18:37, 30/10/2023

Khánh Vĩnh: Thêm nguồn thu nhập từ nho rừng

V.L

Những ngày này, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) tìm đến những vạt rừng, nương rẫy bên bờ suối để hái nho rừng kiếm thêm thu nhập. Nho rừng có thể được sử dụng để làm ra loại rượu ngon, có giá trị kinh tế…

Theo chân ông Cao Long Tứ - người dân đi hái nho rừng lâu năm ở xã Cầu Bà, chúng tôi được chứng kiến phần nào sự vất vả của người kiếm nho rừng. Ông Tứ cho biết, mùa vụ nho rừng chỉ tập trung vào tháng 9 và 10. Nho rừng mọc hoang rải rác nhiều nơi, thường tập trung ở những nương rẫy trồng keo, vạt rừng, bụi cây gần bờ suối có độ ẩm cao… Tuy nhiên, việc thu hái khá vất vả, bởi nho rừng thường bám vào các cây cao nên rất khó để leo trèo và thu hái. Nếu hái không đúng cách, không may để nho rơi xuống sẽ dập nát, không thể bán được. Những nơi có nho rừng cũng thường có kiến vàng rất nhiều nên rất khó leo trèo. Có người dùng kìm dài để cắt nho từ dưới đất, song không phải ai cũng trang bị được loại dụng cụ này vì cũng đắt tiền. Vì thế, người dân chủ yếu vẫn là leo trèo để hái nho. Nếu gặp cây to, nhiều cành nhánh có thể đạt 6 - 7kg, ít thì 3 - 4kg. Đôi khi nho không bám vào thân cây mà treo lơ lửng giữa khoảng không, người hái phải dùng dây leo lên và chặt cành xuống. Với những thân cây to, nhiều rêu, trơn trượt nên khá nguy hiểm, đôi lúc cây cao quá, người hái đành bỏ qua. Nho rừng chín theo mùa và rất khó tìm. Người hái nho nhiều kinh nghiệm thường ghi nhớ khu vực nào có nho để năm sau quay lại thu hoạch...

 

Theo ông Đinh Văn Ngọc - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Thái, nho rừng ngày càng ít do điều kiện sinh sống của cây nho bị thu hẹp. Cây nho rừng mọc hoang theo nương rẫy của người dân là chính. Thế nhưng, sau mỗi mùa vụ hay thu hoạch keo xong, người dân hay đốt nương rẫy, vô tình diệt luôn cây nho rừng. Lâu dần, nho rừng càng ít, sản lượng thấp dần.

Sơ chế nho và sấy nho trong phòng sấy
Sơ chế nho và sấy nho trong phòng sấy.

Hiện nay, người dân thu hái nho rừng đem về làm rượu nho hay bán cho những người chế biến ủ nho lên men, làm nước cốt giải khát. Giá nho rừng tươi dao động 10.000 - 20.000 đồng/kg nên cũng giúp người dân kiếm thêm thu nhập. Theo bà Nguyễn Thị Ngân - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây và nông sản Ngân Nguyễn (thị trấn Khánh Vĩnh), công ty đang thu mua nho rừng cho người dân, bình quân mỗi ngày 50 - 100kg nho tươi. Nho rừng sau khi thu mua đưa vào chế biến ngay. Nho được phân loại, rửa sạch và đưa vào phòng sấy. Nho sấy xong được trộn với đường rồi đưa vào ngâm để lên men làm xi-rô, ngâm rượu rồi được ủ trong những môi trường đặc biệt để tạo thành phẩm… 

Theo các tài liệu đông y, nho rừng là loại quả mọng nước, vị ngọt hơi chát, có mùi thơm dịu thích hợp để ngâm rượu hoặc để làm thuốc chữa bệnh. Ngoài ra, trong quả nho rừng chứa lượng cao chất xơ nên còn có công dụng để giải khát, làm đẹp da, trị nám, cải thiện tim mạch, ngăn ngừa xơ cứng động mạch, tốt cho hệ tiêu hóa, chống lão hóa, giảm cân, tăng cường hệ miễn dịch...

V.L