Sinh ra và lớn lên tại một làng chài ven biển nên từ tuổi thơ, cô đã nếm qua hầu hết các loại mắm được chế biến từ các loài hải sản. Bên cạnh mắm nhỉ, người làng cô còn sáng tạo ra nhiều loại mắm khác: Mắm nêm, mắm cái, mắm nục, mắm thu, mắm ruột, mắm ruốc…
Sinh ra và lớn lên tại một làng chài ven biển nên từ tuổi thơ, cô đã nếm qua hầu hết các loại mắm được chế biến từ các loài hải sản. Bên cạnh mắm nhỉ, người làng cô còn sáng tạo ra nhiều loại mắm khác: Mắm nêm, mắm cái, mắm nục, mắm thu, mắm ruột, mắm ruốc…
Trong tất cả các loại mắm dân làng chài sản xuất ra, mẹ cô không những đều làm được mà còn làm ngon nức tiếng cả làng. Người làng khen mẹ có đôi tay muối mắm khéo nhất làng chài. Những loại mắm mẹ muối cô đều rất thích, đặc biệt hơn cả là mắm mực. Nguồn nguyên liệu chính để làm ra loại mắm mực được dân làng ở đây gọi là mực mành - loại mực có thân nhỏ, ngắn chỉ bằng ngón tay út, được khai thác bởi ngư dân hành nghề lưới mành. Khi mực còn tươi nguyên, người ta dùng để nấu canh ngọt, nhưng chỉ trong vòng 12 giờ, sau khi rời khỏi biển, mực sẽ bị dập túi nên chỉ có thể dùng làm nguyên liệu để muối mắm. Sản lượng loại mực này không nhiều nên ít khi xuất hiện ở các chợ, chỉ đủ cung cấp cho dân làng làm mắm.
Mắm mực có hương vị đặc trưng riêng không lẫn với bất cứ loại mắm nào khác. Mẹ cô, với kinh nghiệm nhiều năm, cùng sự khéo léo của đôi tay cũng như cái duyên với nghề muối mắm đã làm nên những thố mắm mực ngon tuyệt. Mắm mực mẹ muối chỉ trong 2 tuần là ăn được, nhưng để càng lâu càng đậm đà hơn. Những con mực muối lâu ngày thành mắm nhũn đi chứ không tan vào trong nước. Nước mắm mực có màu đen sánh quánh đặc lại như một thứ hồ lỏng. Mỗi lần đem ra sử dụng, cô thường quết một hợp chất gồm: Tỏi, ớt, bột ngọt, đường, sau đó cho ít nước chanh cùng ít nước sôi để nguội và cho ra tô rồi bỏ mắm mực vào khuấy đều. Tô nước mắm mực sau khi hoàn tất tỏa ra thứ hương vị nồng thơm đặc trưng của biển cả, kích thích mọi ngõ ngách vị giác của con người, thúc giục mọi thành viên trong gia đình quây quần lại với nhau thưởng thức một bữa cơm đầm ấm. Mắm mực đặc biệt ngon khi ăn cùng cơm nóng hoặc chấm rau muống luộc, đọt rau lang luộc. Cũng chính vì thế mà mắm mực luôn là bạn đồng hành thân thiết với người làng chài khi mùa mưa đến.
Mùa mưa, tiết trời se lạnh tạo cho hương vị mắm mực quyện lại lan tỏa. Nó như một chất kết dính vô hình mở ra cho con người cơ hội cần được gần nhau để sưởi ấm cho nhau. Với riêng cô, chính mắm mực mẹ làm là chất xúc tác, là một mối mai se duyên lành để cô có được một mái ấm hạnh phúc như bây giờ. Dẫu phải rời xa làng chài theo chồng về thành phố nhưng năm nào cũng vậy, không đợi đến dịp lễ, Tết mà cứ đến mùa mưa là cả nhà lại về thăm làng chài. Vào mùa mưa, làng chài như được gom lại, người dân trong làng có nhiều thời gian rỗi để gặp gỡ tụ họp, san sẻ với nhau nhiều hơn. Tình làng nghĩa xóm vì vậy mà cũng lên men ấm nồng như để góp thêm phần gia vị cho mắm mực mặn mòi hơn trong mùa mưa gió.
Nhật Cầm