Trong những ngày tháng 4 lịch sử này, tại đảo Trường Sa Lớn (thị trấn Trường Sa), Tổng cục Chính trị quân đội nhân dân Việt Nam đã tổ chức kỷ niệm 38 năm Ngày giải phóng quần đảo Trường Sa (29-4-1975 - 29-4-2013) .
Trong những ngày tháng 4 lịch sử này, tại đảo Trường Sa Lớn (thị trấn Trường Sa), thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà, Tổng cục Chính trị quân đội nhân dân Việt Nam đã tổ chức kỷ niệm 38 năm Ngày giải phóng quần đảo Trường Sa (29-4-1975 - 29-4-2013) .
Trung tướng Mai Quang Phấn - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị quân đội nhân dân Việt Nam, các tướng lĩnh quân đội, đại diện các bộ, ngành Trung ương cùng toàn thể quân và dân trên đảo Trường Sa Lớn đến dự buổi lễ trọng thể này.
Đoàn công tác dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ trên đảo Trường Sa Lớn. |
Gần 40 năm về trước, vào rạng sáng 14-4-1974, lực lượng của đội 1 đặc công Hải quân cùng một bộ phận lực lượng đặc công Quân khu 5 bí mật tiếp cận đảo Song Tử Tây và giải phóng đảo này sau 30 phút chiến đấu.
Do mất đảo Song Tử Tây, hệ thống phòng thủ của nguỵ quân Sài Gòn trên quần đảo Trường Sa lâm vào thế khủng hoảng nghiêm trọng. Vì thế, đến các ngày 25, 27, 28 và 29-4-1975, quân đội ta đã giải phóng lần lượt các đảo Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa tiến đến hoàn thành giải phóng cả quần đảo Trường Sa.
Vào cuối năm 1987, đầu năm 1988, hải quân nước ngoài đã cố tình chiếm đóng trái phép một số bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa gây nên sự kiện ngày 14/3/1988 tại các đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao. Trong sự kiện bị tráng này, 64 cán bộ, chiến sỹ của ta đã anh dũng hy sinh để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Gần 4 thập kỷ qua, quân dân huyện đảo Trường Sa luôn khắc sâu lời thề quyết tâm bảo vệ quần đảo Trường Sa, một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc trên Biển Đông.
Tại buổi mít tinh, Trung tướng Mai Quang Phấn nhấn mạnh chiến thắng giải phóng Trường Sa năm 1975 đã khẳng định sự trưởng thành, lớn mạnh của lực lượng Hải quân Việt Nam sau 20 năm thành lập. Các chiến sỹ hải quân làm nhiệm vụ trên các đảo Trường Sa, nhà giàn DK1 là niềm tự hào, niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Giờ đây, diện mạo của huyện đảo Trường Sa đổi mới từng ngày, với các công trình khang trang như cầu cảng, sân bay, âu tàu, trạm hải đăng, đài khí tượng thuỷ văn, trạm thu phát truyền hình vệ tinh, trạm thu, phát tín hiệu sóng điện thoại di động, hệ thống năng lượng sạch… Các công trình này không chỉ phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng mà còn tạo điều kiện tốt cho quân, dân Trường Sa và ngư dân các tỉnh miền Trung yên tâm bám biển đánh bắt hải sản.
Diễu binh trong lễ mít tinh kỷ niêm 38 năm Ngày giải phóng quần đảo Trường Sa. |
Bên cạnh đó, các công trình văn hoá như Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài tưởng niệm liệt sỹ, Nhà khách Thủ đô, nhà văn hoá, quần thể Tượng đài Trần Hưng Đạo, các ngôi chùa đã trở thành nơi sinh hoạt tinh thần, giáo dục truyền thống yêu nước cho quân và dân huyện đảo.
Để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ và phát triển Trường Sa, Trung tướng Mai Quang Phấn yêu cầu cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo cần quán triệt, nhận thức sâu sắc vị trí chiến lược của quần đảo Trường Sa đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân vững chắc, xây dựng huyện đảo thành địa chỉ tin cậy, chỗ dựa vững chắc cho bà con ngư dân yên tâm đánh bắt hải sản, góp phần đưa nước ta là quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.
Trước đó, Đoàn công tác của Tổng Cục chính trị quân đội nhân dân Việt Nam cùng các bộ, ngành Trung ương đã dâng hương tại đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Trường Sa Lớn, viếng các anh hùng liệt sỹ tại đài tưởng niệm, đến thăm, tặng quà cán bộ chiến sỹ và nhân dân đang sinh sống, làm nhiệm vụ trên quần đảo và xem không quân Việt Nam tuần tra quần đảo Trường Sa bằng máy bay Su-30.
Một số hình ảnh về hoạt động của Đoàn công tác của Tổng Cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cùng các bộ, ngành Trung ương tại đảo Trường Sa Lớn:
Theo Chinhphu.vn