Tác dụng của sáp ong đến từ kho dinh dưỡng cực kỳ phong phú của nó.
Không chỉ mật ong tốt cho sức khỏe mà sáp ong cũng là một dược liệu "quý", được ứng dụng trong nhiều cách chăm sóc sức khỏe, từ bệnh tật tới làm đẹp. Nhiều người còn ngâm rượu sáp ong để chữa bệnh xương khớp. Tuy nhiên, mặc dù tác dụng của sáp ong đối với sức khỏe là rất tốt nhưng sử dụng sáp ong sai cách có thể dẫn tới một vài rủi ro sức khỏe.
1. Sáp ong có tác dụng gì?
Trước khi tìm hiểu chi tiết về sáp ong có tốt không thì bạn cần nắm được sáp ong là gì. Sáp ong được hiểu là phần thu được sau khi chúng ta bỏ đi lớp màng bên ngoài, đây cũng chính là nơi sống của ong (tổ ong) được cấu thành từ nhiều thành phần mà ong thợ mang về tổ. Về màu sắc, sáp ong nguyên bản không có màu, thường là trong suốt; tới khi kết hợp với phấn hoa và keo ong hay chịu tác động của môi trường làm tổ, vị trí của sáp thì sáp ong mới có màu vàng óng hoặc vàng ngả nâu.
Tên gọi của sáp ong phụ thuộc vào các giai đoạn khác nhau: Khi chưa qua khâu sắc và luyện thì gọi là Mật lạp, sáp khi có màu vàng gọi là Hoàng lạp, sáp ong khi đã trải qua khâu sắc và luyện thành màu trắng thì gọi là Bạch lạp.
Sáp ong có tác dụng gì? Ảnh: ST |
Xét về giá trị dinh dưỡng, sáp ong cho giá trị dinh dưỡng hầu như không kém gì khi so với tác dụng của mật ong. Sáp ong có chứa nhiều nhất là các axit béo và este cùng 20 - 30 loại hợp chất flavonoid (nhất là pinocembrin, galangin và chrysin) cùng rất nhiều các axit amin, vitamin nhóm A, B, E, D và khoáng chất tốt cho sức khỏe như canxi, magie, đồng, sắt,... Theo Livestrong, tác dụng của sáp ong đối với sức khỏe có thể kể đến như:
- Dưỡng ẩm và bảo vệ da: Sáp ong có lợi cho da nhờ khả năng dưỡng ẩm tự nhiên nên bạn có thể dễ dàng tìm thấy thành phần sáp ong trong nhiều sản phẩm chăm sóc da và mỹ phẩm. Nhờ giàu vitamin A nên người có da khô sử dụng sáp ong có thể giúp da mềm mại hơn, khóa ẩm tốt. Bạn có thể kết hợp với một vài giọt dầu hạnh nhân, dầu jojoba hoặc vitamin E để tăng thêm tác dụng dưỡng ẩm.
Một nghiên cứu vào tháng 8 năm 2018 trên Tạp chí Journal of Drugs in Dermatology đã chỉ ra rằng, sản phẩm chăm sóc da tự nhiên, bao gồm cả sáp ong, vượt trội hơn nhiều so với các sản phẩm có thành phần tổng hợp trong việc chăm sóc da nhạy cảm.
- Phục hồi, làm dịu vùng da bị tổn thương bằng sáp ong: Sáp ong cũng được sử dụng để chữa các vết bỏng nhẹ hoặc các tổn thương da do bệnh chàm, vẩy nến, viêm da, hăm tã hay mụn nhọt bằng cách tạo ra một lớp màng bảo vệ chống lại các tác nhân xâm nhập, có thể gây kích ứng da đồng thời bổ sung các dưỡng chất có lợi trong phục hồi da.
Sáp ong cũng được sử dụng để chữa các vết bỏng nhẹ hoặc các tổn thương da do bệnh chàm, vẩy nến... (Ảnh: ST) |
- Có thể bảo vệ cơ thể chống lại một số nhiễm trùng: Theo Healthline, các nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy chiết xuất sáp ong có thể bảo vệ cơ thể chống lại một số vi khuẩn và nấm gây bệnh như khuẩn tụ cầu vàng, nấm candida, vi khuẩn salmonella và e.coli. Tuy nhiên cần nhiều nghiên cứu trên người hơn trước khi kết luận.
- Có thể có lợi cho người bệnh tiểu đường: Một nghiên cứu nhỏ trên bệnh nhân mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu cho thấy, chiết xuất sáp ong có thể giúp giảm mức insulin tới 37% - tương đương với tình trạng kháng insulin giảm, có thể có lợi cho người mắc bệnh tiểu đường nhờ tác dụng của hợp chất este trong sáp ong.
- Ngâm rượu sáp ong có giúp cải thiện chức năng gan không? Có nhiều quan niệm cho rằng uống rượu ngâm sáp ong có thể giúp cải thiện và tăng cường chức năng gan. Sự thật là gì? Theo Healthline, một nghiên cứu kéo dài 24 tuần trên người mắc bệnh gan được uống rượu ngâm sáp ong hàng ngày. Cho kết quả 48% người tham gia báo cáo các triệu chứng như đau bụng, đầy hơi và buồn nôn đã giảm và 28% người tham gia có chức năng gan trở lại bình thường.
Tuy nhiên đây chỉ là một lợi ích tiềm năng bởi chúng ta cần thêm nhiều nghiên cứu hơn trên người do chưa rõ công thức ngâm như thế nào, tác dụng phụ hay rủi ro có thể gặp ra sao. Hơn nữa, đã có những trường hợp bị sốc phản vệ sau khi uống rượu ngâm sáp ong nên cần hết sức thận trọng.
- Các lợi ích tiềm năng khi ăn bánh tổ mật ong nguyên sáp đối với sức khỏe:
+ Ngăn ngừa bệnh mãn tính: Ăn bánh tổ mật ong nguyên sáp được cho là có lợi cho sức khỏe nhờ giàu carbohydrate và các chất chống oxy hóa cùng một lượng nhỏ vitamin và khoáng chất tốt trong việc phòng ngừa rủi ro mắc các bệnh như tiểu đường, chứng mất trí nhớ.
Ăn bánh tổ mật ong nguyên sáp được cho là có lợi cho sức khỏe nhờ giàu carbohydrate và các chất chống oxy hóa (Ảnh: ST) |
+ Cải thiện sức khỏe tim mạch: Các chất chống oxy hóa trong bánh tổ mật ong còn giúp giãn nở các động mạch dẫn đến tim, từ đó thúc đẩy lưu lượng máu lưu thông trơn tru hơn, hạ huyết áp và giảm nguy cơ hình thành cục máu đông gây đau tim và đột quỵ.
+ Giảm cholesterol và triglyceride trong máu: Ngoài ra, bánh tổ mật ong nguyên sáp còn cung cấp chuỗi axit béo chuỗi dài và este giúp giảm mức cholesterol trong máu cũng như giảm mức triglyceride - các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc biến cố tim mạch.
2. Rủi ro có thể gặp khi dùng sáp ong
Mặc dù lành tính nhưng sáp ong vẫn có thể gây ra một số tác dụng phụ như dị ứng: Gây sưng đỏ da, ngứa phát ban, nóng rát da. Nếu xảy ra các triệu chứng dị ứng sáp ong này, tốt nhất hãy dừng sử dụng. Trước khi dùng sáp ong, hãy thử trên một vùng da nhỏ ở cổ tay hoặc khuỷu tay và quan sát trong 24 - 48 giờ.
Ngoài ra, theo Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ, ăn quá nhiều sáp ong có thể nguy hiểm. Ví dụ, nuốt một lượng lớn bánh tổ mật ong mỗi ngày có thể gây tắc nghẽn ruột.
3. Một số bài thuốc từ sáp ong
Theo Đông Y, sáp ong còn được gọi là phong lạp, có vị ngọt, hơi ấm, không độc. Sử dụng sáp ong có tác dụng bổ dưỡng, tăng sức khỏe và kích thích tiêu hóa nên thường được ứng dụng trong điều trị bệnh trĩ ra máu, chữa bỏng, chữa mụn nhọt, chữa viêm họng, chữa bí tiểu và chữa băng huyết.
Lưu ý rằng, tùy từng thể trạng khác nhau mà tác dụng nhận được sau khi sử dụng các bài thuốc từ sáp ong có thể hiệu quả ở người này nhưng không hoặc kém hiệu quả ở người khác. Bài thuốc dùng sáp ong cũng không thể thay thế cho đơn thuốc được chỉ định bởi bác sĩ. Do vậy, không nên tự ý sử dụng các bài thuốc từ sáp ong mà chưa tham vấn ý kiến của thầy thuốc.
Một số bài thuốc từ sáp ong mà bạn có thể tham khảo như:
- Giảm chảy máu do trĩ: Theo WebMD, các nghiên cứu ban đầu cho thấy việc bôi hỗn hợp sáp ong, mật ong và dầu ô liu vào vùng bị ảnh hưởng trong 12 giờ có thể giúp giảm đau, chảy máu và ngứa do bệnh trĩ.
- Giảm đau ngứa do nứt kẽ hậu môn: Bôi hỗn hợp sáp ong, mật ong và dầu ô liu vào vùng hậu môn bị ảnh hưởng trong 12 giờ có thể giúp giảm đau, chảy máu và ngứa do nứt hậu môn.
- Hắc lào: Bôi hỗn hợp gồm sáp ong, mật ong và dầu ô liu lên vùng da bị hắc lào 3 lần mỗi ngày trong vòng 4 tuần có thể cải thiện tình trạng bệnh.
- Sáp ong chữa đau dạ dày, viêm đại tràng: Đem 15 gam sáp ong, 15 gam sơn dược cùng 20 gam bạch truật nấu với 100ml nước để uống thay nước lọc mỗi ngày có thể hỗ trợ giảm nhẹ triệu chứng bệnh.
- Chữa bệnh viêm mũi dị ứng: Lấy khoảng 500 gam sáp ong ngâm cùng 2 lít rượu nếp trong khoảng 3 tháng, uống mỗi ngày khoảng 10ml đến 20ml, uống 1 chén nhỏ, ngày 2 lần có thể giảm triệu chứng viêm mũi dị ứng.
Nhìn chung, sáp ong có thể đem lại nhiều công dụng cho sức khỏe, nhưng cần sử dụng sáp ong đúng cách và có chừng mực, bao gồm cả bánh tổ mật ong tươi nguyên sáp. Nếu đang dùng thuốc theo đơn, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng sáp ong để tránh các tác dụng phụ không mong muốn cho sức khỏe.
Theo Phụ nữ Việt Nam
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin