Tôi có thói quen đến bất cứ nơi nào có biển luôn dành thời gian để dạo qua các làng chài, bến cá: Bình Châu, Bà Rịa, Côn Đảo, Phan Thiết, Cam Ranh, Nhật Lệ, Cửa Lò… Một lần đến Bali (Indonesia), tôi cũng phải kiếm cho ra một bến cá để tận mắt chứng kiến cá xứ người có gì khác cá xứ mình!
Biển buổi chiều ở cảng cá Vĩnh Lương. |
Đặc điểm của đa phần các làng chài hay bến cá là tất cả mọi hoạt động đều dồn hết vào buổi sáng, ghe thuyền tấp nập cá lưới vào bờ, trên bến dưới thuyền nhộn nhịp bán mua, xe tải ra vô nườm nượp… Qua trưa, mọi thứ gọn gàng đâu vào đấy để lại bến cá trống không, sạch sẽ. Vào buổi chiều, nhịp điệu sinh hoạt ở làng chài, bến cá trông thảnh thơi nhàn nhã, quán cà phê dăm ba câu chuyện biển giã, những hàng quán với các món ăn vặt, ăn no được chế biến từ hải sản như: bún cá, bánh canh, ốc luộc…, chuyện làng trên xóm dưới, vài người ngồi lặng lẽ vá lưới trong nhà, trước sân… Có người ra vô trở cá đang phơi... Trên lề, người ngồi đan kết đường biên những tấm lưới trải dài mấy chục mét… Họ đã từng một thời quanh năm bám biển, bây giờ lớn tuổi nên nghỉ đi biển nhưng vẫn còn việc làm để có thu nhập. Cạnh đó, đứa cháu nhỏ chạy nhảy tung tăng xem ông làm lưới… Dưới biển, ghe thuyền neo đậu thảnh thơi. Vài người trên chiếc thúng chèo ra làm những việc lặt vặt trên ghe neo đậu ngoài xa… Chiều êm đềm như chưa hề có quang cảnh sầm uất tất bật vào buổi sáng. Để rồi hôm sau lại tiếp tục…
Ở Nha Trang, trong vòng bán kính 20km có những làng chài, bến cá rất dễ đến tận nơi. Tại đây, khách có thể mua được hải sản tươi mới đánh bắt lên, hay ăn những món ăn đặc trưng của làng chài được chế biến từ hải sản tươi ngon. Loanh quanh thành phố có những bến cá lớn như: Hòn Rớ, Vĩnh Trường (Cửa Bé), Vĩnh Lương… Những bến cá nhỏ thì nhiều hơn như: Bến cá Hòn Xện, bờ kè phía nam cầu Hà Ra, hẻm Hiền Nhi (trên đường 2 tháng 4)…
Để thấy được cảnh cá về buổi sớm, thường tôi phải có mặt trễ nhất là lúc 5 giờ sáng, ghe thuyền về bến và đưa lên bờ phân phối cho những người buôn bán nhỏ lẻ sau khi bỏ những mối hàng ruột ở các chợ, nhà hàng. Tôi không biết chính xác giờ hoạt động ở các bến cá bắt đầu từ lúc nào, nhưng thường khi đến nơi, tôi vẫn còn thấy đèn sáng ở các gian hàng cá. Thú thật, là người sống ở miền biển từ khi lọt lòng và cá là thực phẩm ăn quanh năm, vậy nhưng mỗi khi đến bến cá, nhìn những thùng, thúng cá tươi, tôi lại liên tưởng đến món này, món kia.
Một lần rẽ vào hẻm Hiền Nhi trên đường 2 tháng 4, tuy là một chợ nhỏ không nhiều hàng cá nhưng tôi thấy có các loại hải sản đặc biệt. Trên tấm bạt trải dưới đất, bên cạnh những loại cá bình thường như: Cá cơm, cá nục, cá liệt… có hai con ốc thật to, có hình thù rất đẹp mà tôi vẫn thường thấy vỏ ốc bán trong các cửa hàng mỹ nghệ. Đi sâu vào trong hẻm, trước vài nhà có những nhóm người ngồi với nhau, chia rổ cá mai mới đánh bắt đem lên. Lần đầu tiên tôi thấy con cá mai lớn gấp đôi cá mai bình thường, một người nói với tôi là nấu canh chua hay kho tiêu rất ngon. Trên con đường dẫn ra bờ kè và đường Đoàn Kết hôm ấy, tôi gặp một nhóm khách du lịch người nước ngoài, họ vừa đi vừa chụp hình, quan sát những quán ăn, đời sống người dân… Tôi cảm giác họ đang có một chuyến du lịch khá thú vị khi chọn một làng chài nhỏ trong phố làm điểm tham quan.
Một hàng bánh xèo ở làng chài Cát Lợi. |
Một lần, tôi cùng một người bạn làm chuyến “du lịch” làng chài. Từ Nha Trang ra Lương Sơn, điểm đến đầu tiên của chúng tôi là thôn Cát Lợi. Vẫn là cảnh cá về trên bến tất bật hay cảnh sơ chế hải sản bận rộn. Mùi bánh xèo tôm mực thơm nức mũi níu chúng tôi ngồi xuống. Ở đây, họ đúc bánh xèo với su su giống như ở Cửa Bé.
Rời Cát Lợi, chúng tôi đến làng chài thôn Tân Thành rồi Ngọc Diêm… Trên Quốc lộ 1 về hướng Bắc này, bất cứ con đường rẽ nào cũng xuống biển, không cứ là làng chài, đôi khi bạn sẽ gặp nhiều điều thú vị có thể từ hồi nào đến giờ bạn chưa biết, như: các ngôi chùa, tịnh xá, cơ sở nuôi tôm giống…
ĐÀO THỊ THANH TUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin