Hơn 20 năm trước, bữa sáng của đứa trẻ Ninh Hòa thường là tô cơm nguội với ít cá dính nồi đêm qua còn sót lại, kèm ca nước giếng ngọt lành...
Hơn 20 năm trước, bữa sáng của đứa trẻ Ninh Hòa thường là tô cơm nguội với ít cá dính nồi đêm qua còn sót lại, kèm ca nước giếng ngọt lành. Nhà đứa nào khá giả, được ba má cho 500 đồng mua xôi bắp hay đậu đen gói trong lá chuối với cái muỗng lá dừa, rưới chút muối mè thơm lừng. Còn không thì ổ bánh mì 1.000 đồng có xíu mại, thịt mỡ, dưa leo, hành ngò kèm chút xì dầu bán khắp cùng phố thị. Bữa nào cũng nhiêu đó, hết cơm nguội cá kho, chuyển qua xôi đậu tới bánh mì, nhưng chẳng bao giờ thấy ngán. Vậy mà sau này khôn lớn, đi khắp bốn biển năm châu, ăn đủ món Tây Tàu, nhưng vẫn hay nhớ tới ổ bánh mì huyền thoại đó.
Bao nhiêu năm trở lại, cái xóm nhà cũ ấy, sau mười mấy năm oằn mình dưới bụi mù sỏi đá, cuối cùng cũng đã được đổ bê tông sạch sẽ. Hồi đó, mỗi lần má sai ra chợ là tôi vùng vằng vì phải cuốc bộ đường xa dưới trời nắng chang chang. Vậy mà giờ về, mọi thứ tự nhiên thu hẹp dần, bé nhỏ xíu xiu. Quãng đường ngày xưa ngắn như trong một gang tay, nhắm mắt đi cái vèo là hết. Thế là thất thần đứng nhìn. Ôi thôi bao kỷ niệm tràn về, buồn vui lẫn lộn.
Bánh mì xứ này nhỏ gọn, vừa lòng tay, cả ổ không quá giòn, cũng chẳng quá dai, ruột không quá đặc. Mọi thứ vừa đủ để người ta lưu luyến. Mua ổ bánh về ăn không cũng đã thấy ngon, sang hơn chút nữa thì chấm đường cát, sữa ông Thọ hay xì dầu. Thị xã có gần 10 lò bánh đốt bằng củi. Đi ngang qua, mùi bánh nướng chín thơm nồng nàn. Hồi đó không có máy đánh như bây giờ, mọi thứ đều phải làm bằng tay. Lò bánh nhà dì Hai có lẽ lâu đời nhất. Nghe đâu ngoài hai mươi tuổi dì đã bắt đầu làm. Bánh mì nhà dì chủ yếu bỏ sỉ cho người ta, chỉ để lại một ít, ngồi ngay góc đường với xoong thịt bán cho chòm xóm suốt mấy chục năm, gắn liền với bao thế hệ trẻ con xứ này. Vài năm trước, một ngày cuối năm, dì qua đời vì tuổi già sức yếu sau bao năm tháng nhọc nhằn. Người con dâu thay dì ngồi ngay góc cũ, lặng lẽ bám nghề, với nhiều người đã là hình ảnh không thể đổi dời hay biến mất.
Linh hồn của bánh mì Ninh Hòa là nồi thịt mỡ thơm lừng, bắt mắt. Phải là loại thịt mỡ có xíu da, kèm chút nạc, được xắt đều cỡ nửa đầu ngón tay, rồi đem ướp với đường, nước mắm, tiêu và chút màu tôm, xào trên bếp than với lửa nhỏ cho ra bớt mỡ. Miếng mỡ nấu xong phải săn, trong ngần, gia vị thấm đều, dẻo từ trong ra ngoài. Thịt để trong cái lẩu bằng nhôm hình tròn, chính giữa có trụ bỏ ít cục than, giữ thịt luôn nóng. Từ xa, ngay đầu con gió đã nghe mùi thịt thơm ngất ngây.
Xíu mại làm bằng thịt dăm, thêm ít mỡ bằm, gia vị, hành tím. Khác với xíu mại Nha Trang hay Sài Gòn nấu trong nước sốt, người Ninh Hòa đem chưng cách thủy để mỡ ra nước béo, ngọt ngay. Nước sốt thì đơn giản hơn, nấu bằng xì dầu pha loãng, thêm chút mỡ bằm và hành tím.
Hàng bánh mì của chị quanh năm im ắng bên góc đường, căng tấm bạt che cái nắng hay cơn mưa dầm dề rả rích. Chị đội nón hoa, ngồi sau cái bàn trải tấm nhựa bạc màu nắng gió. Khách tới kêu cho ổ đầy đủ, chị cười tươi, lấy dao rọc bên hông bánh, tách ra, xịt chút xì dầu, lấy muỗng xắn xíu mại để chính giữa, dàn đều. Rồi múc muỗng thịt rải đều trong ruột bánh, chan chút nước sốt, gắp nhúm hành ngò, dưa leo bỏ lên trên, thêm chút ớt. Ai mê ăn béo xin thêm chút nước mỡ. Ngon không thể tả.
Cầm ổ bánh mì quen thuộc, năm tháng tuổi thơ cứ hiện ra mồn một trong tôi. Những ngày đói cơm, rách áo, mỗi sáng đứng trước hàng của dì, chìa tờ bạc giấy, rồi hít hà mùi thịt cháy trên thành lẩu, cứ mơ có tiền sẽ mua mấy chục ổ bánh về ăn cho đã. Rồi chạnh lòng nhớ ba nhớ má, nhớ dì Hai và những bà hàng năm cũ giờ đã hóa thiên thu. Nhớ mấy bạn bè chung xóm năm xưa đi đâu miệt mài không thấy quay về. Muốn gặp lại nó ở Sài Gòn hay bên tận trời Tây, hỏi còn nhớ ổ bánh mì giòn rụm của dì Hai sáng nào cũng ăn không? Bữa nào về tao với mày đi ăn một bữa no căng cho đã.
Nguyễn Hữu Tài