10:10, 27/10/2015

Cơm cháy... một thời

Bên mâm cơm, có lạ lùng không khi 2 thế hệ trong một gia đình ai cũng muốn xới cho mình miếng cơm cháy ở đáy nồi, thứ chẳng thể nào tìm thấy vì cơm luôn được nấu trong nồi điện chống dính như mọi bữa. ...

Thành phố một buổi trưa cúp điện.


Bên mâm cơm, có lạ lùng không khi 2 thế hệ trong một gia đình ai cũng muốn xới cho mình miếng cơm cháy ở đáy nồi, thứ chẳng thể nào tìm thấy vì cơm luôn được nấu trong nồi điện chống dính như mọi bữa. Thế hệ thứ nhất đầu đã bạc, bảo rằng nhìn miếng cơm cháy mà bỗng nhớ lây sang hũ muối mè, đã lâu chẳng thấy trong bữa cơm nhà. Miếng cơm giòn giòn trong miệng chừng như đưa hồn người trở về một thời xa ngái, thuở còn bám với ruộng đồng ở chốn quê nghèo hơn bốn chục năm trước. Miếng cơm một thời khốn khó váng vất trong đó có mùi khói nơi xó bếp làm bằng vách đất với toàn rạ rơm, mùn cưa, bã trấu...


Thế hệ thứ hai trên đầu mới chớm hai thứ tóc nhưng cũng đủ nhớ cho những hoài niệm xưa tìm về. Miếng cơm cháy chẳng giòn, chẳng đậm đà bằng cơm cháy sấy khô đi kèm với chà bông được đóng gói bán ở chợ, siêu thị; cũng chẳng sang chảnh như ở trong các nhà hàng ăn kèm với hải sâm, với chả cá thát lát... mà vẫn thấy ngon. Có lẽ là ngon trong dư vị của những xa xưa mà đã lâu lắm mới có được hơn là cảm giác thèm trong thời buổi sung túc chẳng thiếu thứ gì. Ấy là ký ức của một thời củi lửa; của một thời ngày xưa mình cũng chỉ là đứa trẻ con tranh nhau miếng cơm ở đáy nồi. Ấy còn là nắm cơm nóng cỏn con được mẹ nắm cho thời thơ bé chấm với muối mè, bình dị mà ngon vô cùng, mà nhớ mãi về buổi ấu thời, dẫu cơm gạo ngày ấy chẳng dẻo, chẳng thơm như bây giờ.


2 thế hệ, 2 dòng hồi ức vẩn vơ... Chỉ có thế hệ thứ 3 như vẫn vô tư với bát cơm dẻo thơm. Bởi trong ký ức của chúng nào đâu có những thứ ấy, bây giờ và có lẽ lớn lên cũng vậy. Nửa thấy vui vì những đứa trẻ ở phố bây giờ không còn như mình ngày xưa, phải trải qua một thời khốn khó; nửa bỗng dưng buồn cho chúng khi chẳng đọng lại nhiều dư vị trong một tuổi thơ đủ đầy!


Nhưng dẫu sao thì cũng cảm ơn một buổi trưa cúp điện, để cha mẹ ta, để bản thân ta được sống lại ngày xưa cơm cháy, để lại như thấy cái mùi khói quê của rơm rạ, của mùn trấu, hay có khi là của đống lá khô được vun trong vườn như vẫn còn bảng lảng đâu đây.


B.T