Ở Ninh Hòa quê tôi, món ăn sáng cũng đa dạng như các nơi khác. Cũng là phở, là mì, bún bò, cháo lòng, bún cá, cơm gà, cơm vịt... Nhưng đặc biệt có một món ăn dân dã được người Ninh Hòa coi là đặc sản mà khi có khách ở xa về bao giờ họ cũng mời thưởng thức, đó là bánh ướt mắm nêm. ....
Ở Ninh Hòa quê tôi, món ăn sáng cũng đa dạng như các nơi khác. Cũng là phở, là mì, bún bò, cháo lòng, bún cá, cơm gà, cơm vịt... Nhưng đặc biệt có một món ăn dân dã được người Ninh Hòa coi là đặc sản mà khi có khách ở xa về bao giờ họ cũng mời thưởng thức, đó là bánh ướt mắm nêm. Phải là bánh ướt mắm nêm ở quán Cây số 1.
Gọi như vậy là vì quán tọa lạc ngay cây số 1 tính từ bùng binh thị trấn Ninh Hòa đi Buôn Ma Thuột. Quán nhỏ đơn sơ với năm bảy bộ bàn ghế mà sáng nào cũng đông khách. Quán hoạt động từ lâu lắm rồi. Từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, lũ con gái chúng tôi đã biết “bắt địa” bọn con trai cùng lớp dẫn đi ăn bánh ướt. Dễ thường đã hơn bốn mươi năm!
Bánh ướt thì chẳng có gì lạ, nhiều nơi cũng có món ăn này, nhưng bánh ướt Cây số 1 mang một nét rất riêng. Bột làm bánh phải xay từ gạo ba số, vo kỹ, ngâm một đêm bánh mới dai và không dính đĩa. Lò bánh được đặt ngay ở một góc quán. Bánh được tráng tại chỗ. Bàn tay nhà nghề của người thợ tráng bánh thoăn thoắt, khéo léo. Ðổ chút xíu bột trên khuôn vải được căng trên một nồi nước sôi sùng sục, dùng chiếc gáo dừa nhanh tay tráng bột mỏng và láng mặt như tờ giấy bóng, đậy chiếc nắp đan bằng nan tre xinh xắn, chút xíu thôi là mở nắp, vớt bánh ra ngay. Vớt bánh cũng phải có nghề. Dùng chiếc dao tre thật mỏng khéo léo vớt bánh trải lên đĩa. Bánh nóng bốc khói được thoa lên một lớp mỡ hẹ béo ngậy, rắc thêm một chút tôm chà bông màu vàng sẫm trông thật hấp dẫn. Ðộc đáo và ăn khách ở đây chính là món tôm chà bông 100%. Các gánh bánh ướt bán dạo hoặc một số nơi khác, tôm được thay bằng đậu xanh, cá giã tơi hoặc bằng thịt chà bông cho chút màu gạch cua để đánh lừa thị giác nên bánh ướt mất ngon rất nhiều. Ăn bánh ướt phải chấm mắm nêm mới đúng điệu. Mắm nêm hầu như ai cũng biết làm nhưng hơn nhau là ở cách pha chế để có một hương vị độc đáo. Ðây là bí quyết nhà nghề nên khó có ai pha chế giống được.
Quán lúc nào cũng đông khách. Bước vào quán, tìm một chỗ ngồi, chờ không lâu, người phục vụ sẽ nhanh chóng đặt trước mặt bạn một chén nước chấm. Tự bạn sẽ thêm các “chất phụ gia” cho hợp khẩu vị. Bỏ một muỗng ớt cay xé vào. Ớt phải là ớt khô ngâm giã nhuyễn để có mùi chua đặc trưng. Vắt một miếng chanh. Gắp thêm một đũa xoài xanh xắt sợi, thêm một muỗng mỡ hẹ trộn vào. Thế là bạn đã có một chén nước chấm đủ vị và thơm mùi đặc trưng của mắm nêm. Và những đĩa bánh nóng hổi màu sắc bắt mắt ở những bàn bên làm tăng thêm sức hấp dẫn của món ăn...
Đĩa bánh được dọn ra. Bạn dùng đũa cuốn bánh lại, xắn làm ba, bốn miếng. Gắp một miếng chấm vào chén nước chấm đưa vào miệng, cắn thêm trái ớt xanh, vừa ăn vừa hít hà, cùng lúc thưởng thức đủ vị thơm ngon của món ăn dân dã quê tôi. Một người ăn trung bình từ 5 đến 8 đĩa. Có người lạ miệng ăn đến mươi mười lăm đĩa. Đĩa chồng lên đĩa xếp thành một chồng cao trước mặt trông rất vui mắt. Cứ đếm đĩa nhân với giá 1.500 đồng mà tính tiền. Thật ngon và rẻ!
Trời lạnh, ăn xong, uống một tách trà thơm mùi gừng, bụng đã đủ đầy hương vị quê hương đến cả đời không quên được. Ði đâu rồi cũng nhớ về bánh ướt mắm nêm Cây số 1. Những người Ninh Hòa đang sống tận trời Tây, khi về thăm quê ít nhất cũng một lần thưởng thức món bánh ướt mắm nêm, món ăn thấm đẫm tình quê để suốt đời vẫn nhớ.
Hoa Phạm