12:33, 09/04/2023

Nhiều công dụng từ loại rau thơm quen thuộc trong vườn

Nhiều người chỉ quen sử dụng loại rau này như một loại thực phẩm mà không biết rằng đây là phương thuốc dân gian có thể chữa được rất nhiều bệnh.

Rau tía tô có mùi thơm, vị cay đặc trưng, tính ấm, là một loại rau gia vị phổ biến đối với người dân Việt Nam. Cây tía tô dễ trồng và được trồng nhiều ở vùng nông thôn, lá được dùng để ăn sống hoặc nấu chín làm gia vị cho một số món ăn.

 

 

 

Không chỉ là thực phẩm, tía tô còn là một vị thuốc tương đối phổ biến, có giá trị dinh dưỡng và giá trị y học cao. Theo nghiên cứu, tía tô có nhiều công dụng sức khỏe như:

Giải cảm

Tía tô được y học cổ truyền xếp vào loại kích thích ra mồ hôi. Nước sắc và cồn chiết xuất lá tía tô đều có tác dụng giãn mạch ngoài da, hạ sốt, trừ cảm mạo.

Có nhiều phương thức để người bệnh sử dụng như: nấu cháo hành cùng tía tô, vừa kích thích tiết dịch vị, vừa tác dụng tiết mồ hôi giải cảm; đun thật nóng nước lá tía tô rồi xông toàn thân… Nhưng cách thức phù hợp cho cả trẻ nhỏ và người lớn tuổi là đun nước lá tía tô và uống khi còn ấm nóng.

Hỗ trợ chống viêm

Về thành phần hóa học, hạt tía tô có hàm lượng tinh dầu lớn và giàu các axit béo chưa bão hòa, chủ yếu là axit alpha-linoleic. Lá tía tô chứa khoảng 0,2% tinh dầu nguyên chất và các hydrocarbon, aldehyde, xeton, furan... Chiết xuất lá tía tô cho thấy có các chất chống oxy hóa, chống dị ứng, chống viêm.

Khi bị vết thương chảy máu, bạn có thể lấy lá tía tô non tán nhỏ, đắp trùm lên chỗ máu đang chảy, rắc cho vừa kín rồi buộc lại. Vết thương sẽ cầm máu, không gây mủ và không để lại vết sẹo khi lành. Ngoài ra nước ngâm lá tía tô còn có tác dụng ức chế các loại vi trùng như tụ cầu khuẩn, trực khuẩn lị, trực khuẩn đại tràng.

Chống lại tác nhân gây bệnh đường hô hấp

 

 

 

Đã có nghiên cứu chứng minh dịch chiết xuất từ lá tía tô có thể ức chế sự nhân lên của virus SARS-CoV-2 bằng nhiều cách. Chính điều này khiến cho lá tía tô trở thành dược liệu tự nhiên thân thiện có vai trò hỗ trợ ngăn ngừa sự sinh trưởng của virus SARS-CoV-2 cũng như các loại virus gây bệnh đường hô hấp khác

Ngoài ra, chiết xuất từ loại lá này còn điều trị bệnh hen suyễn rất tốt vì nó làm tăng khả năng lưu thông khí và cải thiện chức năng của phổi. Đây là thông tin được trích dẫn từ nghiên cứu đăng trên tạp chí Archives Of Allergy And Immunology.

Thúc đẩy tiêu hóa

Ăn tía tô thường xuyên có tác dụng bồi bổ cơ thể, cải thiện triệu chứng rối loạn ăn uống rất hiệu quả. Không chỉ vậy, do chất xơ có trong tía tô cũng rất phong phú nên đặc biệt thích hợp với những người hay bị khó tiêu hoặc chức năng tiêu hóa yếu.

Ăn tía tô vào các ngày trong tuần còn có tác dụng thúc đẩy nhu động đường tiêu hóa, tăng cường hấp thu, thúc đẩy tiêu hóa, cải thiện chứng khó tiêu và các triệu chứng khác.

Làm đẹp da

Với các thành phần kháng khuẩn giúp chống viêm khá tốt, tía tô mang đặc tính hỗ trợ giảm sưng tấy. Nhiều chị em phụ nữ sử dụng nước lá tía tô tươi để giúp giảm mụn bọc, mụn mủ…

Uống nước lá tía tô sẽ kích thích bài tiết qua tuyến mồ hôi, từ đó tăng cường bài tiết các chất độc có hại cho cơ thể nói chung và làn da nói riêng.

Hoạt chất Priseril ở lá tía tô có vai trò cải thiện sắc tố và loại bỏ tế bào chết trên da tương đối hiệu quả. Xét trên phương diện này thì lá tía tô giúp cho da trở nên đều màu và tươi sáng hơn. Mặt khác, thành phần vitamin E trong lá tía tô còn tăng cường độ ẩm và giúp da trở nên mịn màng.

Thúc đẩy tuần hoàn trao đổi chất

Uống nước ngâm lá tía tô thường xuyên có thể thúc đẩy hiệu quả hoạt động của khí và huyết trong cơ thể, tăng nhu cầu nước của cơ thể, cải thiện chu trình trao đổi chất của cơ thể, thúc đẩy quá trình bài tiết chất độc trong cơ thể.

Ngừa ung thư

Lá tía tô có chứa một lượng lớn luteolin. Thành phần này có bản chất tương tự như một chất chống oxy hóa flavonoid. Ngoài ra, các hợp chất triterpene và axit rosmarinic cũng có nhiều trong tía tô. Những chất này đã được nghiên cứu là có bằng chứng chống lại các tế bào ung thư tiềm ẩn trong cơ thể.

Ổn định các bệnh lý tự miễn dịch

So với nhiều loại dầu thực vật khác thì dầu hạt tía tô chứa nhiều axit omega-3 alpha-linolenic hơn cả. Axit omega- 3 rất tốt đối với kiểm soát tình trạng tự miễn dịch như hen suyễn, lupus và viêm khớp dạng thấp.

Bệnh nhân bị hen suyễn có thể đáp ứng điều trị bằng dầu hạt tía tô tương đối tốt vì đây là dược liệu có thể ức chế co thắt đường thở và phản ứng với chất kích thích bị hít phải. Không những thế, dầu hạt tía tô còn ức chế sự di chuyển của tế bào bạch cầu đến phổi, ngăn ngừa nguy cơ sốc phản vệ - đáp ứng miễn dịch bất thường với mức độ nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến tính mạng khi không được cấp cứu ngay.

Hỗ trợ giảm cân

Nước từ lá tía tô có nhiều protein thực vật, khoáng chất, chất xơ và vitamin nên sẽ đẩy nhanh quá trình tiêu hóa của dạ dày từ đó giảm nguy cơ bị thừa cân và béo phì.

 

 

 

Lưu ý khi sử dụng nước lá tía tô tươi

Tuy tía tô tốt cho sức khỏe nhưng các chuyên gia khuyến cáo không nên uống quá nhiều nước tía tô trong thời gian dài vì có thể gây cao huyết áp và ảnh hưởng đến hệ tim mạch.

Ngoài ra, người bị cảm nóng không nên sử dụng nước lá tía tô bởi lá có vị cay tính ấm nếu sử dụng có thể khiến cơ thể thêm bức bối, khó chịu.

Tía tô có rất nhiều cách chế biến nhưng đơn giản nhất vẫn là rửa sạch rồi ăn như các loại rau sống khác, hoặc đun cùng nước uống.

Không nên đun sôi nước tía tô tươi quá 15 phút. Vì các tinh dầu trong lá, cành cây sẽ bị bốc hơi. Từ đó làm giảm hiệu quả đối với người sử dụng. Nước lá tía tô tươi nên sử dụng trong 24 giờ để đảm bảo chất lượng, mùi vị.

Theo Kiến thức