Trong quá trình hoàn thiện, nâng cấp sản phẩm đạt các tiêu chí OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), cùng với sự trợ giúp, hướng dẫn thường xuyên của cán bộ OCOP các cấp, việc hỗ trợ các chủ thể những nội dung về phát triển sản phẩm đã góp phần vào kết quả của chương trình này trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Hỗ trợ hơn 12,6 tỷ đồng
Năm 2024, toàn tỉnh có 187 sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP. Ngoài những sản vật thế mạnh như: Trầm hương, yến sào, sầu riêng, bưởi da xanh, xoài, nước mắm, hải sản…, năm nay còn có sự xuất hiện của nhiều nông sản tương đối mới, như: Mãng cầu, vú sữa, ổi ruby, mực khô, tôm khô, cá thửng… Nhiều chủ thể mới lần đầu tham gia, việc hoàn thiện sản phẩm, nhất là đầu tư máy móc, thiết bị để có thể đo lường được chất lượng, hàm lượng, các quy chuẩn, quy trình còn nhiều khó khăn. Do đó, trong số hơn 12,6 tỷ đồng ngân sách tỉnh hỗ trợ cho các địa phương để triển khai chương trình, có hơn 10 tỷ đồng được dành để hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm, bao gồm các nội dung như: Tiêu chuẩn hóa sản phẩm liên quan đến thiết kế bao bì, nhãn mác, đăng ký mã số, mã vạch, tem điện tử, hệ thống truy xuất nguồn gốc, kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, dinh dưỡng, xây dựng website, xây dựng câu chuyện sản phẩm, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng HACCP, VietGAP...
Các đại biểu tham quan một gian hàng OCOP trưng bày tại hội nghị tổng kết kinh tế tập thể năm 2024. |
Tại huyện Khánh Vĩnh, năm nay, hộ kinh doanh Phan Thịnh ở xã Sông Cầu trong quá trình nâng cấp sản phẩm bưởi da xanh đã được Nhà nước hỗ trợ kinh phí (cùng với đối ứng của chủ thể) để in nhãn mác bao bì sản phẩm và lấy mẫu phân tích, kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm. Ngoài các nội dung hỗ trợ như hộ nêu trên, Hợp tác xã nông nghiệp xanh Sơn Thái (thôn Bố Lang, xã Sơn Thái) còn được ngân sách hỗ trợ chi phí chứng nhận VietGAP, góp phần quan trọng giúp cho sản phẩm dứa xanh Sơn Thái đạt 62,09 điểm, số điểm OCOP 3 sao.
Tại huyện Vạn Ninh, ngân sách nhà nước đã dành hơn 1,26 tỷ đồng để hỗ trợ cho các chủ thể có sản phẩm tham gia chương trình OCOP năm 2024. Đơn cử như hộ kinh doanh Đặng Trung Đoan (xã Vạn Long) được hỗ trợ tổng cộng 157 triệu đồng giúp cơ sở đăng ký mã số, mã vạch, xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến; xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng và thiết kế bao bì, nhãn mác, xây dựng câu chuyện sản phẩm, kiểm nghiệm sản phẩm, giúp cho chủ thể này nâng cấp hoàn thiện và có 3 sản phẩm làm từ trầm hương được UBND tỉnh công nhận OCOP 4 sao, đó là: Thanh nén Tĩnh Tâm An, thanh hương Linh Khí Việt và chuỗi trầm Tâm Linh Phát. Tương tự, năm nay, Công ty TNHH Trầm Thiên Hương Vanagar tập trung hoàn thiện 3 sản phẩm nhang trầm Lộc Phát, thanh trầm Cát Tường và nụ trầm An Cát tham gia chương trình OCOP. Ngân sách nhà nước đã hỗ trợ 171 triệu đồng để chủ thể này nâng cấp sản phẩm. Mới đây, cả 3 sản phẩm này đều đã được UBND tỉnh công nhận OCOP 4 sao.
Sản phẩm thủ công mỹ nghệ ở Ninh Hòa được đầu tư, nâng cấp để tham gia chương trình OCOP. |
Theo lãnh đạo Tổ giúp việc Hội đồng đánh giá, phân hạng OCOP tỉnh, tham gia chương trình OCOP, các chủ thể được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí để hoàn thiện, nâng cấp sản phẩm. Theo đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ một phần (chủ thể đối ứng theo tỷ lệ quy định) để các chủ thể mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến, đóng gói và bảo quản sản phẩm; kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, chỉ tiêu dinh dưỡng; xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (SSOP, GMP, ISO, HACCP); xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến; thiết kế bao bì, nhãn mác sản phẩm, đăng ký mã số, mã vạch, tem điện tử (truy xuất nguồn gốc), áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc; xây dựng câu chuyện sản phẩm… Ngoài ra, các sản phẩm OCOP được hỗ trợ chi phí tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh, điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP.
Kịp thời hướng dẫn, khuyến khích
Trong quá trình triển khai chu trình OCOP thường niên, các chủ thể phải đối diện với rất nhiều tiêu chí, chỉ tiêu để được công nhận là một sản phẩm OCOP. Nhiều chỉ tiêu, tiêu chí trong số đó cần sự hướng dẫn, giải thích, trao đổi thường xuyên giữa các chủ thể và cán bộ OCOP các cấp. Ông Trần Công Đức - Giám đốc Hợp tác xã trầm hương Vạn Thắng (huyện Vạn Ninh) cho biết, trong những năm qua, hợp tác xã đã không ngừng hoàn thiện sản phẩm để tham gia chương trình OCOP, qua đó có nhiều sản phẩm bao gồm trầm cảnh mỹ nghệ, vòng trang sức trầm hương, nhang trầm hương không tăm và nhang trầm hương có tăm đạt sao OCOP. Trong quá trình hoàn thiện, nâng cấp sản phẩm, các thành viên hợp tác xã đã được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng do cấp tỉnh, huyện tổ chức; được cán bộ OCOP các cấp trao đổi, hỗ trợ thường xuyên về những yêu cầu, đòi hỏi của một sản phẩm OCOP, nhất là quy định về kiểm định chất lượng, bao bì, thương hiệu… nhằm giúp chủ thể không chỉ sản xuất ra sản phẩm đạt sao OCOP, quan trọng hơn là sự hoàn thiện trong khâu sản xuất, bao bì, phân phối.
Chủ thể trầm Thiên Hương Vanagar (Vạn Ninh) trình bày câu chuyện sản phẩm của mình tham gia chương trình OCOP 2024. |
Tương tự, bà Lê Thị Kim Thanh - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp xanh Khánh Trung (huyện Khánh Vĩnh) cho biết, năm 2024, hợp tác xã tham gia 2 sản phẩm và đã được UBND huyện công nhận đạt sao OCOP đó là vú sữa hoàng kim, ổi ruby. Với rất nhiều tiêu chí, chỉ tiêu, chủ yếu ở nhóm chất lượng sản phẩm, nguồn gốc nguyên liệu, chỉ tiêu sinh hóa… đòi hỏi sự hỗ trợ, hướng dẫn từ cán bộ OCOP các cấp trong quá trình hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cấp sản phẩm.
Trong năm qua, chương trình OCOP cũng đã triển khai khen thưởng cho các chủ thể có sản phẩm đạt sao OCOP. Đây là sự ghi nhận, động viên, khuyến khích các chủ thể tiếp tục nâng cấp sản phẩm nhằm duy trì và nâng hạng sau khi đã đạt sao OCOP. Theo đó, năm 2024, UBND tỉnh đã bổ sung ngân sách để các địa phương khen thưởng cho các chủ thể đạt sao OCOP năm 2023. Các chủ thể có 4 sản phẩm OCOP 4 sao, 94 sản phẩm OCOP 3 sao đều được khen thưởng theo mức quy định: Mỗi sản phẩm 3 sao được thưởng 8 triệu đồng; sản phẩm 4 sao được thưởng 10 triệu đồng và sản phẩm 5 sao được thưởng 15 triệu đồng.
Năm nay, toàn tỉnh phấn đấu có hơn 100 sản phẩm OCOP. Tính đến ngày 30-12, toàn tỉnh có 244 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên còn thời hạn công nhận. Trong đó, 1 sản phẩm có số điểm đạt 5 sao, 28 sản phẩm đạt 4 sao, 215 sản phẩm đạt 3 sao. Có 127 chủ thể có sản phẩm OCOP được công nhận, trong đó có 55 doanh nghiệp, 22 hợp tác xã, 14 tổ hợp tác, 36 hộ kinh doanh. Phân theo nhóm có: 160 sản phẩm thực phẩm, 41 sản phẩm đồ uống, 1 sản phẩm mỹ phẩm, 40 sản phẩm thủ công mỹ nghệ, 1 sản phẩm sinh vật cảnh và 1 sản phẩm dịch vụ du lịch.
HỒNG ĐĂNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin