03:12, 05/12/2022

Một số bài thuốc nam từ trái ớt

Ớt là gia vị không thể thiếu trong các bữa ăn và còn là một vị thuốc quý trong y học cổ truyền.

Ớt là gia vị không thể thiếu trong các bữa ăn và còn là một vị thuốc quý trong y học cổ truyền.
 
1. Các loài ớt và công dụng
 
Thông dụng nhất là ớt quả dài. Tên khoa học của loài ớt này là Capsicum frutescens L. (C. annuum L.), thuộc họ Cà (Solanaceae). Ớt quả dài là một loại cây bụi nhỏ, cao từ 0,5-1m, phân cành nhiều. Lá nguyên, mọc đối, hình trái xoan nhọn. Hoa ở nách lá. Quả mọng, thường có hình trụ tròn, đầu nhọn.
 
Ớt chỉ thiên, có tên khoa học là Capsicum frutescens L. var. fasciculatum (Sturt.) Bail, cũng thuộc họ Cà, cũng là cây bụi, nhưng nhỏ hơn cây ớt quả dài, lá hẹp, tán lá mịn. Quả mỏng, mọc đứng thành từng chùm ở đầu các cành, màu đỏ tươi, rất cay.
 
Một loài ớt khác cũng rất cay, đó là ớt cà, còn gọi là ớt xơ-ri, tên khoa học là Capsicum frutescens L. var. cerasiforme (Mill.), thuộc họ Cà (Solanaceae) to bằng quả xơ-ri, đường kính 2cm, màu đỏ chói.

 

Trong Đông y, các loài ớt được sử dụng với cùng công dụng.
Trong Đông y, các loài ớt được sử dụng với cùng công dụng.

 

Những năm gần đây, bắt đầu sử dụng nhiều loại ớt không cay, thường gọi là ớt ngọt, ớt cà chua, ớt Đà Lạt... Tên khoa học là Capsicum frutescens L. var. grossum (L.) Bail., cũng là cây thuộc họ Cà (Solanaceae). Loài ớt này có quả to, vỏ quả dày, rất thơm, nhưng không cay.
 
Trong Đông y, các loài ớt nói trên, nói chung được sử dụng với cùng công dụng. Theo Đông y: Quả ớt vị cay, tính nóng (nhiệt), vào 2 kinh Tâm và Tỳ; có tác dụng khoan trung, tán hàn, kiện tỳ, tiêu thực, chỉ thống (giảm đau). Kinh nghiệm dân gian thường dùng chữa đau bụng do lạnh, tiêu hóa kém, xương khớp sưng đau…
 
Liều dùng: Dùng 1-2g sắc uống hoặc dưới dạng hoàn, tán.
 
Kiêng kỵ: Những người có thể tạng "âm hư hỏa vượng" (nóng trong), đang bị ho, mắc bệnh về mắt không nên dùng.
 
2. Dùng trái ớt chữa bệnh thường gặp
 
2.1 Bột ớt
 
- Nguyên liệu: Ớt 1-2 quả, nghệ vàng 20g, tán bột.
 
Công dụng: Chữa đau dạ dày do lạnh. Ngày ăn ngày 2-3 lần.
 
-Nguyên liệu: Ớt lượng vừa đủ, cho vào chảo sao khô, nghiền mịn.
 
Công dụng: Trị viêm tấy mô liên kết (phlegmona), dẫn đến loét. Rắc bột ớt vào nơi tổn thương, ngày 1 lần.

 

Nghệ vàng, trái ớt chữa đau dạ dày do lạnh
Nghệ vàng, trái ớt chữa đau dạ dày do lạnh

 

2.2 Rượu ớt
 
- Nguyên liệu: Quả ớt 12g, ngâm trong 500ml rượu trắng. Sau 15-20 ngày có thể sử dụng.
 
Công dụng: Chữa khớp xương đau nhức do nhiễm lạnh hoặc đòn ngã tổn thương. Mỗi lần uống 10 -15ml, ngày uống 2 lần.
 
Chữa rụng tóc: Dùng bông thấm rượu ớt, chấm vào nơi cần xúc tiến mọc tóc. Ngày 2 lần.
 
2.3 Bài thuốc sắc từ trái ớt
 
- Nguyên liệu: Ớt 1-2 quả, dây đau xương, thổ phục linh mỗi vị 30g. Sắc uống ngày 1 thang.
 
Công dụng: Hỗ trợ và điều trị viêm khớp mạn tính.
 
- Nguyên liệu: Ớt 2 quả, đan sâm 20g, nghệ đen 20g. Sắc uống ngày 1 thang.
 
Công dụng: Hỗ trợ điều trị đau thắt ngực.
 
Theo Sức khỏe & Đời sống