13:35, 21/10/2023

Làm thế nào để ngăn ngừa đột quỵ khi chơi thể thao?

Tập thể dục để rèn luyện sức khoẻ, tuy nhiên cũng cần biết giới hạn của bản thân và những bệnh lý tiềm ẩn để phòng ngừa đột quỵ, tử vong khi đang chơi thể thao.

Chơi thể thao nhưng phải tầm soát sức khoẻ

Đột quỵ sau khi chơi thể thao là tình trạng xảy ra tai biến trong lúc tập luyện hoặc sau khi chơi thể thao. Hiện nay, tình trạng này có xu hướng gia tăng và gặp ở mọi lứa tuổi.

Điển hình, ngày 15/10, một người đàn ông đang chạy bộ tại một Công viên ở Hà Nội thì bất ngờ ngã gục. Ngay sau đó, người này đã được người nhà và những người có mặt tại công viên gọi xe cấp cứu. Theo thông tin từ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, thời điểm tiếp nhận, nạn nhân được xác định đã tử vong ngoại viện. 

Trước đó, vào ngày 8/10, ông T. (61 tuổi, trú tại quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng) cùng đoàn du lịch leo lên đỉnh Tà Chì Nhù (Yên Bái). Khi đến độ cao 2.500m, người đàn ông này dừng lại chụp ảnh và không may bị đột quỵ.

Ngay khi vụ việc xảy ra, người dẫn đường cùng đoàn leo núi đã đưa nạn nhân vào lán sơ cứu nhưng nạn nhân đã tử vong sau đó. Theo gia đình nạn nhân, ông T. có tiền sử bệnh huyết áp.

 

Cần phải tầm soát sức khoẻ trước khi chơi thể thao.
Cần phải tầm soát sức khoẻ trước khi chơi thể thao.

 

Theo BSCKI Phạm Văn Cường, Khoa Đột quỵ não, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, tình trạng đột quỵ hay ngưng tim dẫn đến đột tử khi đang hoạt động thể thao không phải hiếm gặp. Đặc biệt là tỉ lệ đột quỵ đối với giới trẻ ngày càng gia tăng. 

Một số thói quen xấu khiến nhiều người có thể bị đột quỵ khi chơi thể thao như lạm dụng đồ uống có cồn. Thói quen thức khuya, sinh hoạt không điều độ sẽ ảnh hưởng đến huyết áp và tim mạch. Ăn nhiều thức ăn nhanh cũng ảnh hưởng rối loạn chuyển hoá lipd máu, tăng nguy cơ thừa cân béo phì, xơ vữa mạch máu. Ngoài ra áp lực công việc cũng là điều kiện khiến nhiều người dẫn đến đột quỵ nếu cơ thể có nguy cơ khởi phát cao.

Ngăn ngừa đột quỵ, tử vong khi đang chơi thể thao

Theo giảng viên Hoàng Đức Công, Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội, một số triệu chứng cảnh báo nguy cơ đột tử sắp đến khi đang chơi thể thao bao gồm mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn và khó chịu ở cổ ngực, cánh tay khi luyện tập.

Đột quỵ khi đang chơi thể thao chủ yếu là do có vấn đề về huyết áp, bệnh lý tim mạch. Hoạt động quá sức khiến bệnh lý tái phát và dẫn đến đột quỵ. Do đó việc tầm soát sức khoẻ trước khi chọn một bộ môn phù hợp là việc làm cực kỳ quan trọng.

Giảng viên Hoàng Đức Công khuyến cáo, mọi người cần tập luyện ít nhất là 30 phút mỗi ngày, đều đặn. Tuy nhiên cần chọn bộ môn thể thao phù hợp với thể trạng. Đây cũng chính là một trong những cách ngăn ngừa đột quỵ hiệu quả.

 

Cần khởi động cơ thể trước khi chơi thể thao.
Cần khởi động cơ thể trước khi chơi thể thao.

 

Trước khi chơi thể thao, cần phải khởi động cơ thể. Việc này giúp cho hệ tuần hoàn và các khối cơ bắp sẽ có thời gian thích ứng cũng như không bị shock. Đồng thời giúp cho cơ thể ấm lên, tránh sự thay đổi nhiệt độ đột ngột của cơ thể.

Đối với môn chạy, biến chứng nặng nhất mà người chơi thể thao hay gặp là suy tim cấp và đột quỵ. Người chơi môn chạy cần có phương tiện đi kèm để đo nhịp tim, không được để nhịp tim lên cao quá.

Khi phát hiện người đang chơi thể thao bị đột quỵ, cần nhanh chóng gọi xe cấp cứu để đưa đến bệnh viện sớm nhất. Trong thời gian chờ xe cấp cứu, cần cho bệnh nhân nằm nghiêng trên nền phẳng, đo SPO2 nếu có thiết bị, nới lỏng quần áo thoáng mát... Tuyệt đối không cho bệnh nhân ăn uống hay dùng thuốc, không áp dụng các phương pháp dân gian như cạo gió, chích 10 đầu ngón tay hay vắt chanh vào miệng.

Theo Sức khỏe & Đời sống