Năm nào cũng vậy, sau Tết khoảng một tháng, ở quê tôi ấy là mùa đậu phụng tới. Ngoài ruộng trồng lúa, do có nhiều vùng đất cát nên từ thời xa xưa, người dân quê tôi trồng rất nhiều đậu phụng. Từ đầu tháng mười một âm lịch, khi những cơn mưa mùa đông ngớt dần cũng là lúc đậu phụng được gieo xuống đất để rồi lớn lên, trổ bông, cắm rễ, tạo củ như câu ca rất nhiều người biết "Cây xanh xanh, lá xanh xanh/Hoa trên cành trái dưới đất".
Năm nào cũng vậy, sau Tết khoảng một tháng, ở quê tôi ấy là mùa đậu phụng tới. Ngoài ruộng trồng lúa, do có nhiều vùng đất cát nên từ thời xa xưa, người dân quê tôi trồng rất nhiều đậu phụng. Từ đầu tháng mười một âm lịch, khi những cơn mưa mùa đông ngớt dần cũng là lúc đậu phụng được gieo xuống đất để rồi lớn lên, trổ bông, cắm rễ, tạo củ như câu ca rất nhiều người biết “Cây xanh xanh, lá xanh xanh/Hoa trên cành trái dưới đất”.
Vào mùa thu hoạch đậu phụng, cảnh sinh hoạt cũng rộn ràng chẳng khác mấy so với mùa lúa. Từ sáng, trên khắp đường làng, ngõ xóm người ta mang theo dây, đòn xóc, quang gánh... đổ về những khu vực trồng đậu. Người nhổ, người bó, người gánh, khắp nơi tiếng nói cười rộn rã. Có người hái đậu tại ruộng, có người gánh về mới lặt củ. Đậu phụng hái xong, phần phơi khô, phần đưa vào các bộng để ép thành dầu. Khắp các thôn xóm, những ngày này, chỗ nào cũng nghe dầu phụng mới ép xong, tỏa mùi thơm ngát.
Đối với bọn nhỏ chúng tôi, mỗi mùa đậu phụng tới là lúc có thêm nhiều kỷ niệm. Ở nhà được ăn đậu phụng nấu, rang đã đời, vậy mà khi cho trâu ra đồng, nhiều bữa chúng tôi còn rủ nhau đi mót đậu sót để tạo thành món ăn khá độc đáo, đó là món đậu nướng. Không rõ do ai bày nhưng ở quê tôi, đa phần đám trẻ chăn trâu đều biết cách làm món này. Đậu phụng khi mót được, chúng tôi để nguyên vỏ, dồn lại, sau đó xúc cát đổ lên rồi tìm củi đốt ở trên. Củi cháy làm cho cát nóng và lớp đậu nằm trong cát cũng chín dần. Khi lửa tàn, dùng que, bới đống cát ra, ta sẽ có những hạt đậu chín. Món này được gọi là đậu phụng nướng cát, chỗ không tìm được cát thì lấy đất phủ lên và gọi là nướng đất.
Vì ở ngoài đồng, không nồi, không niêu nên nướng là món thông dụng với đám trẻ chăn trâu chúng tôi ngày xưa. Nếu bắt được cá đồng, chúng tôi chọc que, nướng trui trực tiếp trên lửa. Nếu nhặt được trứng của những chú vịt thả đồng, chúng tôi dùng đất sét bọc quanh quả trứng rồi nướng khi trên than hồng, khi trên lửa ngọn. Còn khoai hay sắn, chỉ lùi nó trong tro nóng một lúc là chín. Riêng đậu phụng nướng cát hoặc nướng đất đòi hỏi thời gian lâu hơn, phải gần cả giờ. Tuy vậy cả hai đều ngon. Do gặp lửa nóng, hơi đất, hơi cát đã xuyên qua lớp vỏ, thấm vào bên trong làm cho những hạt đậu như được hấp chín, khi ăn vừa ngon vừa thơm.
Đã qua rồi một thời tuổi thơ chân đất, ra đồng chăn trâu, nướng đậu. Nhưng những kỷ niệm đối với chúng tôi theo thời gian thì vẫn còn đó. Đám bạn tuổi nhỏ ngày xưa, giờ lớn tuổi cả rồi nhưng vẫn còn liên lạc với nhau qua một nhóm trên zalo. Mới đây, một người bỗng dưng vui đùa gửi tin nhắn chung cho nhóm: “Đến mùa đậu phụng rồi! Ai muốn ăn đậu nướng cát thì về đây với tui!”.
Dù biết rằng đùa, vậy mà đọc xong lòng cứ nao nao…
Hoàng Nhật Tuyên