Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Khánh Hòa đang triển khai kế hoạch kiểm tra, kiểm soát ổn định thị trường trong dịp Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa 2017. Trong đó, chi cục tập trung kiểm tra việc chấp hành pháp luật ở các cơ sở kinh doanh phục vụ khách du lịch (gọi tắt là cơ sở).
Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Khánh Hòa đang triển khai kế hoạch kiểm tra, kiểm soát ổn định thị trường trong dịp Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa 2017. Trong đó, chi cục tập trung kiểm tra việc chấp hành pháp luật ở các cơ sở kinh doanh phục vụ khách du lịch (gọi tắt là cơ sở).
Có nhiều chuyển biến
Ông Phạm Văn Hữu - Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh cho biết: “Năm trước, lĩnh vực hoạt động kinh doanh phục vụ khách du lịch (KDPVKDL) nổi cộm lên nhiều vấn đề như: sử dụng lao động nước ngoài sai quy định; niêm yết giá bán bằng ngoại tệ; mua bán, trao đổi ngoại tệ trái phép; không niêm yết giá; nguồn gốc hàng hóa không rõ ràng… Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra từ đầu năm đến nay, tình hình vi phạm ở lĩnh vực này đã giảm nhiều, các cơ sở cũng đã chấp hành tốt quy định của Nhà nước về KDPVKDL”.
UBND tỉnh và Sở Công Thương đã chỉ đạo sát sao việc thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực hoạt động KDPVKDL. Chi cục cũng đã chỉ đạo Đội QLTT Cơ động chủ trì, phối hợp với Phòng An ninh kinh tế, Phòng An ninh xuất nhập cảnh, Phòng Bảo vệ chính trị nội bộ của Công an tỉnh tiến hành kiểm tra liên ngành đối với các cơ sở. Nhờ đó, tình hình vi phạm trong lĩnh vực này có nhiều chuyển biến hơn so với trước.
Theo báo cáo của Chi cục QLTT tỉnh, 5 tháng đầu năm, chi cục đã chủ trì, phối hợp kiểm tra 37 cơ sở, phát hiện 27 trường hợp vi phạm. Các hành vi vi phạm chủ yếu là ghi nhãn hàng hóa; không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; không có giấy phép kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ… Chi cục đã xử phạt số tiền hơn 250 triệu đồng và tịch thu một số hàng hóa. Riêng trong tháng 5, chi cục đã kiểm tra 10 cơ sở, phát hiện 3 cơ sở vi phạm về ghi nhãn hàng hóa, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Đoàn kiểm tra chưa phát hiện cơ sở kinh doanh nào có hành vi phân biệt đối xử với khách hàng. Phần lớn các cơ sở thực hiện nghiêm việc niêm yết giá bằng Việt Nam đồng và bán theo giá niêm yết, đa số hàng hóa có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.
Tăng cường kiểm tra trong dịp Festival Biển
Hiện nay, trên địa bàn TP. Nha Trang có khoảng 60 cơ sở KDPVKDL (cơ sở lớn thường phục vụ khách đoàn), với các mặt hàng kinh doanh như: các sản phẩm từ gỗ, đồ thủ công mỹ nghệ, đồ trang sức bằng kim loại, ngọc trai, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm… Các cơ sở này chủ yếu tập trung ở đường: Nguyễn Tất Thành, Phạm Văn Đồng, Võ Thị Sáu, Tô Hiệu, Trần Phú và các tuyến đường ở khu phố Tây. Để đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh và lợi ích của người tiêu dùng, đặc biệt là khách du lịch, Chi cục QLTT tỉnh đã chỉ đạo các đội QLTT triển khai kế hoạch kiểm tra, kiểm soát ổn định thị trường trong dịp Festival Biển 2017. Theo đó, từ ngày 20-5 đến 20-6, các đội QLTT tổ chức đợt cao điểm kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; chống các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức; chấp hành quy định về ATTP… Địa bàn trọng tâm trong kế hoạch này là TP. Nha Trang, huyện Diên Khánh và thị xã Ninh Hòa, các khu thương mại tập trung, chợ đầu mối, khu vui chơi giải trí...
Trong những ngày đầu triển khai kế hoạch, Đội QLTT Cơ động đã tiến hành kiểm tra một số cơ sở trên đường Phạm Văn Đồng. Phần lớn các cơ sở này đều chấp hành tốt quy định của pháp luật, chưa phát hiện hành vi vi phạm nào. Tại hộ kinh doanh Nguyễn Tưởng Bảo Ngọc - số 3 đường Phạm Văn Đồng, sau khi kiểm tra các giấy tờ, hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, các mặt hàng đang bày bán và lưu kho, đoàn kiểm tra cho biết, cơ sở này chấp hành tốt các quy định về KDPVKDL.
Đặc biệt, Đội QLTT Cơ động đã vận động các cơ sở ký bản cam kết thực hiện các quy định pháp luật. Đây là hoạt động mới được triển khai hơn 2 tháng nay, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ sở trong việc chấp hành quy định của pháp luật. Đến nay, đội đã vận động được hơn 50 cơ sở ký bản cam kết này. Bà Nguyễn Tưởng Bảo Ngọc - chủ hộ kinh doanh cho biết: “Sau khi được cán bộ QLTT hướng dẫn và phổ biến các quy định của pháp luật, tôi đã tự nguyện ký bản cam kết với lực lượng chức năng về chấp hành các quy định về KDPVKDL như: không phân biệt đối xử với khách hàng; niêm yết giá; không niêm yết giá, thu đổi, thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ…”.
MAI HOÀNG