09:09, 23/09/2014

Nhớ gánh đậu hũ...

"Ai đậu hũ không, đậu hũ... đa...â...y", tiếng rao giữa trưa khiến tôi tỉnh giấc. Đúng là lâu lắm rồi mới nghe được tiếng rao này giữa ồn ào phố thị. Tiếng rao nhắc nhớ lại gánh hàng rong quen thuộc, món ăn quen thuộc của thời thơ ấu: đậu hũ.

“Ai đậu hũ không, đậu hũ... đa...â...y”, tiếng rao giữa trưa khiến tôi tỉnh giấc. Đúng là lâu lắm rồi mới nghe được tiếng rao này giữa ồn ào phố thị. Tiếng rao nhắc nhớ lại gánh hàng rong quen thuộc, món ăn quen thuộc của thời thơ ấu: đậu hũ.


Hồi đó, lũ con nít chúng tôi chẳng có nhiều món ngon như bây giờ để chọn lựa nên chỉ thích gánh hàng đậu hũ của bà Tư kẽo kịt quảy qua xóm hàng ngày. Trưa nào cũng vậy, nghe tiếng rao đầu xóm của bà, mấy đứa con nít đã gọi: “Bà Tư cho con chén đậu”. Bà Tư kĩu kịt gánh nồi đậu hũ một bên, bên kia là chén, bát, muỗng, thẩu nước đường, can nước rửa bát và vài thứ lặt vặt khác, thoăn thoắt bước rồi nhẹ nhàng đặt quang gánh xuống. Lũ con nít vây quanh, chồm hổm ngồi xem bà Tư múc đậu. Bà Tư cầm cái vá mỏng, lướt qua lướt lại hớt những lát đậu mỏng cho vào chén, rưới nước đường lên trên. Chén đậu nóng hổi, men đường thắng vàng sánh trên mặt đậu trắng óng thơm mùi lá dứa quyện với mùi gừng, ăn tới đâu thấm tới đó, vị ngọt tan trên đầu lưỡi. Đậu hũ phải ăn nóng mới ngon. Bao giờ tôi cũng múc từng miếng nhỏ, hớt từng lớp đậu, ăn nhín nhín giống như là... sợ hết. Mà thật ra đó cũng là một cách thưởng thức đậu hũ, chứ không phải cứ đánh tan ra, húp soạt một cái là xong! Tôi nhớ mình hay hay thắc mắc với bà Tư sao gánh đi cả ngày mà nồi đậu vẫn sánh mịn, bà Tư giải thích đi thoăn thoắt vậy đó nhưng phải nhịp nhàng, kể cả cách đặt quang gánh xuống cũng phải có “nghệ thuật” để đậu trong nồi không bị sóng sánh ra ngoài và vỡ vụn. Nồi đậu lúc nào cũng hôi hổi nóng vì đã được bọc trong những lớp vải, lớp trấu quây lại. Bà Tư bảo, đậu ngon hay không một phần là do cách nấu, phần nữa phải giữ cho đậu nóng nên phải ủ thật kỹ như vậy. Kể cũng lạ, món nóng nhưng ăn lúc nào cũng thấy ngon, kể cả giữa trưa hè oi bức hay những ngày đông giá lạnh, nói như ba tôi hay nói, húp một muỗng đậu nóng thấy tỉnh người ngay! Còn mẹ thì ngắn gọn, ăn đậu hũ rất tốt cho sức khỏe. Hồi đó còn nhỏ nên tôi chưa để ý lắm, chỉ biết là mình “kết” món này tới mức trưa nào cũng xin mẹ mấy đồng để ăn đậu hũ của bà Tư...

 


Lũ con nít trong xóm lớn lên, bà Tư già đi, gánh đậu trên vai cũng oằn nặng thêm, tiếng rao khàn đục dần nhưng vẫn không lẫn vào đâu được. Có lần, tò mò tôi hỏi bà Tư cách làm đậu. Bà Tư nói, muốn có nồi đậu ngon phải lựa đậu thiệt ngon. Ngâm đậu nành vào nước, khoảng 8 - 10 tiếng cho hạt đậu mềm, bóc lớp vỏ lụa bên ngoài đi rồi tỉ mỉ đãi cho sạch vỏ. Sau đó cho vào cối đá giã nhuyễn, lọc bỏ phần xác đậu rồi cho nước đậu vào nồi, bắc lên bếp khuấy nhanh tay để đậu không bị khê, cho thêm vài cọng lá dứa thơm thơm. Khi nấu, phải thường xuyên vớt bỏ lớp bọt nổi lên trên. Khi nồi nước đậu sôi bùng thì phải bắc nồi xuống khỏi bếp ngay, đổ nước đậu vào hũ sành, đậy kín lại để giữ nóng. Còn muốn có nước đường ngon thì phải biết cách thắng, thắng làm sao cho đường có độ keo, ngọt vừa phải và không bị khét, thêm vào vài lát gừng cho thơm. Bà Tư nói có bao nhiêu bí quyết đó thôi, nghe thì đơn giản chứ chưa chắc ai cũng làm được...


Rồi cuộc sống cứ thế trôi qua. Gánh đậu hũ của bà Tư xa dần, những gánh đậu của nhiều người như bà Tư cũng xa dần... Vậy nên bất chợt nghe tiếng rao “ai đậu hũ không, đậu hũ... đa...â...y”, tự dưng bồi hồi nhớ về gánh đậu hũ ngày xưa. Tôi gọi cô bán hàng, ăn một lúc 2 chén mà vẫn thấy chưa đã. Vừa ăn vừa chợt nhớ nhỏ bạn ở xóm cũ giờ định cư ở nước ngoài hôm rồi post hình lên facebook khoe các công đoạn làm đậu hũ. Hỏi sao biết làm hay vậy, nó cười lớn, “nhờ giáo sư Gu-gồ mày ơi”! Rồi nó kể, xa nhà lâu, tự dưng ước được ăn một chén đậu hũ như chén đậu của bà Tư. Lên Google search (tìm kiếm) mãi, cuối cùng cũng chắt lọc được các bí quyết. Rồi sao, có ngon không? Nhỏ bạn cười cười, sao bằng đậu hũ bà Tư được!


“Ai đậu hũ không, đậu hũ... đa...â...y”. Tiếng rao vọng về, chất chứa hình ảnh đôi quang gánh kẽo kịt của bà Tư qua từng con đường nhỏ, đong đầy những ký ức tuổi thơ...


BẢO BẢO