Cũng như nhiều tỉnh khác ở khu vực Nam Trung bộ, điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu của Khánh Hòa rất thích hợp với cây đào. Khánh Hòa có nhiều diện tích đất gò đồi, đất cát pha. Điều này đã được khai thác triệt để kể từ khi tỉnh có chủ trương trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc theo Chương trình 743...
Nông dân xã Phước Đồng, TP. Nha Trang thu hoạch đào. |
Từ khi thực hiện chương trình phủ xanh đất trống, đồi núi trọc theo Chương trình 743, cây đào bắt đầu phát triển mạnh ở Khánh Hòa. Theo thống kê, tổng diện tích cây đào toàn tỉnh hiện nay khoảng 2.894 ha, sản lượng đạt 1.004 tấn. Tuy nhiên, cây đào ở Khánh Hòa chủ yếu trồng bằng hạt nên cây to, tán giao nhau, năng suất thấp. Hiện nay, giá đào trên thị trường ổn định, có đầu ra. Nếu bà con nông dân chú ý đến năng suất cây trồng thì hiệu quả kinh tế đem lại rất cao.
Năng suất cây đào còn thấp
Cũng như nhiều tỉnh khác ở khu vực Nam Trung bộ, điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu của Khánh Hòa rất thích hợp với cây đào. Khánh Hòa có nhiều diện tích đất gò đồi, đất cát pha. Điều này đã được khai thác triệt để kể từ khi tỉnh có chủ trương trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc theo Chương trình 743. Trong trồng rừng, nếu xét về hiệu quả kinh tế, cây đào có nhiều ưu thế hơn các loại cây để trồng rừng khác như keo, tràm, phi lao, bạch đàn… vì sản phẩm cây đào luôn ổn định, phục vụ công nghiệp chế biến. Hơn nữa, một đặc trưng của cây đào là rất thích nghi với những vùng đất đồi gò, có độ cao, đất lưng chừng hoặc ven sườn núi nên được người trồng rừng chú ý. Đến nay, tổng diện tích cây đào toàn tỉnh đã tăng lên 2.894 ha, chỉ đứng sau cây xoài với diện tích khoảng 5.000 ha.
Thời gian qua, diện tích cây đào tăng là dấu hiệu đáng mừng. Song cũng phải nhìn nhận một thực tế là năng suất cây đào ở Khánh Hòa còn thấp, từ đó hiệu quả kinh tế đem lại chưa cao. Nguyên nhân do đâu?
Những năm gần đây, thực hiện chủ trương trồng rừng, tỉnh đã giao đất trống, đồi núi trọc cho các hộ trồng rừng phát triển cây đào và các loại cây phủ xanh đất trống, đồi núi trọc khác. Lúc bấy giờ chưa có giống đào ghép, đào cao sản nên người trồng rừng chủ yếu trồng cây đào bằng hạt - loại cây có tán rộng nhưng mức độ ra hoa, đậu trái thấp. Hơn nữa, do nghiêng về mô hình trồng rừng, người trồng đào ít quan tâm đến khâu chăm sóc (phun thuốc trừ sâu, bón phân, tỉa cành…) nên nhiều vườn đào trong tỉnh năng suất rất thấp, chỉ đạt từ 300 - 350kg/ha. Kỹ sư Đỗ Việt Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến lâm tỉnh, cho biết: “Tuy diện tích cây đào ở Khánh Hòa lớn nhưng hiệu quả kinh tế đem lại rất thấp. Đối với cây đào, việc nâng cao năng suất là vấn đề cần được quan tâm trong thời gian tới. Hiện nay, phần lớn các vườn đào trong tỉnh trồng với mật độ rất dày, từ 400 - 500 cây/ha, trong khi đó mật độ trồng theo kỹ thuật chỉ từ 100 - 200 cây/ha. Đào trồng quá dày nên cây không tạo tán, tạo cành, tán giao nhau dẫn đến không đậu trái. Hơn nữa, mùa khô là thời kỳ đào ra hoa, kết trái nhưng nguồn nước tưới không có nên tỷ lệ đậu trái thấp. Chính những điều này làm cho năng suất cây đào của Khánh Hòa thấp hơn các tỉnh lân cận như Bình Định, Bình Thuận, Phú Yên, Quảng Ngãi…”
Đã có nhiều “hướng mở” cho cây đào
Hiện nay, diện tích đất tự nhiên, đất gò đồi, ven triền núi trên địa bàn tỉnh còn khá lớn nhưng hiệu quả từ kinh tế vườn đồi, kinh tế VAC còn quá thấp. Ở nhiều tỉnh, các mô hình kinh tế trang trại, kinh tế vườn đồi đang là cơ hội làm giàu cho bà con nông dân. Theo kế hoạch của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến năm 2010, toàn tỉnh sẽ phát triển diện tích cây đào lên 7.000 ha và chú trọng đến việc nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế của cây đào. Vì cây đào chủ yếu được trồng trên những vùng đất xấu, đất nông nghiệp chưa qua sử dụng hoặc đất cát pha nghèo dinh dưỡng nên muốn nâng cao năng suất, ngoài việc đưa các giống đào ghép, đào cao sản, quy hoạch lại mật độ cây hợp lý thì việc đầu tư, chăm sóc cho cây đào (nhất là công tác thủy lợi) là những vấn đề hết sức quan trọng. Hiện nay, 13 công trình thủy lợi trọng điểm trong tỉnh đã được nâng cấp, cải tạo nên năng lực tưới cao, nguồn nước tưới cho cây đào đến năm 2010 có khả năng thực hiện được. Các giống đào cao sản, đào ghép cho năng suất từ 2 tấn/ha trở lên, thích nghi với dải đất miền Trung như PN1, PN2, BO1, DH66, DH67… đã được tỉnh cho sản xuất khảo nghiệm để cung cấp cho bà con nông dân. Năm 2001, Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ đã trồng khảo nghiệm 4 ha đào cao sản, đào ghép tại thị xã Cam Ranh, Suối Dầu, Khánh Vĩnh. Ngoài ra, vườn đào cao sản 20 ha ở Cam An Bắc, thị xã Cam Ranh do Quỹ Môi trường toàn cầu trồng theo dự án chống hoang mạc hóa đã trồng được gần 3 năm, đến nay đang vào thời kỳ ra hoa, cho năng suất cao, đang “hé mở” nhiều triển vọng cho cây đào ở Khánh Hòa.
Không như một số loại nông sản khác hiện nay đang “bí” đầu ra, sản phẩm hạt đào đang được tiêu thụ mạnh trên thị trường. Hai nhà máy chế biến hạt đào trong tỉnh với tổng công suất 7.500 tấn/năm đang hoạt động (Nhà máy Chế biến hạt đào thuộc Công ty Yến sào Khánh Hòa công suất 1.500 tấn/năm và Nhà máy Chế biến hạt đào Diên Phú thuộc Công ty Xuất khẩu tổng hợp III công suất 6.000 tấn/năm), không chỉ “ngốn” hết lượng hạt đào trong tỉnh mà còn phải tìm nguyên liệu từ nơi khác về sản xuất. Giá hạt đào trên thị trường trong những năm gần đây luôn ổn định ở mức từ 6 - 8 nghìn đồng/kg nên cây đào đang thu hút người dân.
Cây đào, một loại cây nông sản phục vụ công nghiệp chế biến, đang mở ra nhiều tiềm năng, triển vọng ở Khánh Hòa, giúp người dân xóa đói giảm nghèo. Do vậy, bên cạnh việc điều tiết lại mật độ cây trồng, đưa các giống đào ghép, đào cao sản vào sản xuất đại trà thì việc đầu tư, chăm sóc của người dân nhằm nâng cao năng suất cũng không kém phần quan trọng. Hướng làm giàu từ cây đào đang nằm trong tầm tay của bà con nông dân.
VŨ TRUNG HÙNG