống Ngân hàng Công thương Ba Đình sẽ được trang bị máy.

Có ý kiến cho rằng sau khi thí điểm tại Ngân hàng Công thương Ba Đình, mạng lưới điện thoại trả tiền xu cần được đưa vào tất cả các ngân hàng. Hướng này sẽ tạo thuận lợi cho khách hàng đến giao dịch, để tận dụng ưu thế của dịch vụ đổi tiền và tạo tâm lý tốt cho người sử dụng. Mức giá 4 triệu đồng/máy như hiện nay là rẻ và có thể khai thác theo hướng kinh doanh qua khoản thu từ phí dịch vụ.

Ngoài ra, Nhà nước cần có những hỗ trợ nhất định như giảm cước cũng như những chính sách ưu đãi khác để dịch vụ tiếp cận với người dân nhanh hơn.

Theo Thời báo Kinh Tế Việt Nam