09:11, 05/11/2014

Bánh tráng vùng quê

Làng bánh bún Phú Lộc (Diên Khánh) từ lâu đã nổi tiếng khắp tỉnh bởi nơi đây còn giữ được nghề truyền thống làm bánh tráng lâu đời.

Làng bánh bún Phú Lộc (Diên Khánh, Khánh Hòa) từ lâu đã nổi tiếng khắp tỉnh bởi nơi đây còn giữ được nghề truyền thống làm bánh tráng lâu đời.


Miếng bánh tráng nho nhỏ rất dễ kết hợp với nhiều loại thực phẩm khác nhau làm thành những món ăn ngon. Để có được mẻ bánh tráng ngon đòi hỏi rất nhiều công phu. Đầu tiên phải chọn loại gạo phù hợp để bánh khi nhúng nước phải dẻo, khi nướng lên phải giòn, rồi cách pha bột sao cho không đặc không loãng, tráng bánh phải đều tay để không có chỗ dày chỗ mỏng... Vì thế mà người làm bánh phải dậy từ tờ mờ sáng làm tất cả các công đoạn, để khi nắng lên là bánh có thể ra lò đem phơi.

 


Hồi còn đi học, nhà tôi nghèo lắm, quà quê mỗi lần mẹ gửi vào thành phố cho con gái là chục ràng bánh tráng. Bánh ngọt nhẹ, nhúng qua chút nước rồi chấm nước tương hay nước mắm nguyên chất với ớt dằm cũng đủ no lòng trước khi đến giảng đường. Ở ký túc xá hồi ấy có nhiều bạn quê Tuy Hòa, Bình Định cũng mang theo cả bao bánh tráng vào chất đầy phòng để ăn dần. Tuy nhiên, bánh tráng Tuy Hòa, Bình Định trông dày, to và khô hơn bánh tráng Phú Lộc. Mỗi vùng miền, mỗi cách thưởng thức bánh tráng khác nhau nhưng tựu trung vẫn là món ăn nhẹ nhàng, dân dã.


Nét ẩm thực độc đáo của bánh tráng chính là món cuốn, tuy đơn giản nhưng đa dạng. Chỉ cần xà lách, dưa leo, rau thơm, tía tô, khế, chuối chát kết hợp với cá, thịt, nem, bún... là đã có những món cuốn dân dã và hấp dẫn.


Làng bánh bún Phú Lộc giờ còn phục vụ du lịch, những tour du lịch đồng quê cũng ghé qua xem các công đoạn làm bánh, một vài vị khách Tây thích thú khi mang vỉ bánh đi phơi hay gỡ từng cái bánh tráng khô ra khỏi vỉ. Công nghệ đã dần len lỏi vào từng khâu làm bánh. Dẫu vậy, đâu đó trên đường làng vẫn đọng lại hình ảnh những bà, những mẹ đội vỉ bánh trên đầu mang đi phơi mỗi sớm mai như một nét đẹp bình dị ở vùng quê nghèo.


Bảo Ngọc