11:03, 14/03/2023

Các cơ sở chế biến hải sản khô xã Đại Lãnh: Buôn bán ế ẩm

Nghề chế biến hải sản khô trước đây vốn đem lại thu nhập khá cho người dân xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh. Những năm gần đây, do gặp khó trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm nên nhiều hộ dân đã phải bỏ nghề. Người dân rất mong nhận được sự hỗ trợ của các ngành chức năng, chính quyền địa phương để giữ nghề và mở rộng sản xuất.

Nghề chế biến hải sản khô trước đây vốn đem lại thu nhập khá cho người dân xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh. Những năm gần đây, do gặp khó trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm nên nhiều hộ dân đã phải bỏ nghề. Người dân rất mong nhận được sự hỗ trợ của các ngành chức năng, chính quyền địa phương để giữ nghề và mở rộng sản xuất.


Trước năm 2017, toàn xã Đại Lãnh có khoảng 200 hộ làm nghề sơ chế hải sản khô, phần lớn sản phẩm làm ra cung cấp cho các cửa hàng, đại lý buôn bán hải sản cho hành khách đi dọc tuyến Quốc lộ 1 chạy qua địa bàn. Từ năm 2017, khi hầm đèo Cả và hầm Cổ Mã được thông tuyến, đưa vào khai thác, các phương tiện giao thông không còn đi theo tuyến đường đèo cũ khiến việc kinh doanh, buôn bán hải sản ở đây ế ẩm, nhiều người dân dần bỏ nghề. Đến nay, toàn xã chỉ còn khoảng 20 hộ bám trụ với nghề, quy mô sản xuất cũng thu hẹp. Ông Nguyễn Thế Anh Nhật (thôn Đông Bắc) cho biết: “Trước đây, mỗi ngày gia đình tôi chế biến khoảng 1 tấn hải sản nên phải thuê nhiều lao động địa phương tới sơ chế. Giờ đây, mỗi ngày chỉ sơ chế dưới 1 tạ hải sản các loại để cung cấp cho người dân buôn bán ở các chợ trong tỉnh nên thu nhập giảm đáng kể”. Còn ông Phan Văn Sơn - chủ cơ sở buôn bán hải sản khô Ngân Sơn cho biết, trước đây, mỗi ngày gia đình ông bán trung bình 50kg đến 1 tạ hải sản khô các loại cho người dân và du khách đi xe ghé mua. Giờ đây, gia đình phải thu hẹp quy mô cửa hàng, chủ yếu kết nối với một số người quen ở các tỉnh, thành khác để gom hàng gửi cho họ buôn bán ở chợ.  

 

Cơ sở mua bán hải sản khô của gia đình ông Phan Văn Sơn  ngày càng ít khách ghé mua.

Cơ sở mua bán hải sản khô của gia đình ông Phan Văn Sơn ngày càng ít khách ghé mua.


Theo lãnh đạo UBND xã Đại Lãnh, trước thực tế trên, địa phương đã kiến nghị các ngành chức năng, UBND huyện Vạn Ninh hỗ trợ người dân tìm đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời, xã đã phối hợp với huyện thực hiện các thủ tục đề nghị UBND tỉnh công nhận làng nghề sản xuất hải sản khô của địa phương, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được công nhận. Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo UBND huyện Vạn Ninh cho biết, nghề chế biến hải sản khô ở xã Đại Lãnh vốn rất phát triển nhưng đầu ra sản phẩm hoàn toàn phụ thuộc vào khách đi xe qua Quốc lộ 1 ghé mua. Chính vì vậy, khi hầm đèo Cả thông tuyến thì lượng khách ghé mua sản phẩm không còn, khiến nhiều hộ bỏ nghề hoặc thu hẹp sản xuất, chế biến, mua bán. Cùng với đó, tiềm năng du lịch ở Đại Lãnh chưa được phát triển xứng tầm nên lượng khách đến đây tham quan, nghỉ dưỡng còn hạn chế, nhu cầu mua sản phẩm hải sản làm quà cũng chưa được khai thác. Do vậy, cùng với việc hoàn tất hồ sơ công nhận làng nghề để hỗ trợ quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ, huyện sẽ tăng cường kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư để phát triển du lịch tại xã Đại Lãnh. Bên cạnh đó, tăng cường công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương lên sàn thương mại điện tử, đến khách hàng trong và ngoài nước. Từ đó, góp phần tạo thêm đầu ra cho sản phẩm địa phương.


Đình Trí