Để nấu được một nồi cơm dẻo thơm không đơn giản là vo gạo và cho nước vào nồi. Bạn hãy thử cho 2 viên đá vào nồi cơm, thật ngạc nhiên về kết quả mang lại.
Người Nhật có rất nhiều cách nấu cơm khiến các bà nội trợ trên thế giới "mê" và học theo. Những ai từng thưởng thức cơm của người Nhật đều phải gật gù tấm tắc khen ngon. Độ ngon ấy không chỉ nằm ở loại gạo mà còn bởi những bí quyết tuyệt vời của bà nội trợ Nhật. Dưới đây là mẹo hay nấu cơm chỉ nhờ 2 viên đá lạnh.
Để nấu cơm ngon, khi bắt đầu nấu cơm thì phải vo gạo trước tiên. Vo gạo để làm sạch hạt gạo, sau đó đổ lượng nước vừa đủ vào trước khi bắt lên. Tỉ lệ gạo và nước tốt nhất là khoảng 1: 1,2. Tuy nhiên, tỉ lệ này khác nhau cho từng loại gạo vì vậy cách tốt nhất vẫn là dựa vào kinh nghiệm. Đá lạnh sẽ trì hoãn thời gian hấp thu nước của gạo: Bỏ thêm 2 đến 3 viên đá vào, để khoảng 15 phút rồi mới bắt đầu cắm điện, bấm nút nấu. Đó là một trong những cách mà người Nhật áp dụng để nấu cơm thơm và dẻo. Và điều kỳ diệu là sau khi nấu xong thì những mẻ cơm đều rất ngon thơm, tơi xốp và cực kỳ bổ dưỡng.
Vì sao cho đá lạnh vào nấu cơm sẽ ngon hơn cách nấu bình thường?. Giải thích một cách khoa học, đá sẽ trì hoãn thời gian hấp thu nước của gạo, sẽ làm tăng độ dẻo của gạo hơn. Thứ hai, bỏ đá vào gạo sẽ làm tăng lượng axit amin, ngăn chặn enzyme phân hủy độ ngọt trong hạt gạo, mang đến hương vị tuyệt vời hơn rất nhiều.
Nấu cơm cho thêm viên đá lạnh là một trong những bí quyết mà người Nhật rất hay áp dụng.
Lưu ý, khi cho thêm đá lạnh, bạn nên giảm bớt lượng nước cho vào nồi để tránh tình trạng cơm bị nhão, nát khi nấu chín. Trước khi nấu có thể kiểm tra lượng nước trong nồi xem đã phù hợp chưa, có cần gia giảm không.
Phương pháp này cũng có tác dụng đối với cơm nguội. Xới đều cơm trước khi hâm rồi thêm vài viên đá vào, đậy vung, nhấn nút nấu. Nước đá tan thấm dần vào hạt cơm làm chúng trở nên mềm dẻo như mới nấu, hạn chế khét đáy nồi.
Mẹo hay bỏ 2 viên đá vào nồi cơm sẽ giúp cơm thơm ngon hơn. Bởi đá lạnh sẽ trì hoãn thời gian hấp thu nước của gạo. |
Ngoài việc thêm đá lạnh vào nồi cơm, bạn cũng có thể tham khảo một số bí quyết nấu cơm ngon khác dưới đây:
- Một số người Nhật còn cho cả mật ong vào cơm. Theo họ, mật ong sẽ giúp hạt gạo giữ nước tốt hơn, cơm ngon và dẻo hơn.
- Bạn có thể cho một chút muối và vài giọt dầu mè vào trộn cùng gạo rồi nấu thành cơm. Như vậy, cơm sẽ đậm đà, thơm và căng bóng hơn. Nếu không có dầu mè, bạn có thể thay thế bằng dầu ăn, dầu đậu phọng, dầu oliu đều được.
- Người Nhật còn cho thêm một ít bia vào nồi để nấu với cơm. Theo họ, cách này sẽ giúp cơm mềm, thơm ngon hơn.
- Cách nấu cơm bằng nước trà rất phổ biến ở Nhật. Thay vì nấu bằng nước lã thông thường, họ sẽ cho nước trà vào nấu để tạo thêm màu sắc, mùi vị và tăng dinh dưỡng cho món cơm.
Một vài công dụng của đá viên trong khi chế biến món ăn sẽ khiến các bà nội trợ phải bất ngờ.
- Có thể hút dầu mỡ cho món ăn: Khi chế biến các món ăn sẽ khó tránh khỏi việc thức ăn nhiều dầu mỡ, tuy nhiên để giải quyết tình trạng này, các bà nội trợ có thể cho vào viên đá lạnh vào trong nồi. Khi đó, nước đá sẽ thấm hút dầu mỡ nhanh chóng.
Ngoài ra, có thể thả vào nồi thức ăn một vài viên đá, sau đó để nồi vào ngăn mát tủ lạnh trong vòng khoảng 30 phút. Cách thức này làm đông đặc mỡ nhanh hơn và khiến các bà nội trợ dễ dàng vớt hết mỡ trước khi tiếp tục chế biến.
- Khử mùi hăng của hành tây hiệu quả: Hành tây thường có vị hăng nồng, vì thế ngâm lát hành tây thái mỏng vào tô nước đá sẽ khiến vị hăng được giảm đáng kể. Ngoài ra, có thể cho thêm chút nước cốt chanh vào tô nước đá và ngâm hành tây khoảng 15 - 20 phút sẽ không chỉ làm giảm vị hăng nồng mà còn tăng thêm độ giòn.
- Tăng độ giòn cho rau củ: Ngoài những tác dụng trên, viên đá lạnh cũng có công dụng giúp rau củ luộc trở nên giòn hơn nếu được thực hiện đúng cách. Theo đó, sau khi luộc, các bà nội trợ hãy cho rau củ vào tô nước có nhiều viên đá lạnh trong vài phút rồi vớt ra sẽ giữ được độ giòn của rau củ cũng như màu sắc thêm phần hấp dẫn hơn.
Bên cạnh đó, không chỉ với rau củ, phương pháp này cũng có thể được áp dụng đối với các món lòng lợn và tai heo.
Theo khoahocdoisong.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin