UBND tỉnh Khánh Hòa đã đồng ý chủ trương tiếp tục cho thí điểm xe điện 4 bánh hoạt động trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, loại hình này cần được quản lý chặt chẽ, bảo đảm an toàn giao thông và an toàn kỹ thuật.
UBND tỉnh Khánh Hòa đã đồng ý chủ trương tiếp tục cho thí điểm xe điện 4 bánh hoạt động trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, loại hình này cần được quản lý chặt chẽ, bảo đảm an toàn giao thông và an toàn kỹ thuật.
Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc thí điểm dùng xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện chở khách du lịch tại một số tỉnh, thành phố, trong đó có Khánh Hòa. Tại Văn bản số 33 ngày 6-1-2016, Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh chịu trách nhiệm quy định và tổ chức thực hiện thí điểm trên địa bàn về thời gian hoạt động trong ngày, lộ trình tuyến đường được phép hoạt động, bảo đảm an toàn giao thông và không gây ùn tắc giao thông; lưu ý, loại xe điện trên phải tuân thủ các quy định của pháp luật giao thông đường bộ khi tham gia giao thông.
Tháng 4-2016, UBND tỉnh có văn bản đồng ý cho thí điểm xe điện 4 bánh hoạt động đến ngày 31-12-2016. Từ đó đến nay, hàng năm, Sở Giao thông vận tải đều đề xuất UBND tỉnh cho kéo dài thời gian thí điểm. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 đơn vị ở TP. Nha Trang tham gia thí điểm loại hình này với tổng số 33 phương tiện, gồm: Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ Sao Mai; Công ty Cổ phần Du lịch khoáng nóng Nha Trang Seafood F17 và Công ty Cổ phần Du lịch Hải Đảo. Các phương tiện này được chở khách ở những tuyến cố định, trong phạm vi hạn chế được thành phố và cơ quan chức năng cho phép như: Trần Phú, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Khuyến, Đặng Tất, Xóm Cồn, Trần Hưng Đạo, Pasteur, Hùng Vương, Trần Quang Khải… và một số điểm tham quan nội thành. Các phương tiện này được đăng ký biển số, đăng kiểm an toàn kỹ thuật theo quy định.
Ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở Giao thông vận tải đánh giá, sau một thời gian dài triển khai thí điểm, đến nay, Bộ Giao thông vận tải vẫn chưa tổng kết đánh giá để định đoạt “số phận” của loại hình phương tiện này. Nhưng cũng phải khẳng định, hoạt động của loại hình phương tiện này khá an toàn, tạo sự văn minh, thuận tiện trong công tác phục vụ du lịch. Đồng thời, phương tiện thân thiện môi trường, ít gây ô nhiễm, tiếng ồn nhỏ hơn các loại phương tiện vận chuyển khách khác, tiết kiệm nhiên liệu; do tốc độ di chuyển của phương tiện thấp nên đảm bảo an toàn khi lưu thông, chưa xảy ra vụ tai nạn nào liên quan đến loại xe này gây thương tích cho người và phương tiện khác khi lưu thông…
Tuy đã được thí điểm nhiều năm nhưng đến nay, loại hình này vẫn chưa chính thức được Chính phủ bổ sung, công nhận là phương tiện giao thông đường bộ. Điều này gây ra một số khó khăn trong công tác quản lý như: Việc đăng kiểm theo định kỳ để bảo đảm an toàn kỹ thuật phương tiện, bảo đảm an toàn giao thông đô thị. Mặt khác, thời gian gần đây, một số phương tiện xe điện 4 bánh lưu thông không đúng các tuyến đường quy định nên ảnh hưởng đến an toàn giao thông.
Tại cuộc họp mới đây, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã đồng ý về chủ trương cho phép tiếp tục thí điểm đối với loại hình phương tiện này, thời gian thí điểm đến khi có hướng dẫn mới của Bộ Giao thông vận tải. Ông yêu cầu Sở Giao thông vận tải phối hợp với Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, kiểm tra hoạt động của phương tiện đảm bảo đúng tuyến đường, khu vực được phép hoạt động; tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông; kiên quyết xử lý đối với những phương tiện cố tình vi phạm Luật Giao thông đường bộ. |
THÀNH NAM