Đến Đại Lãnh, đi Đầm Môn, chiêm ngưỡng vùng cực Đông còn hoang sơ nhưng kỳ vĩ.
Biển Đại Lãnh, một vùng biển nằm cuối địa phận tỉnh Khánh Hòa, nơi còn chưa phát triển du lịch, biển vẫn mang một màu xanh nguyên sơ. Tuy nhiên, đây là cửa ngõ để có thể chinh phục cực Đông, dải đất liền lấn biển xa nhất về phía Đông của Tổ Quốc.
Tuy vẫn còn hạn chế về các dịch vụ du lịch, không có nhiều sự lựa chọn cho một bữa ăn tại đây nhưng món lẩu mực ống đặc sản sẽ không làm khách từ xa thất vọng. Mực ở đây tính theo khẩu phần, một người chỉ cần bỏ ra khoảng 70.000đ là có thể ăn uống thoải mái cho một bữa tối.
Giá nhà nghỉ lại không quá đắt, một phòng nghỉ sạch sẽ cho 2,3 người, đủ tiện nghi dao động từ 100 -150.000 đồng/đêm. Đêm ở đây rất yên tĩnh, ngoài việc lên đèo Cổ Mã ngắm hàng trăm con tàu câu mực trên biển đêm thì đa số khách đều tận hưởng giấc ngủ sớm giữa không khí thiên nhiên trong lành.
Ngay dưới chân đèo Cổ Mã có một ngã 3, rẽ vào Đầm Môn, con đường ra cực Đông. Những khung cảnh tuyệt đẹp khó có thể tìm thấy được ở một nơi khác.
Muốn ra cực Đông, phải băng xuyên qua một bãi cát dài hàng km, có thể tốn mất cả ngày trời. Nếu chưa thực sự sẵng sang, hãy chọn phương án đi thuyền, sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian và sức lực, bù lại về phần giá cả có lẽ hơi cao nếu đi nhóm ít người.
Không như Mũi Điện ở Phú Yên, cực Đông mũi Đôi ở Khánh Hòa vẫn còn hoang sơ, chưa có cột mốc đánh dấu, chỉ có thể xác định được trên GPS.
Đứng nơi đầu sóng ngọn gió, nhìn về phía biển, mỗi người chúng ta sẽ lại càng thấy thêm trách nhiệm của bản thân đối với Tổ Quốc, với biển đảo quê hương. Tạm biệt cực Đông, tạm biệt Đại Lãnh, hẹn gặp lại vào một ngày gần đây.
Đường về tuy còn hơn 600km, nhưng sẽ không cảm thấy mệt mỏi, khi dọc con đường huyết mạch 1A, cảnh đẹ liên tục xuất hiện giúp xua đi cái nắng, gió, bụi đường. Và mỗi người lại càng dâng lên trong mình cảm giác chiến thắng của người chinh phục.
Theo Thebox.vn