Nếu có dịp đến Ninh Hòa, bạn có thể đến thăm cơ sở làm bánh tráng Lê Tấn Huy ở thôn Phước Thuận, xã Ninh Đông. Đất Phước Thuận không phải là vùng truyền thống làm bánh tráng, nhưng điều đáng nói là dây chuyền làm bánh góp phần làm nên thương hiệu của cơ sở này.
Nếu có dịp đến Ninh Hòa, bạn có thể đến thăm cơ sở làm bánh tráng Lê Tấn Huy ở thôn Phước Thuận, xã Ninh Đông. Đất Phước Thuận không phải là vùng truyền thống làm bánh tráng, nhưng điều đáng nói là dây chuyền làm bánh góp phần làm nên thương hiệu của cơ sở này.
Nếu đã quen hình ảnh một người phụ nữ lớn tuổi ngồi tráng bánh bên chiếc nồi nghi ngút khói, bạn sẽ rất thú vị khi tiếp xúc với dây chuyền này. Bột gạo pha sẵn chảy đều vào băng chuyền chạy trong làn hơi nước sôi được đốt nóng bằng củi, trấu. Bên dưới là các phên tre đưa theo một băng chuyền khác. Khi bột chín, bánh gặp phên, người thu bánh chỉ việc rạch đứt bánh nối giữa hai phên rồi xếp ra ngoài. Cứ như vậy, dòng bánh trôi ra… Chị Trang, chủ cơ sở cho biết: “Tráng bánh thủ công thì cùng lắm được 10kg gạo/ngày, nhưng với dây chuyền này, mỗi ngày cơ sở có thể tráng được 300kg, những ngày nắng đẹp có thể lên tới 500kg. Bánh tráng ở đây có 2 loại: dùng để nhúng làm bánh tráng cuốn và bánh mè để nướng. Vì sản xuất trên dây chuyền nên bánh có độ dày đều đặn và có hình vuông chứ không tròn như bánh truyền thống. Sản phẩm đã được tiêu thụ ở nhiều nơi trong tỉnh”.
Sau khi đi thăm dây chuyền, các giàn phơi và trò chuyện với những người nông dân làm bánh, bạn sẽ được chủ nhà mời thưởng thức món bánh tráng chấm chao được pha thêm bột ngọt, đường, ớt, xì dầu cùng lá ngò xanh. Hương vị cay ngọt, thơm thơm của nước tương làm cho miếng bánh dai mềm từ gạo quê trở nên bùi béo vô cùng. Vừa thưởng thức miếng bánh tráng cùng những người dân quê mến khách, vừa lắng nghe tiếng bánh khô bong ra khỏi vỉ lách tách như tiếng mưa rơi cũng đủ để cho bạn lưu luyến chốn làng quê yên ả với gió đồng mát rượi này…
Xuân Quỳ