22:46, 21/08/2023

Độc đáo mì Quảng Nha Trang

CHẾ DIỄM TRÂM

Nha Trang - Khánh Hòa có lịch sử hình thành và phát triển đến nay đã 370 năm (1653 - 2023). Nơi đây, xa xưa là vùng đất thuộc Tiểu vương quốc Kauthara của Vương quốc Champa cổ. Đến năm 1653, Kauthara được sáp nhập vào Đại Việt. Đã có nhiều cuộc di dân theo hướng Nam tiến của người Việt để đến những vùng đất mới. Theo đó, những món ăn cũng theo bước chân của các cư dân Nam - Ngãi - Bình - Phú (Quảng Nam - Quảng Ngãi - Bình Định - Phú Yên) nhập cư vào xứ Trầm Hương, trong đó có món mì Quảng.

Hiện nay, ở Nha Trang có 2 “phong cách” mì Quảng: Mì Quảng gốc Quảng (còn gọi là mì Quảng Hội An) và mì Quảng Nha Trang. Mì gốc Quảng có mì gà, mì tôm thịt, mì cá lóc, mì ếch… Mì Quảng Nha Trang hình như khá nhất quán trong cách sử dụng nguyên liệu và chế biến. Nghĩ cũng lạ, tiếp thu một món ăn có sẵn nhưng làm mới nó và làm nên bản sắc độc đáo là đặc điểm của mì Quảng Nha Trang.

Cọng mì Quảng Nha Trang tuy cũng có màu vàng nhạt nhưng nhỏ, dai, khô. Khi ăn, người ta sẽ trụng cọng mì với nước sôi cùng một ít giá cho cọng mì mềm đi, sau đó bỏ vô tô, sắp lên trên một vài lát thịt heo xắt mỏng, vài miếng chả cá (chiên và hấp), chả lụa, trứng cút, giò nạc hầm mềm. Trên bề mặt tô còn rưới thêm một ít đậu phộng rang chín giã dập. Tiếp đến là rắc hành ngò xắt nhỏ và ít lát hành tây xắt mỏng. Cuối cùng là chan nước dùng nóng hổi, bốc khói.

 

Trong tô mì Quảng của người Nha Trang - Khánh Hòa không thể thiếu món chả cá - một trong những đặc sản hàng đầu nơi đây. Miếng chả cá dày cỡ một đốt tay, xắt xeo xéo hình quân cờ, chiên và hấp, ngon ngọt nhưng mùi và vị khác nhau để kích thích khẩu vị. Có thể nói, thêm món chả cá vô món mì là điểm làm mới khi tiếp thu món mì Quảng nổi tiếng, làm nên “phong cách ăn mì” của người dân xứ Trầm. Một điểm sáng tạo nữa của món mì Quảng Nha Trang chính là nước dùng. Đó là nước hầm xương (xương heo), giò heo. Mì Quảng Nha Trang chỉ dùng xương heo làm nguyên liệu hầm nồi nước dùng. Nước chan vào tô mì rất đầy, chan ngập tất cả, chứ không phải xâm xấp dưới chân mì như mì Quảng. Vì vậy, nước dùng của mì Quảng Nha Trang nấu không mặn, không nhạt, vị vừa ăn để có thể ăn hết nước.

Ăn kèm với mì Quảng Nha Trang sẽ có đĩa rau sống, gồm rau xà lách xắt mỏng, rau thơm, giá sống, bắp chuối xắt sợi… Rau ghém làm cho tô mì thơm nức lên và ăn không ngấy. Khác với mì Quảng Hội An, mì Quảng Nha Trang không ăn kèm với bánh tráng nướng. Người ăn có thể vắt thêm một miếng chanh nhỏ, thêm ít mắm nhỉ dằm ớt xiêm xanh sao cho vừa miệng.

Người Nha Trang - Khánh Hòa ăn mì Quảng “pha phách” thêm bớt theo kiểu sáng tạo riêng, làm nên “phong cách” mì Quảng Nha Trang, ngay cả những người bạn từ Quảng Nam - Đà Nẵng, đất sinh ra món mì Quảng đến Nha Trang du lịch cũng ngạc nhiên, thích thú vì lạ miệng. Có thể nói, món mì Quảng là một trong những món ngon hội tụ đủ cách ăn uống của người dân Nha Trang: Nhẹ nhàng - không quá mặn, không quá béo, không quá ngọt, không quá cay; nhẹ nhàng như chính phong thái người dân Nha Trang - Khánh Hòa. 

Món ngon mì Quảng Nha Trang hiện diện khắp nơi, từ nhà hàng, quán ăn đến những hàng, gánh bình dân trong hang cùng ngõ hẻm. Và cũng như phở, như mì Quảng Hội An, mì Quảng Nha Trang có thể làm ấm bụng thực khách cả sáng - trưa - xế - chiều - tối. Thời điểm nào ăn cũng ngon, mùa nào cũng dùng được.

Hiện nay, mì Quảng Nha Trang nổi tiếng nhất là ở Đá Chẹt (đường 2-4), Bình Cang, chợ Đầm, chợ Xóm Mới, đường Phan Đình Giót, đường Huỳnh Thúc Kháng, đường Hoàng Văn Thụ… Bưng tô mì trên tay là thấy cả một Nha Trang - Khánh Hòa sáng tạo không ngừng, sáng tạo làm nên bản sắc và sự độc đáo.

CHẾ DIỄM TRÂM