10:15, 10/04/2023

Phát hiện sớm phình động mạch não

Phình động mạch não gặp khá phổ biến, khoảng 3-5% dân số bị phình động mạch não, nhưng phần lớn không cần điều trị vì nhỏ, không có triệu chứng và không được chẩn đoán.

 

 

Phình động mạch não

 

Thế nào là phình mạch não?

Phình mạch não là bệnh lý phình mạch (brain aneurysm - cerebral aneurysm). Mạch máu ở đây có thể là động mạch bị phình (arterial aneurysm), hoặc tĩnh mạch bị phình hay giãn (giãn tĩnh mạch -venous aneurysms/cerebral varix). Giãn tĩnh mạch não được quan sát thấy trong quá trình phát triển bất thường của tĩnh mạch (developmental venous anomalies -DVA).

Giãn tĩnh mạch não không gây ảnh hưởng đến não, đôi khi có thể nhầm với u màng não (meningioma). Tuy nhiên bệnh lý phình tĩnh mạch não đơn độc rất hiếm, hầu hết chỉ được biết đến trong bệnh lý dị dạng mạch não bao gồm cả động mạch và tĩnh mạch (arteriovenous malformations -AVM).

Trên thực tế lâm sàng, bệnh lý phình động mạch mão gặp chủ yếu và gây biến chứng nên thuật ngữ mô tả là phình động mạch não. Khi bị phình, động mạch máu não biến dạng phồng lên hình túi hoặc hình thoi.

Phình động mạch não gặp khá phổ biến, khoảng 3-5% dân số bị phình động mạch não, nhưng phần lớn không cần điều trị vì nhỏ, không có triệu chứng và không được chẩn đoán. Phình động mạch não gặp nhiều ở nữ hơn nam, tuổi hay gặp nhất là 40-60. Bệnh lý phình động mạch não hiếm khi gặp ở trẻ em.

Nguyên nhân bệnh phình động mạch não

Nguyên nhân phình động mạch não hiện vẫn chưa được biết. Tuy nhiên nhiều nghiên cứu cho thấy những yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến bệnh lý phình động mạch não.

Các yếu tố về gen: Một số bệnh di truyền làm tăng nguy cơ phình động mạch não như bệnh mô liên kết (hội chứng Ehler- Danlos); bệnh thận đa nang; cường Aldosteron có tính chất gia đình tuýp 1, hội chứng Moyamoya, Gia đình có người mắc bệnh...

Các yếu tố liên quan bệnh kết hợp, lối sống: Tăng huyết áp; hút thuốc lá; Thiếu hụt estrogen ở nữ (thường sau mãn kinh, làm giảm collagen ở mô, tăng nguy cơ phình mạch não; hẹp eo động mạch chủ),; chấn thương; bệnh lý thận...

Nguy cơ của bệnh phình động mạch não

Phình động mạch não nguy hiểm nếu vỡ hoặc chèn ép các tổ chức xung quanh. Vỡ phình động mạch não là nguyên nhân thường gặp trong đột quỵ chảy máu não ở người trẻ tuổi. Vỡ phình mạch hay gây xuất huyết dưới nhện –biến chứng có tỉ lệ tử vong cao. Trung bình 10% bệnh nhân xuất huyết dưới nhện chết trước khi vào viện, 25% chết trong vòng 24h, xấp xỉ 45% chết trong vòng 30 ngày.

Khi bị vỡ phình mạch, máu chảy tràn trong não và người bệnh có nhiều biểu hiện như: đau đầu dữ dội (chưa từng đau như vậy), nôn, buồn nôn, liệt, lơ mơ và hôn mê nếu chảy máu nhiều. Khối phình động mạch não lớn dù không vỡ có thể chèn ép gây một số triệu chứng như: đau đầu, chèn ép dây thần kinh số III gây sụp mi mắt, chèn ép dây thần kinh số II gây mờ mắt hoặc mù…

 

 

Kẹp cổ túi phình mạch máu

 

Điều trị bệnh phình động mạch não

Không phải tất cả người bệnh phình động mạch não cần thiết phải điều trị. Bác sỹ sẽ điều trị phình mạch não nếu phình động mạch não bị vỡ, khối phình to chèn ép các tổ chức xung quanh, hoặc túi phình động mạch não lớn. Điều trị phình động mạch não có nhiều phương pháp, mổ kẹp túi phình hoặc can thiệp nút mạch.

Có hai biện pháp điều trị phình động mạch não chủ yếu hiện nay là can thiệp nội mạch hoặc phẫu thuật. Với biện pháp phẫu thuật, phẫu thuật viên sẽ mở sọ, dùng một dụng cụ (gọi là clip) để kẹp cổ túi phình. Với can thiệp nội mạch, bác sĩ can thiệp sẽ đưa một vật liệu bằng platinum (gọi là coil) vào lòng của túi phình để gây huyết khối tại túi phình.

Đối với phình mạch não chưa vỡ không triệu chứng:

Khuyến cáo can thiệp/phẫu thuật khi kích thước túi phình >7-10mm. Can thiệp nội mạch là biện pháp ít xâm lấn hơn phẫu thuật, hiện nay được ưu tiên sử dụng

Đối với phình động mạch não vỡ:

Tùy kinh nghiệm từng trung tâm, bệnh viện mà có thể tiến hành can thiệp nội mạch hoặc phẫu thuật. Can thiệp nội mạch thường được ưu tiên hơn.

Thời điểm phẫu thuật/can thiệp: nếu bệnh nhân không có triệu chứng hoặc đau đầu nhẹ, hoặc đau đầu nhiều, gáy cứng nhưng không có triệu chứng thần kinh khu trú (trừ liệt dây thần kinh sọ), hoặc suy giảm ý thức nhẹ, triệu chứng thần kinh khu trú nhẹ can thiệp/phẫu thuật nên được thực hiện sớm trong 24-72h. 

Nếu bệnh nhân hôn mê, triệu chứng liệt nặng, tiên lượng thường xấu. Quyết định điều trị tùy thuộc từng trường hợp cụ thể. Bởi vì phẫu thuật trong trường hợp này có thể có nhiều biến chứng hơn là trì hoãn 10-14 ngày. Hơn nữa tình trạng phù não và cục máu đông quanh chỗ phình có thể làm phẫu thuật khó khăn hơn.

Mục tiêu huyết áp trong giai đoạn cấp được khuyến cáo dưới 160mmHg. Các thuốc có thể dùng: Labetalol, nicardipin. Tránh dùng nitroprusside hoặc nitroglycerin.

Giảm thiếu máu não: Nimodipin 60mg uống mỗi 4h hoặc bơm qua sonde dạ dày. Tránh dùng đường tĩnh mạch.

Đảm bảo thể tích tuần hoàn.

Làm thế nào để phòng ngừa bệnh và phát hiện sớm?

Hầu hết các trường hợp phình động mạch não nhỏ không gây triệu chứng gì và được chẩn đoán tình cờ khi chụp não. Bệnh chỉ phát hiện khi phình mạch lớn hoặc gây biến chứng. Để chẩn đoán xác định phình động mạch não, bác sỹ sẽ cho người bệnh chụp cắt lớp vi tính sọ não, cắt lớp vi tính mạch, cộng hưởng từ não, cộng hưởng từ mạch, chụp mạch máu não.

Việc phát hiện sớm giúp điều trị có hiệu quả và cơ hội cứu sống người bệnh. Khuyến cáo một số dấu hiệu phình động mạch não có thể gặp:

Đau đầu

Giảm thị lực

Liệt dây thần kinh sọ (đặc biệt là liệt dây số III gây lác, nhìn đôi), do khối phình chèn ép

Triệu chứng của phình động mạch não vỡ: Đau đầu rất dữ dội đột ngột; Nôn, buồn nôn; Gáy cứng; Có thể suy giảm ý thức, hôn mê

Một số có thể gây các triệu chứng thần kinh khu trú từ nhẹ đến liệt nặng

Động kinh thường hiếm gặp

Để phòng ngừa bệnh này, mọi người nên bỏ thuốc lá; kiểm soát tốt huyết áp dựa trên chế độ ăn lành mạnh và uống thuốc đều đặn. 

Theo Sức khỏe & Đời sống