Thị xã Cam Ranh là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi về nhiều mặt: Nắng ấm gần như quanh năm, bờ biển dài gần 60km, có đầm Thủy Triều, vịnh Cam Ranh và hơn 3.000 ha bãi triều ngập mặn....
Thị xã Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi về nhiều mặt: Nắng ấm gần như quanh năm, bờ biển dài gần 60km, có đầm Thủy Triều, vịnh Cam Ranh và hơn 3.000 ha bãi triều ngập mặn. Những điều kiện tự nhiên lý tưởng đó không chỉ là tiềm năng để phát triển du lịch, mà còn là điều kiện thuận lợi để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nghề nuôi tôm hùm.
° Những con số biết nói
Kiểm tra tôm nuôi tại xã Cam Bình. |
Gần 5 năm trở lại đây, được Nhà nước khuyến khích cho vay vốn ưu đãi, nghề nuôi tôm hùm ở Cam Ranh phát triển mạnh. Tính đến đầu năm 2004, toàn thị xã có 7.261 lồng và 126 bè tôm hùm, tập trung ở 7/14 xã phường ven biển với 2.533 hộ nuôi. Từ năm 1996 đến 2004, số lồng tôm hùm tăng hơn 12 lần, sản lượng tôm thương phẩm tăng 6,6 lần. Riêng năm 2003, sản lượng tôm thương phẩm đạt 400 tấn, trị giá khoảng 200 tỷ đồng. Phong trào nuôi tôm hùm lồng đã giúp các xã vùng ven biển giải quyết việc làm cho hơn 10.000 lao động, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đồng thời giảm đáng kể nghề khai thác hải sản bằng chất nổ, bảo vệ được các rạn san hô, môi trường sinh thái ven biển. Từ nghề nuôi tôm hùm lồng, nhiều hộ gia đình đã vươn lên làm giàu. Tiêu biểu như gia đình chị Trịnh Thị Huê, ở khóm Phú Thịnh, phường Cam Phú. Năm 2003, với 30 ô tôm hùm bè chị Huê thu được 650 triệu đồng, trừ chi phí chị lãi hơn 200 triệu. Năm nay, chị đầu tư thêm 10 ô với tổng số vốn lên đến 900 triệu đồng. Hiện tại chị có 2.500 con tôm lớn đến kỳ xuất bán và 3.200 con tôm nhỏ. Ở xã đảo Cam Bình, từ khi nghề nuôi tôm hùm phát triển, đời sống của nhân dân ở địa phương được nâng lên rõ rệt. Hiện nay, toàn xã không còn hộ đói, hộ nghèo chỉ còn dưới 8%.
° Để nghề nuôi tôm hùm ở Cam Ranh phát triển bền vững
Bên cạnh mặt tích cực, nghề nuôi tôm hùm lồng phát triển nhanh chóng trong khi quy hoạch vùng nuôi chưa theo kịp đã dẫn đến hiện tượng ô nhiễm môi trường khu vực nuôi. Theo điều tra của Trung tâm Nghiên cứu thủy sản III, ở 2 khu vực Cam Phúc Nam và Bình Ba (Cam Bình) cho thấy số lượng vi khuẩn ở trong đất, trong nước nơi nuôi tôm hùm và ở trong mang tôm rất cao. Các loài ký sinh trùng cũng phát triển mạnh làm tôm chậm lớn với các dấu hiệu bệnh lý: đen mang, thối mang. Có con toàn thân chuyển màu hồng, yếu và chết, gây thiệt hại cho người nuôi. Để khắc phục tình trạng trên, theo ông Trần Văn Ớt, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thị xã Cam Ranh, bên cạnh việc tiến hành quy hoạch tổng thể vùng nuôi của Nhà nước, các hộ nuôi tôm cần thực hiện theo sự chỉ đạo của Trung tâm Khuyến ngư là: Trên diện tích mặt nước 1.000m2 chỉ nên đặt từ 5 - 6 lồng và cách mặt đất tối thiểu 1m. Tốt nhất là nên chuyển từ nuôi tôm lồng sang nuôi tôm bè. Thực tế cho thấy, 126 bè tôm hùm của thị xã phát triển rất tốt và không bị dịch bệnh.
Làm thế nào để nghề nuôi tôm hùm ở Cam Ranh phát triển bền vững? Theo quy hoạch nuôi trồng hải sản của tỉnh, mục tiêu phát triển nghề nuôi tôm hùm đến năm 2010 được xác định là ổn định ở mức 7.000 lồng, được phân bố cho 5 phường ven biển 4.000 lồng, 2 xã Cam Bình và Cam Lập 3.000 lồng, trong đó có 300 lồng phát triển mới. Cam Ranh hiện có 126 bè, tương đương 1.260 lồng tôm hùm. Đây là hình thức nuôi tôm hùm đạt hiệu quả nhất do dễ dàng di chuyển trên mặt nước, tiết kiệm được thức ăn, hạn chế ô nhiễm môi trường lại dễ chăm sóc, quản lý và kiểm tra, làm vệ sinh lồng.
Hiện nay, tôm hùm ở Cam Ranh có đầu ra khá ổn định với giá từ 430 - 450 nghìn đồng/kg. Việc chuyển dần hình thức nuôi tôm hùm từ lồng sang bè có chuyển giao kỹ thuật của cơ quan chuyên môn và đầu tư của ngành Ngân hàng là điều kiện thuận lợi cơ bản để nghề nuôi tôm hùm ở Cam Ranh phát triển đúng hướng, góp phần cải thiện và nâng cao mức sống nhân dân vùng biển, đảo.
NHƯ HƯƠNG