09:43, 08/06/2024

5 dấu hiệu báo động khi cơ thể mất điện giải mà bạn có thể không biết

Trong mùa Hè nóng bức, nếu bạn nhận thấy cơ thể mệt mỏi, dễ cáu kỉnh, bị chuột rút, nhịp tim bất thường, hạ natri máu..., rất có thể bạn đang bị mất cân bằng chất điện giải và cần bù nước kịp thời.

Mùa Hè nóng bức rất dễ làm nhiều người mất nước. (Nguồn: iStock)
Mùa Hè nóng bức rất dễ làm nhiều người mất nước. (Nguồn: iStock)

Mùa Hè mang đến nhiệt độ nóng bức, có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của chúng ta. Những người phải làm việc ngoài trời hoặc di chuyển nhiều dưới trời nắng nóng rất dễ bị mất nước, rối loạn điện giải do đổ quá nhiều mồ hôi.

Rối loạn điện giải nhẹ có thể không có triệu chứng rõ rệt và dễ nhầm lẫn chỉ là sự mệt mỏi bình thường. Chúng thường chỉ được phát hiện khi xét nghiệm máu. Tuy nhiên, nếu bạn bỏ qua những dấu hiệu mà cơ thể cảnh báo thì rất có thể chúng sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn, thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng.

Tầm quan trọng của chất điện giải

Các chuyên gia về dinh dưỡng sức khỏe cho biết chất điện giải là các khoáng chất như natri, kali, clo, magie, canxi, phosphate, bicarbonate, có thể hòa tan trong các dịch cơ thể, tạo ra các ion tích điện. Một số ion sẽ tích điện âm và một số ion sẽ tích điện dương.

Chất điện giải rất quan trọng để duy trì sự khỏe mạnh cho cơ thể và tinh thần vì chúng cân bằng lượng chất lỏng, duy trì độ pH trong máu, giúp cơ bắp, dây thần kinh, tim và tế bào não hoạt động, giúp vận chuyển chất dinh dưỡng đến tế bào, và bài tiết chất độc ra khỏi tế bào.

Khi lượng chất điện giải trong cơ thể bị giảm xuống hoặc tăng lên, cơ thể sẽ xuất hiện các triệu chứng như khát nước, đau đầu hoặc tăng nhịp tim, thậm chí co giật.

5 dấu hiệu cần bổ sung chất điện giải

Theo các chuyên gia, khi cơ thể bạn cần bổ sung chất điện giải, nó sẽ gửi tín hiệu SOS với các dấu hiệu sau:

Cơ bắp yếu hoặc bị chuột rút

Chuyên gia dinh dưỡng Dan Gallagher (Mỹ) cho biết chất điện giải hỗ trợ chức năng cơ thích hợp, vì vậy nếu bạn đang bị yếu cơ và/hoặc bị chuột rút thì đó là dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn cần được bổ sung các dưỡng chất như canxi, magie và kali để bù điện giải.

Yếu cơ hoặc bị chuột rút có thể là dấu hiệu bạn cần bổ sung chất điện giải. (Nguồn: iStock)
Yếu cơ hoặc bị chuột rút có thể là dấu hiệu bạn cần bổ sung chất điện giải. (Nguồn: iStock)

Gallagher giải thích: “Khi bạn hoạt động, cơ thể bạn sẽ sử dụng lượng dinh dưỡng này, vì vậy bạn cần bổ sung chúng thường xuyên để dự trữ.”

Nhạy cảm và dễ cáu kỉnh

Chuyên gia dinh dưỡng Susan Schachter cho biết nếu bạn nhận thấy mình nhạy cảm hoặc cáu kỉnh hơn bình thường, rất có thể việc thiếu chất điện giải là thủ phạm.

Schachter giải thích: “Sự mất cân bằng điện giải đôi khi có thể ảnh hưởng đến chức năng não, dẫn đến tâm trạng thất thường, khó chịu hoặc thậm chí rối loạn tâm thần.”

Mệt mỏi

Một trong số những triệu chứng phổ biến của mất cân bằng điện giải là mệt mỏi. Thiếu magie có thể là nguyên nhân dẫn đến triệu chứng này.

Magie tham gia vào hơn 300 quá trình khác nhau trong cơ thể. Thiếu magie có thể liên quan đến thói quen ăn uống kém, uống quá nhiều rượu, sử dụng thuốc lợi tiểu trong thời gian dài, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa và sử dụng thuốc giảm axit dạ dày.

Hạ natri máu

Uống quá nhiều nước cũng là một nguyên nhân gây hạ natri máu do làm tăng lượng nước tiểu bài tiết qua thận, mặt khác làm pha loãng hàm lượng natri trong máu.

Cảnh giác với các dấu hiệu hạ natri máu. (Nguồn: iStock)
Cảnh giác với các dấu hiệu hạ natri máu. (Nguồn: iStock)

Dấu hiệu của hạ natri máu là buồn nôn và nôn, đau đầu, bồn chồn, cáu kỉnh, lú lẫn... Triệu chứng này nếu kéo dài sẽ khá nghiêm trọng, có thể gây hôn mê, rối loạn tâm thần, yếu cơ “và trong những trường hợp rất nghiêm trọng, thậm chí tử vong,” chuyên gia dinh dưỡng Ellen Landes cho biết.

Nhịp tim bất thường

Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, sự mất cân bằng kali là rối loạn nhịp tim liên quan đến điện giải thường gặp nhất.

Kali đóng một vai trò quan trọng trong sự dẫn truyền thần kinh. Mức kali thấp có thể gây loạn nhịp tương đối ổn định, trong khi mức kali cao có thể nhanh chóng dẫn đến các rối loạn nhịp tim gây chết người.

Sự mất cân bằng natri, magiê và canxi cũng đặt trái tim vào nguy cơ rối loạn nhịp tim. Tuy nhiên, Hiệp hội Tim mạch Mỹ lưu ý rằng loạn nhịp tim gây ra bởi chất điện giải chỉ xảy ra khi nồng độ chất điện giải rất thấp hoặc rất cao - mức độ không tương hợp với chức năng sống, dẫn đến tử vong.

Những đồ uống giúp cân bằng điện giải

Uống nước là cách đơn giản và tốt nhất để ngăn ngừa các biến chứng do mất cân bằng điện giải. Ngoài nước lọc thì một số đồ uống khác có thể giúp cân bằng chất điện giải và bổ sung lượng chất lỏng bị mất khi bạn đổ quá nhiều mồ hôi.

Nước dừa

Nước dừa thường được coi là “thức uống thể thao tự nhiên” do hàm lượng chất điện giải cao. Nó chứa các khoáng chất thiết yếu như kali giúp điều chỉnh cân bằng chất lỏng và hỗ trợ chức năng cơ bắp, và natri giúp giữ nước.

Nước dừa cũng chứa ít calo nên đứng đầu danh sách đồ uống bổ sung nước cho mùa Hè.

Nước chanh, nước cam

Nước chanh, nước cam, nước ép bưởi không chỉ giúp giải khát mà còn cung cấp kali và các vi chất dinh dưỡng khác. Việc pha nước với những loại trái cây này sẽ khiến quá trình hydrat hóa trở nên hấp dẫn hơn và khuyến khích bạn uống nhiều nước hơn trong ngày.

Nước ép dưa hấu

Nước ép dưa hấu hỗ trợ cân bằng điện giải và giúp ngăn ngừa chuột rút cơ bắp. (Nguồn: iStock)
Nước ép dưa hấu hỗ trợ cân bằng điện giải và giúp ngăn ngừa chuột rút cơ bắp. (Nguồn: iStock)

Dưa hấu là loại trái cây mùa Hè tuyệt vời với hàm lượng nước cao. Nó không chỉ cung cấp nước mà còn chứa kali, hỗ trợ cân bằng điện giải và giúp ngăn ngừa chuột rút cơ bắp.

Nước ép dưa hấu thơm ngon, bổ dưỡng là một lựa chọn hợp lý để bù nước trong mùa Hè.

Sinh tố tự làm

Sinh tố tự làm cho phép bạn kết hợp các thành phần giàu chất điện giải để tạo ra một thức uống bổ dưỡng và bổ sung nước. Ví dụ, trộn sữa chua (chứa canxi và natri) với chuối giàu kali, rau bina giàu magiê và một ít nước dừa có thể tạo ra một thức uống hoàn hảo giúp thúc đẩy cân bằng chất lỏng và điện giải.

Tự làm nước điện giải

Nước detox dưa chuột, bạc hà, thêm chút muối bổ sung chất điện giải cần thiết. (Ảnh: iStock)
Nước detox dưa chuột, bạc hà, thêm chút muối bổ sung chất điện giải cần thiết. (Ảnh: iStock)

Thả một vài lát dưa chuột, lá bạc hà và một chút muối biển vào bình nước, bạn đã có một đồ uống tăng cường chất điện giải. Dưa chuột cung cấp nước, bạc hà thêm hương vị và một chút muối biển cung cấp chất điện giải cần thiết.

Nước ép nha đam

Mặc dù không phổ biến như các loại nước trái cây khác nhưng nước ép nha đam vẫn là một lựa chọn hiệu quả cho mùa Hè bởi nó cung cấp nước và chất điện giải.

Bên cạnh đó, nha đam chứa các hợp chất có tác dụng làm dịu hệ tiêu hóa, khiến nó trở thành lựa chọn độc đáo để hỗ trợ sức khỏe tổng thể.

Trà thảo mộc

Một số loại trà thảo mộc, chẳng hạn như trà atiso, trà hoa cúc và trà bạc hà, có thể uống nóng hoặc lạnh và là thức uống bổ sung nước rất tốt.

Mặc dù chúng không có nhiều chất điện giải như các loại đồ uống khác nhưng chúng góp phần bổ sung lượng chất lỏng hàng ngày của bạn. Tuy nhiên hãy cẩn thận với các loại trà thảo dược lợi tiểu vì chúng có thể làm tăng tình trạng mất nước.

Lưu ý không bù nước bằng đồ uống có gas hoặc nước tăng lực. Chúng có thể khiến lượng đường trong máu của bạn tăng đột ngột.

Ngoài ra, bạn cũng có thể bổ sung các chất điện giải thông qua thực phẩm như chuối, cam, dưa... giàu kali; hạnh nhân, đậu phụ giàu magie; rau bina, khoai tây thúc đẩy cân bằng nước trong tế bào. Natri, được tìm thấy với lượng vừa phải trong thực phẩm nguyên chất như cà chua và các sản phẩm từ sữa, giúp cân bằng chất lỏng ngoại bào...

Một chế độ ăn uống kết hợp nhiều loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng sẽ đảm bảo cung cấp các chất điện giải thiết yếu một cách tự nhiên và cân bằng./.

Theo TTXVN