10:09, 24/09/2021

Hương vị quê nhà: Vị sấu trong ký ức

Trước đây, khi chưa có dịch, vào mùa hè, tại các chợ ở Nha Trang thường xuất hiện sấu Hà Nội. Những quả sấu xanh màu lá, tròn vo, từng rất quen thuộc, được đẩy trên những chiếc xe ba-gác chất trong những cái sàng hoặc đơn giản là vun thành đụn nhỏ trên vỉa hè... để khách tha hồ lựa chọn.

Trước đây, khi chưa có dịch, vào mùa hè, tại các chợ ở Nha Trang thường xuất hiện sấu Hà Nội. Những quả sấu xanh màu lá, tròn vo, từng rất quen thuộc, được đẩy trên những chiếc xe ba-gác chất trong những cái sàng hoặc đơn giản là vun thành đụn nhỏ trên vỉa hè... để khách tha hồ lựa chọn.

 


Từng sống ở Hà Nội nhiều năm, gắn bó với những mùa sấu nên quả sấu trở thành một ký ức khó quên của tuổi thơ tôi, với những buổi trưa không ngủ, trốn mẹ, cùng bọn trẻ hàng xóm đi hái sấu. Tụi con trai leo cây, quả gần thì hái, cho vào túi, quả xa thì khoèo, chọc cho rớt... Tụi con gái đứng dưới, có nhiệm vụ hứng hoặc lượm những quả rơi ... Những mùa sấu đầy kỷ niệm ngày ấy, tôi không thể nhớ đã đem về cho mẹ  bao nhiêu rổ sấu.

 
Với những đứa trẻ của thời nghèo khó ấy, khi bánh kẹo và trái cây là thứ hàng xa xỉ, không gì ngon bằng được ăn sấu chín. Không chỉ con gái, mà cả con trai cũng  thích sấu chín. Vị ngọt pha chút chua dìu dịu chấm với muối ớt cay xè là cảm giác mà nhiều năm sau mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn chợt hít hà... Đó là lý do năm nào, khi sấu xuất hiện ở Nha Trang, tôi cũng mua cả chục ký để chế biến, theo những cách mà ngày xưa mẹ vừa làm vừa hướng dẫn chúng tôi.  


Món thông dụng nhất là sấu dầm nước luộc rau. Nước rau dầm sấu có vị chua thanh dịu, ngon hơn vị chua khi vắt chanh. Những bữa trưa ngày ấy, khi lùa những miếng cơm chan nước rau rồi cắn một miếng cà pháo giòn tan, cái nóng hừng hực của mùa hè Hà Nội nhanh chóng tan biến.  


Tôi vẫn nhớ những món canh sấu nấu chua mẹ nấu. Hồi đó không có thịt heo hay sườn như bây giờ nên mẹ nấu sấu với tép đồng, cá rô hay có khi chỉ là đầu tôm giã nát chắt lấy nước..., để rồi hỉ hả nhìn các con vừa thổi vừa húp xùm xụp, hết veo nồi canh to đùng. 

 
Không có tủ lạnh trữ sấu dành ăn quanh năm như tôi bây giờ nên mẹ chỉ để một ít sấu tươi nấu trong vài ngày. Số còn lại, mẹ chế biến thành nhiều món ngon khác. Mẹ hay làm sấu dầm. Sấu dầm muối ớt đơn giản hơn, để ăn vặt hay ăn với cơm, nhưng chỉ ăn được vài ngày, như món cà muối xổi. Sấu dầm  đường mất công hơn: Mẹ thắng nước đường rồi thả sấu vào đun thêm ít nữa, đập mấy nhánh gừng già thả vào cho thơm. Vị chua thanh của sấu pha lẫn vị ngọt của đường và mùi thơm gừng già quyện vào nhau, tạo thành một món ăn vặt  đặc trưng mà đứa trẻ nào hồi đó cũng mê.


Ô mai sấu xào gừng cũng là món mẹ hay làm. Thay vì ngâm trong nước đường, mẹ ướp sấu với đường và gừng, ngâm đến khi đường tan hết rồi cho vào nồi, thêm muối rồi đun nhỏ lửa. Khi đường keo lại và sấu chuyển sang màu hổ phách là được. Mùi ô mai sấu gừng thơm ngào ngạt trong gian bếp nhỏ ngày ấy vẫn theo tôi mãi, đến nỗi sau này, mỗi lần ra Hà Nội, tôi phải mua dăm hộp về Nha Trang làm quà và để cùng các con nhâm nhi, nhớ về bà ngoại. Mùa sấu, mẹ còn chế biến nước giải khát. Sau khi ngâm, rửa, đổ sấu ra rổ cho ráo nước. Đựng sấu trong lọ thủy tinh, rải lần lượt 1 lớp sấu, 1 lớp đường và ít muối, đậy nắp lại, để nơi thoáng mát. Khi đường tan hết, chắt riêng phần nước ra, đun đến sôi thì cho gừng đập dập hoặc xắt nhỏ vào. Khi nước sấu thật nguội thì trút lại vào lọ đựng. Sau khi ngâm 2 ngày là có thành quả. Những ly nước sấu mát lạnh mẹ pha sẵn đã giải được cơn khát sau khi cuốc bộ vài cây số từ trường về nhà là những kỷ niệm đi theo tôi suốt cuộc đời…


Giao Thủy