Dịch Covid-19 ở nước ta đang diễn biến phức tạp, với số ca mắc mới và nhập viện điều trị đều tăng. Để chủ động ứng phó với diễn biến của dịch, Bộ Y tế yêu cầu ngành y tế các địa phương triển khai tốt công tác thu dung, điều trị, xét nghiệm giải trình tự gien để đánh giá mức độ nặng, nguy kịch của người bệnh; đẩy mạnh tiêm vắc-xin phòng Covid-19, nhất là cho nhóm đối tượng nguy cơ cao...
Bộ Y tế yêu cầu các địa phương thực hiện tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đầy đủ, đúng liều để ngăn sự lây lan dịch bệnh cũng như giảm nguy cơ tăng nặng, nhập viện. |
Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trọng Lân, Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá dịch Covid-19 hiện vẫn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. Do vậy, cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch; sự biến đổi, xuất hiện các chủng vi-rút, các biến thể mới trong tương lai để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Trên phạm vi toàn cầu, tỷ lệ nhập viện, chuyển nặng và tử vong đã giảm đáng kể, tuy nhiên, một số nhóm vẫn có nguy cơ cao chuyển nặng hoặc tử vong khi mắc bệnh, bao gồm nhóm người cao tuổi, người mắc bệnh nền, người suy giảm miễn dịch do đó cần tập trung ưu tiên bảo vệ các nhóm đối tượng này.
Tại Việt Nam, tháng 3/2023, cả nước ghi nhận 384 ca mắc Covid-19 mới (giảm 8% so với tháng 2/2023), nhưng chỉ trong 20 ngày từ 1 đến 20/4, cả nước ghi nhận 10.942 ca mắc mới, trung bình hơn 2.481 ca/ngày. Hiện nay dù số ca mắc Covid-19 có tăng, nhưng chúng ta vẫn đang ở cấp độ dịch một (mầu xanh). Đáng chú ý, công tác giải trình tự gien vẫn được các đơn vị triển khai thường xuyên, các phòng xét nghiệm vẫn thu thập mẫu bệnh phẩm từ các ổ dịch hoặc xét nghiệm ngẫu nhiên.
Đến thời điểm này chưa ghi nhận các biến chủng mới, hiện nay trên thế giới, cũng như Việt Nam biến thể Omicron vẫn chiếm ưu thế với đặc tính lây lan nhanh nhưng chưa có bằng chứng rõ ràng về tăng ca nặng. Tính đến thời điểm này, biến thể Omicron đã xuất hiện được 16 tháng với hơn 500 biến thể phụ khác nhau; các biến thể phụ đang lưu hành chủ yếu là: BA.2.75, CH.1.1, BQ.1, XBB, XBB.1.16, XBB.1.9.1, XBB.1.5, XBF… trong đó, biến thể phụ XBB.1.5 đã phát hiện tại 95 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Đáng lo ngại, cùng với tăng nhanh về số ca mắc mới, số ca Covid-19 nặng phải nhập viện điều trị và phải thở ô-xi cũng tăng. Những ngày gần đây, trung bình mỗi ngày có khoảng 100 người bệnh phải hỗ trợ thở ô-xi, trong đó có khoảng 20 ca phải thở máy xâm lấn.
Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương Nguyễn Thanh Hà cho biết, tại bệnh viện này trong tháng 1/2023, bệnh viện chỉ tiếp nhận điều trị 20 ca; tháng 2 là 21 ca, tháng 3 tăng lên 45 ca, tuy nhiên từ tháng 4 đã tăng đột biến. Cụ thể: Tuần đầu tiên là 47 ca, tuần thứ hai tăng lên 85 ca và tính đến ngày 17/4, bệnh viện đã tiếp nhận điều trị 146 ca, trong đó có 21 ca có dấu hiệu chuyển nặng (hầu hết bệnh nhân hơn 70 tuổi). Các bệnh nhân này đa phần có bệnh nền như tiểu đường, huyết áp, lao, HIV, COPD, viêm gan, xơ gan..., nếu không mắc Covid-19, chỉ nhiễm cúm cũng nguy cơ cao. Bệnh viện này đã thành lập đường dây nóng tư vấn, hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới để phân tầng, chuyển bệnh nhân phù hợp và tránh quá tải cho tuyến trên.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự cố y tế công cộng cho rằng, số ca mắc Covid-19 ở nước ta đang có dấu hiệu tăng trở lại là miễn dịch của người dân đã giảm sau khi tiêm vắc-xin một thời gian; bên cạnh đó, miễn dịch của người đã nhiễm cũng giảm nên có nguy cơ mắc lại.
Trong khi đó tỷ lệ tiêm vắc-xin tại một số nơi không đạt như mong muốn. Ngoài ra, việc người dân tăng giao lưu đi lại cũng tạo điều kiện thuận lợi cho vi-rút gây Covid-19 lây lan; đã xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là của người dân khi không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo khuyến cáo của ngành y tế.
Mặc dù, chúng ta vẫn đang kiểm soát được tình hình dịch Covid-19, nhưng không vì thế mà chủ quan bởi vì với những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như người già, người có bệnh nền sẽ có những triệu chứng nặng hơn. Vì vậy, ngành y tế cần phải liên tục cập nhật, giám sát, đánh giá nguy cơ… để có cảnh báo cho người dân; đồng thời đưa ra các phản ứng phù hợp để không bị bất ngờ và chủ động hơn trong phòng, chống dịch.
Việc đánh giá chính xác tình hình là rất quan trọng, nếu đánh giá không đúng nguy cơ thì không kiểm soát được dịch bệnh, nhưng nếu đánh giá nguy cơ cao quá sẽ dẫn tới tình trạng đáp ứng thái quá lại gây tổn hại đến sự phát triển kinh tế-xã hội, nguồn lực tài chính đầu tư cho phòng, chống các dịch bệnh khác, nhất là ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người dân...
Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trọng Lân cho biết, Việt Nam hiện đang thực hiện hiệu quả việc phòng, chống dịch Covid-19 với hình thức quản lý bền vững. Cả hệ thống y tế đã và đang theo dõi chặt chẽ tình hình, không để bị động trước những diễn biến mới của tình hình dịch bệnh; mặt khác phối hợp với các chuyên gia, các tổ chức quốc tế thường xuyên cập nhật, đánh giá tình hình nhằm chủ động có các điều chỉnh phù hợp.
Bộ Y tế khuyến nghị người dân tiếp tục thực hiện tốt 2K (khẩu trang-khử khuẩn)+vắc-xin. Việc đeo khẩu trang trong các khu khám, chữa bệnh, tại nơi công cộng là yêu cầu phòng, chống dịch hiện nay. Điều này không chỉ giúp phòng Covid-19, mà còn phòng cả các bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác như: Cúm A, cúm B…
Với biến thể Omicron, vắc-xin vẫn phát huy hiệu quả, tránh bệnh chuyển nặng phải nhập viện, giảm tỷ lệ tử vong, do đó người dân cần tiêm chủng đầy đủ theo đúng khuyến cáo của ngành y tế. Các nhà khoa học dự báo vi-rút SARS-CoV-2 sẽ vẫn tiếp tục tồn tại, vì thế để không ảnh hưởng đến kinh tế-xã hội, cuộc sống, các biện pháp phòng, chống cần tập trung vào đối tượng nguy cơ cao (người cao tuổi, người mắc bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai) bởi nếu miễn dịch của các đối tượng nêu trên giảm dễ dẫn đến tình trạng tăng nặng, nhập viện, tử vong.
Trong văn bản yêu cầu tăng cường công tác thu dung, điều trị ca bệnh Covid-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đề nghị giám đốc sở y tế các địa phương và giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, y tế các ngành rà soát và cập nhật kế hoạch thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 trên địa bàn theo nguyên tắc 4 tại chỗ; chủ động nâng cao năng lực điều trị, nhất là chú trọng nâng cao năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực tại các cơ sở khám, chữa bệnh… Bộ Y tế cũng đã yêu cầu các địa phương cần rà soát, đánh giá nhu cầu tiêm vắc-xin phòng Covid-19 theo quy định và đề xuất gửi về Bộ Y tế làm cơ sở phân bổ cân đối đầy đủ vắc-xin và có kế hoạch tiêm đúng thời điểm, đạt hiệu quả phòng dịch tốt nhất.
Theo Nhân dân
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin