Đinh lăng không chỉ là cây thuốc, vị thuốc quen thuộc mà còn được sử dụng nhiều trong cả ẩm thực. Hơn thế nữa, với cách bào chế hiện đại, đinh lăng còn chứng minh có nhiều tiềm năng chữa bệnh hơn nữa.
1. Có bao nhiêu loại đinh lăng?
Đinh lăng (Polyscias fruticosa L.), còn gọi là cây gỏi cá, nam dương lâm. Sở dĩ có tên cây gỏi cá, vì trong dân gian, lá đinh lăng có thể dùng để chế biến thành món ăn, như cắt vào trộn gỏi.
Trong lá dược liệu này chứa 8 chất saponin oleanolic mới, tên là polysciosides A đến H và 3 saponin được biết đến. Rễ cây chứa chất saponin giống như sâm, vitamin B1,2,6, vitamin C và 20 acid amin thiết yếu.
Đinh lăng có khoảng 150 loài, chủ yếu mọc ở khu vực Madagascar, ở Việt Nam có khoảng 7-8 loại đinh lăng. Cây đinh lăng lá nhỏ (còn được gọi là Sâm Nam Dương) là loại phổ biến nhất ở Việt Nam. Đinh lăng lá nhỏ có lá hình lông chim, có hoa, thân nhẵn, chiều cao từ 80cm đến 2m nếu được chăm sóc tốt.
Đinh lăng lá nhỏ còn được gọi là sâm nam dương rất phổ biến ở nước ta. |
Cây đinh lăng lá to có tên khoa học là Polyscias filicifolia, tên gọi khác là đinh lăng ráng, đinh lăng tẻ, đinh lăng lá lớn. Đinh lăng lá to khá hiếm gặp, lá dày và to hơn nhiều so với đinh lăng lá nhỏ. Ngoài ra còn có các loại đinh lăng khác hiếm gặp hơn như đinh lăng đĩa, đinh lăng lá răng, đinh lăng lá tròn, đinh lăng lá vằn, đinh lăng mép lá bạc.
Lá đinh lăng được sử dụng phổ biến trong bữa ăn hàng ngày, không chỉ ở nước ta mà còn ở các quốc gia nhiệt đới khác. Ở Indonesia, có món ăn gọi là Pecel dùng thảo dược này làm nguyên liệu chính, lá được trộn kèm với các loại rau khác và ăn với nước sốt đậu phộng. Mùi cay nồng của thảo dược tạo nên hương vị độc đáo cho món ăn.
Hoặc như người Bali có món Urab cũng dùng thảo dược này làm nguyên liệu chính, trộn thêm với lá lốt, dừa nạo, ớt và nước cốt chanh.
Người Philippine có món cháo Arroz Caldo, sử dụng đinh lăng là gia vị cùng với bột nghệ.
Lá đinh lăng được sử dụng như gia vị trong món ăn ở nhiều nước trên thế giới. |
2. Tiềm năng sử dụng đinh lăng trong chữa bệnh
Việc sử dụng vị thuốc như thực phẩm là một đặc trưng của các nền y học cổ truyền, tích lũy từ kinh nghiệm dân gian. Đối với y học hiện đại, nghiên cứu dịch chiết của các cây thuốc cũng là một xu hướng khoa học.
Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí MDPI vào tháng 02/2023, dịch chiết ethanol từ lá đinh lăng liên quan đến tác dụng bảo vệ thần kinh chống lại sự chết tế bào qua trung gian glutamate, thông qua kích hoạt con đường AKT/BDNF/CREB. Kết quả nghiên cứu cho thấy tiềm năng của chiết xuất lá thảo dược trong điều trị các bệnh lý thiếu máu não.
Một nghiên cứu khác đăng trên tạp chí MDPI vào tháng 09/2023, thực hiện tại Đại học Khoa học và Công nghệ sinh học Hàn Quốc, về cơ chế chống oxy hóa và chống viêm từ dịch chiết lá đinh lăng, cho thấy chiết xuất lipophilic từ dược liệu mang lại khả năng chống oxy hóa, cung cấp khả năng bảo vệ chống lại stress oxy hóa bằng cách tạo ra sự biểu hiện của catalase và heme oxyase-1 trong tế bào RAW 264,7.
Ngoài ra, các phân đoạn lipophilic từ dược liệu cho thấy khả năng chống viêm trong việc điều hòa giảm mức độ của các yếu tố gây viêm trong các đại thực bào.
Không nên sử dụng nước lá đinh lăng kéo dài. |
3. Có nên sử dụng đinh lăng cho phụ nữ mang thai, cho con bú?
Trong sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của Giáo sư Đỗ Tất Lợi có ghi nhận, dùng rễ dược liệu để thông tia sữa, chữa căng vú. Cụ thể, dùng 30-40g rễ cây đinh lăng, sắc với 500ml nước, uống ấm từ 2-3 ngày, sẽ giảm căng tức tuyến vú.
Tuy nhiên, trong dược liệu chứa nhiều loại saponin, alcaloid, khi dùng nhiều có thể lợi tiểu, gây hoa mắt chóng mặt. Vì vậy, không nên sử dụng kéo dài chỉ một loại nước đinh lăng, không uống thay thế nước lọc.
Cần lưu ý trên phụ nữ mang thai 3 tháng đầu, vì sử dụng đinh lăng có thể làm kích thích co bóp tử cung, gây bất lợi cho thai kỳ.
Sử dụng lá, rễ cây đinh lăng với mục tiêu điều trị bệnh cụ thể nên được tham khảo ý kiến chuyên gia, tránh những tác dụng quá liều của thuốc.
Theo Sức khỏe & Đời sống
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin