10:03, 04/03/2022

Vui với mùa đót trổ bông

Thời gian này, những người đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã cánh tây của huyện Khánh Vĩnh đang tất bật thu hoạch cây đót. Với những cây đót thu được đã tạo thêm thu nhập để người dân cải thiện cuộc sống.

Thời gian này, những người đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã cánh tây của huyện Khánh Vĩnh đang tất bật thu hoạch cây đót. Với những cây đót thu được đã tạo thêm thu nhập để người dân cải thiện cuộc sống.


Cây đót là loại cây cỏ dại mọc nhiều ở các triền núi, lưng đồi. Tại Khánh Vĩnh, trên các sườn núi, đồi hai bên đường dọc theo đèo Khánh Lê, đót mọc nhiều và rậm rạp. Với người đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây, hái bông đót gần như là công việc định kỳ vào đầu năm, vì bông đót có thể đem bán để làm chổi quét; lá đót được làm thức ăn cho các loài gia súc hay cá, hoặc làm bánh tro... Ngoài ra, việc khai thác đót còn giúp làm giảm nguy cơ cháy rừng, vì cây đót thường chết vào mùa khô hạn.

 

Người đồng bào dân tộc thiểu số ở Khánh Vĩnh thu hoạch đót.

Người đồng bào dân tộc thiểu số ở Khánh Vĩnh thu hoạch đót.


Những ngày này, từ sáng sớm, bà Cao Thị Linh (xã Sơn Thái) cùng những người hàng xóm đi thu hoạch đót dọc đèo Khánh Lê. Bà chia sẻ: “Cây đót mọc tự nhiên và thường nằm ở những sườn dốc, việc thu hoạch cũng khó nên chúng tôi phải đi thật sớm. Mỗi ngày, một người có thể thu được khoảng 30kg bông đót, nếu chịu khó hơn thì có thể lên đến 50kg. Giá đót năm nay dao động khoảng 3.000 đến 4.000 đồng/kg, nên giúp chúng tôi có thêm phần nào thu nhập để trang trải cuộc sống”.


Đi dọc theo tuyến Quốc lộ 27C đoạn từ xã Cầu Bà lên đến chân đèo Khánh Lê, người đi đường sẽ dễ dàng gặp cảnh người dân thu hoạch và phơi bông đót. Để có thể hái được nhiều, mọi người phải leo lên những sườn đồi nên công việc cũng không hề nhẹ nhàng, nếu không muốn nói là có phần nguy hiểm. Ông Cao Si - người hái đót cho biết, bản thân lá đót rất bén, lại phải leo trèo nhiều nên người hái đót phải mang găng tay, áo quần dài để bảo vệ bản thân. Mỗi nhóm đi hái đót thường từ 2 đến 3 người. Do công việc làm cả ngày nên mọi người gói theo cơm nắm, nước và thực phẩm để ăn trưa tại chỗ.


Theo những người hái đót, mùa đót thường chỉ kéo dài khoảng 2 đến 3 tháng. Năm nay, dự kiến đến giữa tháng 3 sẽ hết mùa đót, thế nên mọi người đều tranh thủ thu hoạch “lộc trời”. Ngoài ra, những người thu mua cũng tranh thủ thời gian này để mua bán thêm bông đót. Bà Trần Thị Thảo - người thu mua đót cho biết, bà đang mua đót của khoảng 40 người đồng bào tại địa phương, dự kiến khoảng hai tuần nữa sẽ hết. Đót mua về, bà Thảo sơ chế, bán lại cho các cơ sở sản xuất chổi hay những nơi có nhu cầu.


Cứ mỗi dịp đầu năm, “lộc trời” từ cây đót đã góp phần mang lại thu nhập cho các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số cánh tây của huyện Khánh Vĩnh. Mỗi khi cây đót trổ bông lại giúp cho cuộc sống người dân nơi đây bớt phần khó khăn.


KẾ HÁT