Trường Đại học Nha Trang vừa nghiệm thu cấp cơ sở đề tài cấp bộ “Xây dựng quy trình sản xuất giống và thử nghiệm nuôi thương phẩm cá khế vằn” do Tiến sĩ Ngô Văn Mạnh làm chủ nhiệm. Nghiên cứu này có tính kế thừa kết quả của những nghiên cứu trước đây ở Việt Nam để từng bước hoàn thiện kỹ thuật nhằm hướng đến sản xuất cá giống sử dụng thức ăn công nghiệp ở quy mô lớn.
Chuẩn bị cá bố mẹ. |
Theo Tiến sĩ Ngô Văn Mạnh, cá khế vằn (còn gọi là cá bè đưng, bè vàng, bè nghệ) có giá trị kinh tế cao, thịt thơm ngon, được thị trường ưa chuộng. Hiện nay, cá khế vằn được nuôi tại nhiều vùng biển, như: Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang...; thức ăn sử dụng là cá tạp tươi và thức ăn công nghiệp. Trước đây, nguồn giống cho nuôi thương phẩm cá khế vằn chủ yếu dựa vào đánh bắt tự nhiên nên số lượng giống không đáng kể. Sau đó, một số trại sản xuất giống tại Khánh Hòa đã sản xuất thử thành công, song tỷ lệ sống còn thấp, giá thành cá giống cao nên không đáp ứng được nhu cầu nuôi. Từ năm 2021, Trường Đại học Nha Trang triển khai thực hiện đề tài cấp bộ “Xây dựng quy trình sản xuất giống và thử nghiệm nuôi thương phẩm cá khế vằn (Gnathanodon speciosus)” nhằm hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm cá khế vằn trong lồng bằng thức ăn công nghiệp phù hợp với điều kiện sản xuất tại Khánh Hòa và một số tỉnh ven biển Nam Trung Bộ.
Kiểm tra trứng cá mẹ. |
Đây là một trong những nghiên cứu có hệ thống về sản xuất giống cá khế vằn để xác định các chỉ tiêu kỹ thuật về nuôi vỗ cá bố mẹ, cho sinh sản nhân tạo, ương cá bột, cá giống nhằm cải thiện chất lượng trứng, ấu trùng, tăng năng suất sản xuất giống trên một đơn vị thể tích bể ương, cải thiện chất lượng con giống. Sau 30 tháng thực hiện, nhóm nghiên cứu đề tài đã đạt được những kết quả cơ bản, như: Cá khế vằn bố mẹ được nuôi vỗ trong lồng tại vùng biển Khánh Hòa có thể thành thục và đẻ trứng quanh năm, tuy nhiên tập trung từ tháng 3 đến tháng 10, các tháng còn lại tỷ lệ thành thục thấp, trung bình 56,75%. Cá bố mẹ cho ăn bằng cá tươi, có bổ sung mực, tôm và vitamin trong khẩu phần ăn cho sức sinh sản, chất lượng trứng và ấu trùng tốt hơn so với chỉ cho ăn bằng cá tươi; cá bố mẹ thành thục được kích thích sinh sản trong lồng trên biển bằng hormone có sức sinh sản tốt. Sau đó, cá khế vằn được sử dụng thức ăn công nghiệp từ giai đoạn cá bột lên cá hương và từ cá hương lên cá giống. Việc thử nghiệm nuôi thương phẩm cá khế vằn chia làm 2 giai đoạn với tổng thời gian của chu kỳ nuôi 15 tháng. Giai đoạn 1 từ cỡ cá 1,17g, sau 4 tháng cá đạt 88,4g, tỷ lệ sống 82,9%. Giai đoạn nuôi lên cá thương phẩm là 11 tháng, cá đạt khối lượng 644g, tỷ lệ sống 76,3%, năng suất đạt 8,18kg/m3. Tổng sản lượng thu hoạch 1.228kg.
Bố trí bể thí nghiệm, nghiên cứu sinh sản cá khế vằn. |
Tiến sĩ Mạnh cho hay, nghiên cứu này có tính kế thừa kết quả của những nghiên cứu trước đây về cá khế vằn ở Việt Nam để từng bước hoàn thiện kỹ thuật nhằm hướng đến sản xuất cá giống sử dụng thức ăn công nghiệp ở quy mô lớn. Mặc dù cá khế vằn có thể cho đẻ quanh năm, nhưng việc sản xuất giống vào mùa mưa, nhiệt độ nước thấp vẫn còn những hạn chế, như: tỷ lệ sống thấp và tỷ lệ dị hình cao; cá nuôi thương phẩm bằng thức ăn công nghiệp chậm lớn hơn khá nhiều so với nuôi bằng thức ăn tươi nên hiệu quả kinh tế còn hạn chế...
Theo Tiến sĩ Nguyễn Tấn Sỹ - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề tài, thành công của đề tài góp phần chủ động tạo ra nguồn giống cá khế vằn đảm bảo chất lượng, đủ về số lượng, đa dạng hóa đối tượng nuôi, thúc đẩy phát triển nghề nuôi cá biển, tạo việc làm, ổn định thu nhập cho người dân địa phương. Mặt khác, đàn cá giống nhân tạo có thể sử dụng tốt các loại thức ăn công nghiệp đang có trên thị trường, khi nuôi sẽ giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường. Vì thế, việc xây dựng mô hình nuôi thương phẩm bằng thức ăn công nghiệp, cũng như việc chủ động về nguồn giống là điều kiện thuận lợi cho nghề nuôi cá khế vằn có khả năng phát triển quy mô công nghiệp trong thời gian tới.
V.L
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin