07:06, 30/06/2004

Công nghiệp Khánh Hòa trên đường khẳng định mình

Trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, ngành Công nghiệp giữ vai trò chủ đạo, khẳng định sức mạnh vượt trội so với các ngành khác. Từ những bước đi chập chững, đến nay...

Trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, ngành Công nghiệp giữ vai trò chủ đạo, khẳng định sức mạnh vượt trội so với các ngành khác. Từ những bước đi chập chững, đến nay, công nghiệp Khánh Hòa đã giữ được vị thế của mình không chỉ ở địa phương mà còn ảnh hưởng lớn đến khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Dây chuyền sản xuất nước khoáng công suất 12.000 chai/giờ của Công ty Nước khoáng Khánh Hòa.

Ở Khánh Hòa, công tác vận động, khuyến khích phát triển nền kinh tế nhiều thành phần đã thúc đẩy các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp mạnh dạn đầu tư vốn phát triển sản xuất, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực hoạt động. Từ khi tái lập tỉnh (1989), nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp (SXCN) đã được đầu tư xây dựng nhằm sử dụng tối đa nguồn tài nguyên sẵn có trên địa bàn như: Lắp đặt dây chuyền tuyển rửa cát xuất khẩu ở Cam Ranh (thuộc Công ty Khai thác và Chế biến khoáng sản xuất khẩu MINEXCO), xây dựng Nhà máy Đường Diên Khánh công suất 400 tấn mía/ngày, Nhà máy Đường Ninh Hòa công suất 1.250 tấn mía/ngày. Đồng thời, tỉnh cũng đã đưa vào lắp đặt dây chuyền sản xuất nước khoáng đóng chai, chủ trương cho mở thêm các cơ sở khai thác chế biến các nguồn tài nguyên khoáng sản như: đá, gỗ, thủy sản…

Vượt qua thời kỳ khó khăn nhất, công nghiệp Khánh Hòa đã tạo được thế và lực mới. Trong những năm từ 1997 - 1999, trong điều kiện tình hình khủng hoảng tài chính khu vực, bão lũ và hàng lậu tràn lan nhưng nhờ có nhiều giải pháp tháo gỡ kịp thời nên tốc đôï tăng trưởng giai đoạn 1996 - 2000 vẫn ổn định. Bình quân tốc độ tăng trưởng vẫn đạt mức 13,07%, cao hơn so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra.

Trong tình hình mới, theo chủ trương “Phát triển nền kinh tế nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, Công nghiệp Khánh Hòa đã chuyển hướng tăng tỷ trọng công nghiệp ngoài quốc doanh (NQD) và DN có vốn đầu tư nước ngoài; đồng thời, giảm tỷ trọng SXCN quốc doanh bằng việc chuyển đổi hình thức sở hữu DN. Bằng những chính sách “trải thảm đỏ” của địa phương, số DN NQD và DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Khánh Hòa đã tăng lên đáng kể. Tính đến hết năm 2003, đã có 1.799 DN NQD đăng ký hoạt động trên nhiều lĩnh vực, mang lại kim ngạch xuất khẩu (KNXK) từ lĩnh vực công nghiệp lên 123 triệu USD, đạt 40,32% tổng KNXK toàn tỉnh. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các DN Nhà nước, từ năm 1990 đến nay, Khánh Hòa đã tiến hành chuyển đổi hình thức sở hữu cho các DN 3 đợt nên đã giảm từ 140 DN xuống còn 45 DN. Năm 2004, tỉnh sẽ tiếp tục chuyển đổi hình thức sở hữu cho 21 DN. Hiệu quả từ việc khuyến khích phát triển nền kinh tế nhiều thành phần đã thấy rõ. Chỉ tính giai đoạn 1996 - 2000 giá trị SXCN của DN NQD từ 20% đã tăng lên 28,6%; giá trị SXCN của DN có vốn đầu tư nước ngoài từ 3,8% tăng lên 18,2%. Trong khi đó, giá trị SXCN Nhà nước của cả Trung ương và địa phương đều giảm xuống đáng kể. DN Nhà nước Trung ương từ 18,2% giảm xuống còn 11%; DN Nhà nước địa phương từ 57,7% xuống còn 42%…

Khánh Hòa được xác định có thế mạnh trong lĩnh vực công nghiệp chế biến và sản xuất hàng tiêu dùng - hàng xuất khẩu (HTD - HXK). Để giữ vững bước tiến trên con đường công nghiệp hóa, tỉnh Khánh Hòa đã cùng ngành công nghiệp xây dựng những mục tiêu thực hiện chương trình HTD - HXK (giai đoạn 2001 - 2005). Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện, Chương trình HTD - HXK đạt kết quả tốt hơn so với những gì mong đợi. Tốc độ tăng trưởng bình quân khi thực hiện chương trình đạt 23%/năm; riêng giá trị SXCN HTD - HXK năm 2003 đạt hơn 4.678 tỷ đồng, KNXK đạt 305 triệu USD. Trong 3 năm (2001 - 2003) toàn ngành đã đầu tư gần 2.075 tỷ đồng lập 50 dự án phục vụ sản xuất HTD - HXK. Tỉnh cũng triển khai công tác đầu tư đón đầu, xây dựng những khu công nghiệp (KCN) có quy mô lớn như: KCN Suối Dầu, KCN Ninh Thủy và trong tương lai gần sẽ tiếp tục xây dựng những KCN đa ngành, KCN vừa và nhỏ… tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tham gia hoạt động.

Phân xưởng bán thành phẩm Công ty Cổ phần Phụ liệu may Nha Trang.

Gần 15 năm từ khi chuyển đổi cơ chế mới, công nghiệp Khánh Hòa đã thực sự khẳng định mình. Năm 2003 được coi là mốc son cho ngành công nghiệp tỉnh nhà, bởi giá trị SXCN đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Con số 6.237 tỷ đồng mà toàn ngành đạt được trong năm đã vượt xa so với chỉ tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14 đề ra. Tốc độ tăng trưởng bình quân toàn ngành đạt 23% trong 3 năm liền đã đưa công nghiệp Khánh Hòa liên tục dẫn đầu tốc độ tăng trưởng các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên cả 4 năm. Một điều có thể khẳng định được là ngành Công nghiệp Khánh Hòa đã có bước phát triển mạnh về chất và lượng, cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Nhiều nhà máy được đầu tư xây dựng hoàn thành đưa vào sản xuất. Cả một giai đoạn phát triển với mức đầu tư khá lớn của công nghiệp tỉnh nhà: Đến năm 2000 tổng tài sản cố định và đầu tư dài hạn đạt 165,32 triệu USD, tăng gần 6,5 lần năm 1997. Về đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB), hàng năm, ngành Công nghiệp tiếp tục đầu tư hàng trăm tỷ đồng để lắp đặt và đổi mới công nghệ. Năm 2003, vốn đầu tư XDCB đạt 624,821 tỷ đồng và kế hoạch năm 2004 phấn đấu đầu tư XDCB đạt 838 tỷ đồng.

Qua 15 năm tích cực đầu tư cho hoạt động công nghiệp, ngành chế biến nông lâm thủy sản, thực phẩm đã đầu tư hơn 511 tỷ đồng; ngành dệt may, phụ liệu may mặc đầu tư hơn 170 tỷ đồng; ngành cơ khí điện tử, đóng mới và sửa chữa tàu thuyền đầu tư hơn 272 tỷ đồng; khai thác chế biến khoáng sản đầu tư hơn 30 tỷ đồng; các sản phẩm tiêu dùng khác hơn 41 tỷ đồng… nhằm nâng cấp các nhà máy, dây chuyền sản xuất… tiếp tục đưa ra nhiều sản phẩm mới có chất lượng cao như: hàng thủy sản, hàng thủ công mỹ nghệ, sợi cao cấp, dây khóa kéo, các thiết bị cơ khí…

Góp phần cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, tỉnh đã thực hiện hàng loạt chương trình kinh tế phục vụ cho phát triển công nghiệp như: Chương trình phủ điện nông thôn, Chương trình mía đường… đảm bảo cho hoạt động sản xuất phát triển kinh tế nông thôn; đồng thời cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp…

Để công nghiệp Khánh Hòa giữ vững là đơn vị dẫn đầu khu vực miền Trung - Tây Nguyên, ông Nguyễn Văn Chánh - Giám đốc Sở Công nghiệp, Chủ nhiệm Chương trình sản xuất HTD - HXK cho hay: “Ngành đã xác định đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2001 - 2005 đạt 20%/năm; đồng thời, tăng tốc chương trình khuyến công, hỗ trợ từ quỹ khuyến công cho khoảng 15 cơ sở mỗi năm”.

N.T

Chỉ trong giai đoạn từ khi tái lập tỉnh (1989) đến năm 1995, tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân đạt trên 20%/năm, đưa cơ cấu công nghiệp - xây dựng từ 22,7% năm 1991 lên 38,6% năm 1995. Và theo tiến trình phát triển của ngành đến hết năm 2003, GDP do công nghiệp - xây dựng tạo ra chiếm 39,3% tổng sản phẩm trong các thành phần kinh tế. Tính trong 3 năm (2001 - 2003), GDP do công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tạo ra đã nâng tỷ trọng từ 73,1% lên 78,7% trong tổng GDP.