10:11, 30/11/2021

Lụt về đi bắt dế cơm

Hàng năm, vào những ngày mưa dầm dề, nước lũ tràn về ngập đồng, ngập bãi là tôi lại nhớ đến chuyện đi bắt dế cơm.

Hàng năm, vào những ngày mưa dầm dề, nước lũ tràn về ngập đồng, ngập bãi là tôi lại nhớ đến chuyện đi bắt dế cơm.

 


Dế có nhiều loại, nhưng để chế biến thành món ăn thì loại số một phải kể đến là dế cơm. Đây là loại dế có thân hình to bằng ngón tay người lớn, dài chừng 3,5cm và có đôi cánh màu nâu. Nằm bên bờ sông Cái nên quê tôi đất đai phần nhiều pha cát, có độ xốp cao, rất tốt cho việc trồng dâu, trồng bắp  cùng các loại rau, và đây cũng chính là môi trường thuận lợi để dế cơm đào hang sinh sống. Thường thì dế cơm sống mỗi hang một con, nhưng cũng có khi chúng sống chung cả đôi. Chỉ ăn lá rau, lá cỏ và sống trong hang khô ráo nên dế cơm là loài rất sạch và sinh sôi rất nhanh vào những tháng ngày có nắng ấm. Mùa đông, khi trời mưa to, lũ về, ngập vào bãi, vào vườn, do không chịu được nước, những chú dế trong hang bắt đầu bò ra, từng đám bu trên các cành lá, cành củi ở các bụi, bờ, và thế là trẻ con, người lớn rủ nhau đi bắt.


Cùng với đi thả lờ, đơm đó, giăng lưới… để bắt cá đồng, đi bắt dế cơm là thú vui của người dân làng quê. Riêng với bọn trẻ con chúng tôi thì đứa nào cũng thích, cũng mê. Mặc dù phải lội trong nước, đến từng bụi bờ, nhưng khi bắt những con dế bụng căng vàng, bỏ vào chiếc giỏ hoặc  cái bình nhựa, vẻ mặt đứa nào đứa nấy đều lộ rõ sự hân hoan. Tôi nhớ có nhiều bữa, bắt hết dế ở những bụi bờ quanh vườn, quanh những khu vực nước ngập cạn, chúng tôi còn rủ nhau chặt những cây chuối già kết thành bè, chèo đi qua những chỗ nước sâu để tìm.


Dế cơm nướng cho mùi thơm rất lạ, nhưng để ăn ngon hơn có lẽ là món dế xào. Ngày xưa mẹ tôi chế biến món này rất khéo. Dế cơm khi chúng tôi bắt về, mẹ cẩn thận cắt bỏ phần gai ở cuối chân, giữ lại phần đùi, sau đó cắt bỏ cánh, rồi ngắt nhẹ phần đuôi, bỏ phần ruột, rửa sạch bằng nước muối để cho ráo nước. Mẹ ướp dế với gia vị rồi trộn đều. Để món dế xào trở nên hấp dẫn, vàng và giòn, trước khi cho dế vào chảo mẹ tôi thường bỏ ít muối ớt vào rang trước, sau đó mới bỏ dế vào xào cho đến khi dế chín, cuối cùng cho lá tía tô xắt nhỏ cùng lá é trắng vào. Xào theo cách này, khi ăn, ta sẽ cảm nhận được hương vị khó quên của dế hòa lẫn trong vị cay, vị béo, vị mặn, vị ngọt cùng với mùi của rau thơm.


Dế cơm xào không chỉ có nhiều dưỡng chất mà còn là món ăn dân dã, rất đặc trưng vào mùa lụt có lẽ không chỉ ở quê tôi mà còn có ở nhiều vùng đất ven sông khác của miền Trung. Giữa thời tiết mưa gió, ngoài đồng nước ngập trắng xóa, trong cái lạnh se se, cả gia đình quây quần bên mâm cơm nóng có đĩa dế xào thì thật là tuyệt vời. Đó là một trong vô số hình ảnh mộc mạc nhưng khó quên mà những đứa con đi xa nhớ về quê nhà mỗi khi mùa lụt đến…


Hoàng Anh