Nhồi máu cơ tim (đột quỵ tim) là bệnh lý rất nguy hiểm, có thể gây tổn thương cơ tim vĩnh viễn và tử vong. Nhận biết dấu hiệu để thực hiện các bước sơ cứu nhồi máu cơ tim tại chỗ rất quan trọng với người bệnh.
Can thiệp đặt stent tái thông động mạch vành cho người bệnh. (Ảnh minh họa) |
Nhồi máu cơ tim là biến cố tim mạch nguy hiểm
Niên giám thống kê của Bộ Y tế năm 2020 cho thấy, nhồi máu cơ tim cấp (Acute myocardial infarction) thuộc top 10 bệnh lý gây tử vong cao nhất ở Việt Nam. Cũng theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% ca tử vong, cao hơn cả số người chết vì ung thư. Trong đó, có tới 85% là do nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Võ Anh Minh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh cho biết, bệnh có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào và có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Theo số liệu thống kê năm 2023, tỷ lệ nhồi máu cơ tim ở người trẻ đã tăng lên đến 10%.
Nhồi máu cơ tim (MI), thường được gọi là “cơn đau tim”, là biến cố tim mạch cấp tính nguy hiểm, xảy ra khi do một hay nhiều nhánh động mạch vành bị tắc nghẽn, lưu lượng máu đến một phần cơ tim bị giảm hoặc ngừng hoàn toàn gây thiếu máu cơ tim đột ngột và hoại tử vùng cơ tim bị thiếu máu.
Nguyên nhân dẫn đến hẹp lòng mạch vành đến từ sự lắng đọng cholesterol trong máu, gây tổn thương lớp lót trên thành mạch khiến vùng này bị viêm mãn tính. Khi đó, cơ thể tự sản sinh các phản ứng viêm, kéo theo một lượng lớn các tiểu cầu và tế bào miễn dịch tìm đến nhằm làm lành vết thương.
Theo thời gian, các tế bào này liên kết với canxi và cholesterol tạo nên mảng xơ vữa trên thành mạch. Khi mảng xơ vữa bong ra sẽ làm tổn thương động mạch, đồng thời tạo thành huyết khối, gây cản trở dòng máu. Thậm chí, chúng có thể dẫn tới tắc nghẽn cục bộ, gây nhồi máu cơ tim.
Bệnh thường diễn ra đột ngột, diễn tiến nhanh chóng và tiên lượng xấu nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Nhiều trường hợp bệnh nhân có những dấu hiệu bị nhồi máu cơ tim điển hình như đau thắt ngực, nặng ngực, mệt mỏi, khó thở, choáng váng, ngất xỉu… Tuy nhiên cũng có trường hợp bệnh không có dấu hiệu nhận biết nhồi máu cơ tim đặc hiệu, dẫn đến chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Các bước xử trí khi thấy người bệnh có dấu hiệu nhồi máu cơ tim
Tùy vào mức độ mất cân bằng của cán cân cung cấp – nhu cầu oxy cơ tim cũng như cơ địa của từng bệnh nhân mà triệu chứng nhồi máu cơ tim có sự khác biệt nhất định.
Có 13 biểu hiện nhồi máu cơ tim phổ biến gồm: Vùng ngực bị đau như có bị đè nén (nặng ngực); cảm giác đau mỏi khó chịu lan từ hàm đến lưng hoặc bụng; đổ mồ hôi lạnh (vã mồ hôi); cảm giác mệt mỏi bất thường là biểu hiện nhồi máu cơ tim; khó thở, nặng ngực, đôi khi hụt hơi; ợ nóng đi kèm khó tiêu (khó chịu ở vùng thượng vị); hoa mắt, chóng mặt đột ngột; cảm giác buồn nôn.
Người bệnh có cảm giác hồi hộp, lo lắng hơn bình thường (cảm giác bồn chồn), tim đập nhanh là triệu chứng nhồi máu cơ tim thường gặp, mất nhận thức, tụt huyết áp đột ngột, ngất xỉu.
Việc xử trí ban đầu rất quan trọng, Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Võ Anh Minh khuyến nghị khi phát hiện người bệnh bị nhồi máu cơ tim cấp, cần nhanh chóng liên hệ ngay cấp cứu, đồng thời thực hiện các bước sơ cứu nhồi máu cơ tim tại chỗ.
Đầu tiên, giữ bệnh nhân ở tư thế ngồi hoặc nằm, nới lỏng quần áo, thắt lưng, tránh tụ chung quanh người bệnh, nên giữ thông thoáng không gian quanh người bệnh, giúp máu lưu thông dễ dàng.
Gọi điện thoại cấp cứu (115) ngay lập tức. Trường hợp không thể chờ xe cứu thương của bệnh viện gần nhất hỗ trợ, hãy chủ động thuê taxi hoặc tự chuyển người bệnh đến bệnh viện, cơ sở y tế gần nhất.
Cho bệnh nhân nhai/nuốt một viên aspirin trong khi chờ xe cấp cứu nếu bác sĩ cho phép. Aspirin có tác dụng ngăn ngừa tình trạng đông máu, giảm tổn thương tim. Lưu ý, không dùng aspirin cho bệnh nhân dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
Trường hợp bệnh nhân bất tỉnh và không còn thở, tiến hành ép tim ngoài lồng ngực (Hồi sinh tim phổi - CPR) càng sớm càng tốt vì mỗi 1 phút chậm trễ, người bệnh có thể mất đi 10% cơ hội được cứu sống.
Để phát hiện sớm nguy cơ nhồi máu cơ tim, mọi người cần thăm khám sức khỏe định kỳ ít nhất 6 tháng một lần, đặc biệt đối với đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao (người lớn tuổi, tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, rối loạn mỡ máu, tiền căn sử dụng chất kích thích…).
Để hạn chế bệnh nhồi máu cơ tim, mọi người cần duy trì ăn uống lành mạnh, đa dạng, hạn chế chất béo chuyển hóa, cholesterol và natri; tăng cường hoa quả tươi, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm giàu chất xơ.
Mọi người cần tập thể dục đều đặn, giữ cân nặng lý tưởng, tránh hút thuốc lá, sử dụng rượu bia, nước ngọt có ga; kiểm soát căng thẳng; kiểm tra sức khỏe định kỳ; kiểm soát huyết áp và đường huyết.
Theo nhandan.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin