16:14, 29/01/2024

Năm cách giúp bạn giảm stress để bắt đầu một năm mới "chất lượng"

Ý tưởng ngồi xem TV để giảm căng thẳng nghe có vẻ phản khoa học đối với sức khỏe, nhưng đôi khi nó chính xác là những gì bạn cần.

Hãy đảm bảo rằng bạn thường xuyên dành chỗ cho niềm vui trong lịch trình của mình. (Nguồn: CNN)
Hãy đảm bảo rằng bạn thường xuyên dành chỗ cho niềm vui trong lịch trình của mình. (Nguồn: CNN)

Nếu việc thư giãn nằm trong danh sách những điều bạn quyết tâm thực hiện trong Năm mới, có thể bạn đang tìm kiếm một phương pháp thực hành ngoài những gợi ý cổ điển “tập thể dục và ngủ nhiều hơn.”

Theo Tiến sỹ Leana Wen, Giáo sư Chính sách Y tế và Quản lý tại Trường Y tế Công cộng thuộc Viện Milken tại Đại học George Washington (Mỹ), cho biết stress là phản ứng bình thường trước những tình huống nguy hiểm hoặc khó lường. Nhưng tình trạng căng thẳng mãn tính có liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau, bao gồm huyết áp cao, trầm cảm và lo âu.

Tiến sỹ Karmel Choi, Trợ lý Giáo sư Tâm lý Học tại Trường Y Harvard ở Boston, cho biết stress cũng có thể “biểu hiện dưới dạng thất vọng hoặc tức giận, và điều này có thể ảnh hưởng đến các mối quan hệ của chúng ta."

Mặt khác, cảm giác hạnh phúc hay sự căng thẳng được kiểm soát “đến từ cảm giác cân bằng và khả năng kiểm soát những “va chạm” trong cuộc sống - những điều “đôi khi đẩy mức năng lượng của chúng ta đến giới hạn’” - Tiến sỹ Monica Vermani, nhà tâm lý học lâm sàng ở Toronto, cho biết.

“Tối đa hóa mức năng lượng… cho chúng ta khả năng ứng phó với bất cứ điều gì xảy đến” - chuyên gia Vermani nói thêm. “Còn cách nào để bắt đầu Năm mới tốt hơn là sự cam kết chăm sóc bản thân thật ‘chất lượng?’”

Theo CNN, dưới đây là năm thói quen bạn có thể áp dụng ngay hôm nay để tăng chất lượng cuộc sống:

Chơi đùa

Cuộc sống thực sự trở nên “chân thực” khi bạn trưởng thành, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn phải bỏ lại những niềm vui tuổi thơ. Trên thực tế, ở tuổi trưởng thành, việc vui chơi vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó với những phiền muộn và cải thiện sự hài lòng trong cuộc sống.

Một nghiên cứu được công bố vào tháng 3/2013 với gần 900 sinh viên đại học cho thấy những người vui tươi hơn có mức độ căng thẳng thấp hơn những người ít vui vẻ. Những sinh viên hay vui đùa cũng thể hiện được khả năng tốt hơn trong việc ứng phó với các yếu tố gây căng thẳng một cách lành mạnh, thay vì tìm cách trốn tránh vấn đề của mình.

Việc kết hợp vui chơi vào cuộc sống như thế nào là tùy thuộc vào bạn.

Có hoạt động thời thơ ấu nào mà bạn bỏ lỡ không? Có sở thích mới nào bạn mới có nhưng chưa có thời gian để tận hưởng không? - Suy ngẫm về những điều này có thể giúp bạn tiến về phía trước. Hãy đảm bảo rằng bạn thường xuyên dành chỗ cho niềm vui trong lịch trình của mình.

Làm điều gì đó mà bạn không cần "động não"

Ý tưởng ngồi xem TV để giảm căng thẳng nghe có vẻ phản khoa học đối với sức khỏe, nhưng đôi khi nó chính xác là những gì bạn cần.

Tiến sỹ Victoria Garfield từng nói rằng các hoạt động nhàn nhã như nằm dài trên đivăng có thể hữu ích cho những ai không thể “tắt” dòng suy nghĩ miên man trong đầu, cảm thấy khó thiền định hoặc thực hành các phương pháp chánh niệm khác.

Garfield là nhà nghiên cứu cấp cao tại Đơn vị Hội đồng Nghiên cứu Y khoa về Sức khỏe và Lão hóa Suốt đời tại Đại học College London.

Chỉ cần đảm bảo rằng bạn không sử dụng màn hình trong vòng một giờ trước khi đi ngủ, kẻo bạn sẽ phá hỏng giấc ngủ của mình. Điều này cũng sẽ giúp bạn quản lý và phản ứng với stress tốt hơn.

Thở dài

Thở dài có vẻ giống như một phản ứng tiêu cực mang lại cảm giác dễ chịu trước những căng thẳng, nhưng một nghiên cứu được công bố vào tháng này lại cho thấy điều ngược lại.

Thở dài theo chu kỳ được cho là cách thở hữu ích nhất trong tất cả các kỹ thuật thở và thiền đã được nghiên cứu. Bạn có thể tập thở dài theo chu kỳ bằng cách hít vào bằng mũi cho đến khi phổi cảm thấy đầy một nửa, tạm dừng một chút, hít lại để lấp đầy phổi hoàn toàn, sau đó từ từ thở ra bằng miệng.

Theo chuyên gia, thở dài theo chu kỳ là một cách khá nhanh để bạn bình tĩnh lại. (Nguồn: CNN)
Theo chuyên gia, thở dài theo chu kỳ là một cách khá nhanh để bạn bình tĩnh lại. (Nguồn: CNN)

Tiến sỹ David Spiegel, tác giả nghiên cứu và Giám đốc Trung tâm Căng thẳng và Sức khỏe tại Trường Y Đại học Stanford, nói: “Thở dài theo chu kỳ là một cách khá nhanh chóng để bạn bình tĩnh lại. Nhiều người có thể làm điều đó khoảng ba lần liên tiếp và cảm thấy bớt lo lắng và căng thẳng ngay lập tức.”

Liệu pháp thư giãn cơ bắp

“Progressive muscle relaxation” (PMR) (liệu pháp thư giãn cơ cấp tiến) là một kỹ thuật thư giãn cơ thể và tâm trí hiệu quả cao. Kỹ thuật này có thể được thực hiện ở bất cứ đâu - nơi bạn có thể ngồi hoặc nằm trong ít nhất năm phút.

Với sự chủ động căng-chùng cơ (bạn có thể căng một nhóm cơ khi hít vào và thả lỏng chúng khi thở ra), PMR là một kỹ thuật khác tốt cho những ai cần một chút trợ giúp để tập trung vào các bài tập thở thiền.

Thực hành lòng biết ơn

Các nghiên cứu cho thấy ngay cả khi bạn gặp khó khăn, thực hành lòng biết ơn có thể giúp bạn giảm căng thẳng và cải thiện tâm trạng.

Điều này có thể được thực hiện theo nhiều cách, chẳng hạn như viết nhật ký biết ơn: Bạn ghi lại một số điều vào mỗi tối trước khi đi ngủ hoặc tạo một album ảnh biết ơn trên điện thoại của bạn.

Những bức ảnh có thể là bất cứ thứ gì, bao gồm những người thân yêu, những thành tựu, một cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp hoặc những tin nhắn trao đổi ý nghĩa. Hãy thử nhìn chúng trong những thời điểm căng thẳng thay vì lướt qua hoặc so sánh cuộc sống của bạn với cuộc sống của người khác.

“Stress làm giảm sự tập trung của chúng ta, ngăn cản chúng ta nhận thức về những điều tốt đẹp trong cuộc sống” - Tiến sỹ Choi nói.

Nhưng “khi chúng ta cảm thấy bớt căng thẳng hơn, chúng ta có thể mở rộng tầm nhìn để nhận ra những khoảnh khắc tích cực và những cơ hội xung quanh mình.”./.

Theo TTXVN