Những ai từng một lần ghé thăm phố bánh ướt Phú Khánh Trung (xã Diên Thạnh, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) ắt hẳn sẽ khó quên bởi những dư vị rất riêng. Vẫn chỉ là nguyên liệu bột gạo nhưng với sự kết hợp tài tình của người làm bánh, món ăn này trở nên độc đáo và hấp dẫn…
Những ai từng một lần ghé thăm phố bánh ướt Phú Khánh Trung (xã Diên Thạnh, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) ắt hẳn sẽ khó quên bởi những dư vị rất riêng. Vẫn chỉ là nguyên liệu bột gạo nhưng với sự kết hợp tài tình của người làm bánh, món ăn này trở nên độc đáo và hấp dẫn…
Không biết từ bao giờ, bánh ướt Phú Khánh Trung, hay còn gọi là bánh ướt Thành đã trở nên nổi tiếng với không ít thực khách phương xa. Những ai từng một lần thưởng thức món bánh này chắc chắn sẽ còn muốn ghé lại khi ngang qua xứ Trầm Hương. Cũng được làm ra từ bột gạo như các vùng miền khác, song bánh ướt Phú Khánh Trung gây sự chú ý cho các thực khách bởi không ở đâu có nguyên một phố bánh ướt dài gần cả cây số như ở nơi đây. Quán nào cũng có lò than nồng đượm, cạnh đó là thau bột gạo xay nhuyễn, mảnh vải căng phẳng trên mặt nồi nước sôi tỏa khói, chiếc gáo tròn sâu, thanh vớt bánh dẻo dai vót bằng cật tre già... Để có thể phục vụ kịp cho thực khách, người làm bánh thoăn thoắt múa tay trên ba bốn lò nối liền dãy, múc từng gáo bột tráng lên mặt vải, dùng lưng gáo xoa tròn, đậy vung này, nhấc liền vung khác; rồi cầm thanh tre gạt nhẹ tấm bánh mỏng, mềm như lụa vừa chín tới trải xuống chồng đĩa chờ sẵn, sau đó lại múc bột chan đều. Bánh tráng tới đâu được dọn tới đó, nóng hổi và thơm mùi bột gạo…
Theo những người dân địa phương, thời gian đầu, đoạn đường này chỉ hình thành một vài quán bánh ướt nhỏ, sau này những quán bánh ướt mọc lên ngày càng nhiều. Thực khách của phố bánh ướt chủ yếu là khách đi trên các chuyến xe Nam - Bắc, khách du lịch trong và ngoài nước. Chính vì vậy mà phố bánh ướt luôn tấp nập người ra vào từ sáng sớm cho đến tận khuya. Tráng bánh không khó nhưng để có đĩa bánh ướt ngon thì sự chọn lựa gia giảm phải thật tinh tế. Gạo để xay bột không quá dẻo hay quá khô, lượng nước pha vừa để bánh không nhão do bột loãng, không cứng do bột đặc, tráng mỏng chừng nào bánh cũng không rách vỡ. Đồ chấm phổ biến dành cho bánh ướt là nước mắm đã được pha chế hoặc mắm nêm, và pha làm sao cho hài hòa mặn ngọt đậm đà là cả một nghệ thuật mà các chủ hàng nổi tiếng luôn giữ kín như một bí quyết riêng. Có người dày công nấu tôm, luộc thịt hoặc hầm xương riu riu trong nhiều giờ liền để chắt lấy chất nước trong vắt, ngọt thanh pha vào chén nước mắm ngon. Có người lại chọn loại mắm nêm chín ngấu ủ vừa muối với loại cá cơm thang, pha mắm cho thật dịu bằng nước cốt thơm tươi, tỏi, đường, chanh, ớt giã nhuyễn. Tất cả những điều ấy đã tạo nên những quán bánh ướt Cầu Lùng, Quê Hương, Liễu... nổi tiếng.
Cách bày trí bánh ướt Phú Khánh Trung cũng khác hẳn với bánh ướt ở những địa phương khác. Bánh không xếp tất cả vào đĩa mà mỗi chiếc bánh lấy ra khỏi khuôn vải được chia thành 4 đĩa nhỏ. Sau đó, người phụ bán sẽ rắc thêm một chút bột tôm đỏ au, hành phi xanh rì và đậu xanh đánh vàng mướt lên đĩa bánh, tạo nên những sắc màu bắt mắt. Mùi thơm của bột gạo, vị ngầy ngậy của hành phi, sự mặn mòi của bột tôm… đã tạo nên hương vị riêng của bánh ướt Phú Khánh Trung. Đặc biệt hơn, ăn bánh ướt còn kèm thêm một ít chả lụa, giá trụng nóng hổi hoặc xoài xanh nạo sợi. Khi miếng bánh được đưa lên miệng cũng là lúc hương vị của bánh ướt bắt đầu lan tỏa: vị thơm của bột tôm, vị bùi của đậu xanh cộng với miếng bánh mềm mướt khiến thực khách mê mẩn. Cái ngọt của chả, giòn của giá, chua chua của xoài, béo thơm của hành phi, cay nồng của tỏi, ớt, sự thanh thanh của nước chấm đan xen nơi đầu lưỡi; tất cả hòa quyện vào nhau khiến cho thực khách chỉ muốn thưởng thức đến no lòng…
Tuy chỉ là thứ bánh quê dân dã, nhưng với những bí quyết riêng của mình, những người thợ làm bánh ở Diên Khánh đã “thổi” vào món bánh quê hương ẩm vị độc đáo. Với những ai xem món bánh ướt là món khoái khẩu, ắt hẳn sẽ ghé đến Phú Khánh Trung nhiều lần để thưởng thức món ăn đơn giản nhưng hấp dẫn này...
Nhật Minh