09:43, 09/08/2024

Tác dụng đáng ngạc nhiên của bài tập đi bộ dưới nước với vóc dáng, cân nặng và xương khớp

Ngoài bơi lội thì đi bộ dưới nước cũng là một hoạt động thể chất đem lại nhiều tác dụng đối với sức khỏe nên được ưu tiên trong mùa hè.

 

Nếu là người ưa thích đi bộ thì bạn có thể thử thay đổi môi trường tập luyện của mình từ trên cạn xuống đi bộ dưới nước.

1. Tác dụng của đi bộ dưới nước đối với sức khỏe

Nước đặc hơn không khí rất nhiều, vì thế mà đi bộ dưới nước đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn so với đi bộ trên cạn và lợi ích mà bạn có thể đạt được cũng đặc biệt có giá trị đối với sức khỏe.

- An toàn với hầu hết mọi người, tốt cho người mắc bệnh xương khớp

Đi bộ dưới nước là một bài tập tim mạch cường độ thấp, nghĩa là nó đặt ít áp lực lên tim và nhẹ nhàng hơn với xương khớp của người tập. Nói cách khách, nó khiến tim bạn đập nhanh hơn nhưng nhờ lực đẩy của nước mà các tác động lên đầu gối, hông, cột sống.

Đi bộ dưới nước hầu như an toàn với tất cả mọi người (Ảnh: Internet)
Đi bộ dưới nước hầu như an toàn với tất cả mọi người (Ảnh: Internet)

Cũng chính vì điều này mà người đang mang thai, người đang hồi phục sau chấn thương, người lớn tuổi hay người mới bắt đầu tập thể dục, người đang mắc các bệnh viêm khớp, loãng xương hay đau xơ cơ có thể ưu tiên lựa chọn đi bộ dưới nước để an toàn hơn đối với thể trạng sức khỏe của bản thân.

- Cải thiện sức khỏe tim mạch

Đi bộ dưới nước là một cách cải thiện nhịp tim, tăng cường lưu thông máu nhờ áp lực nước lên cơ thể giúp máu lưu thông tốt hơn từ các chi dưới trở lại tim. Đồng thời, dưới sự "vỗ về" của dòng nước, toàn bộ cơ thể sẽ được thư giãn và thả lỏng.

Đi bộ dưới nước là một phương pháp massage chân giúp cải thiện tuần hoàn máu cho chân, điều này có ích cho người mới hồi phục sau chấn thương và cần đẩy nhanh quá trình chữa lành.

Bên cạnh đó, đi bộ dưới nước cũng giúp giảm huyết áp và cải thiện sức khỏe tim mạch tổng thể.

Đi bộ dưới nước là một cách cải thiện nhịp tim (Ảnh: Internet)
Đi bộ dưới nước là một cách cải thiện nhịp tim (Ảnh: Internet)

- Cải thiện sức mạnh, khối lượng cơ chi dưới

Nước tạo ra lực cản tự nhiên khi cơ thể di chuyển, do vậy mà cơ chân cần hoạt động tích cực hơn để chống lại sức cản này, từ đó giúp cải thiện sức mạnh cơ bắp. Khi di chuyển với cường độ cao hơn, không chỉ sức mạnh mà sức bền cũng được hưởng lợi.

- Duy trì cân nặng và cải thiện vóc dáng, giúp giảm cân lành mạnh

Vận động thể chất là một cách đốt cháy calo lành mạnh giúp giảm cân và ổn định cân nặng hiệu quả. Đây cũng là một bài tập toàn thân do bạn cần phải vận động cả chân, tay, cơ lõi và thậm chí là cả cơ lưng. Sức cản của nước đòi hỏi cần nhiều nỗ lực hơn để di chuyển về phía trước, chính vì thế mà cơ thể sẽ đốt cháy nhiều calo hơn và cơ bắp săn chắc hơn.

Để tăng cường lượng calo đốt cháy bạn có thể "nâng cấp" bài tập của mình, thay vì đi bộ nhẹ nhàng như bình thường thì bạn có thể tập cardio hoặc chạy dưới nước.

Tập với tạ để tăng lượng calo đốt cháy khi đi bộ dưới nước (Ảnh: Internet)

- Không cần thiết bị tập luyện phức tạp

Với bài tập đi bộ dưới nước, bạn có thể không cần sử dụng các thiết bị tập luyện hoặc chỉ cần chuẩn bị một đôi găng tay có màng để tăng sức cản của nước và tạ xốp tập dưới nước nếu muốn tăng cường sức mạnh cơ bắp.

- Tốt cho người lớn tuổi

Ngoài những lợi ích của bài tập đi bộ dưới nước kể trên thì người lớn tuổi có thể được hưởng một số tác dụng bổ sung khi thực hiện bài tập này bao gồm giảm nguy cơ té ngã và chấn thương cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống - khi mà vận động thể chất được chứng minh là có thể giúp tăng cường sức khỏe tâm thần, cải thiện chất lượng giấc ngủ và hỗ trợ giảm huyết áp.

2. Cách đi bộ trong nước đúng cách

Để bắt đầu bài tập đi bộ trong nước, hãy thử đi bộ trong bể với mực nước cao ngang eo (sau đó mực nước có thể tăng dần lên tới ngang ngực, vai) đồng thời giữ thẳng lưng, ngẩng cao đầu, nhìn thẳng về phía trước. Khi di chuyển, hãy đặt ngón chân xuống trước rồi sau đó mới hạ gót chân xuống để tránh đau chân, chú ý giữ chân thẳng mà không cong đầu gối và bước đi với sải chân dài.

Để tăng cường độ tập của bài tập đi bộ dưới nước, bạn có thể thử di chuyển sang ngang hoặc vừa squat vừa di chuyển hay đi bộ nhưng nâng cao đầu gối. Với đôi tay, bạn nên vung tay trái và phải luân phiên về phía trước với tốc độ tăng dần để tăng hiệu quả. Một đôi tạ tay cũng có thể là một gợi ý không tồi.

Cách đi bộ trong nước đúng cách (Ảnh: Internet)
Cách đi bộ trong nước đúng cách (Ảnh: Internet)

Lưu ý, ngay cả khi tập ở bể bơi và cảm thấy bản thân không đổ mồ hôi thì bạn vẫn có nguy cơ bị mất nước. Vì vậy, hãy bổ sung nước trong quá trình tập khi cần thiết. Và quan trọng hơn cả là dừng lại khi có một cơn đau đột ngột xuất hiện.

Nhiệt độ của nước bể bơi không từ 27,8 độ C - 31 độ C có thể giúp làm dịu cơn đau nhức khớp nhưng nhiệt độ cao hơn mức này có thể gây nguy hiểm cho da và sức khỏe.

Nhìn chung, đi bộ dưới nước là một bài tập an toàn với sức khỏe, là một hình thức thay thế của bài tập tim mạch trên cạn như đi bộ, đi bộ nhanh, đi bộ leo dốc,... Nếu mới bắt đầu tập, nên chọn vùng nước nông không cao quá eo và lắng nghe cơ thể để nhận biết các dấu hiệu mệt mỏi hay khó chịu để dừng lại khi cần thiết. Đặc biệt là khi cảm thấy choáng váng, khó thở, yếu ớt, buồn nôn, đau tức ngực… có thể cảnh báo tình trạng sức khỏe nguy hiểm cần chăm sóc y tế khẩn cấp.

Theo Phụ nữ Việt Nam