Chiều tàn, mặt trời dần hạ xuống phía chân núi, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) ở TP. Cam Ranh bắt đầu trở về nhà sau một ngày làm việc trên rẫy. Đây cũng là lúc những chiếc xe máy của các lái buôn chở đầy đủ thịt, cá, rau xanh… như một chợ "di động", luồn lách qua từng con đường, ngõ nhỏ đến tận nhà người dân để rao bán.
Chiều tàn, mặt trời dần hạ xuống phía chân núi, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) ở TP. Cam Ranh bắt đầu trở về nhà sau một ngày làm việc trên rẫy. Đây cũng là lúc những chiếc xe máy của các lái buôn chở đầy đủ thịt, cá, rau xanh… như một chợ “di động”, luồn lách qua từng con đường, ngõ nhỏ đến tận nhà người dân để rao bán.
“Cá hôm nay 1 con 10 ngàn, bánh mì không 3 ngàn, có thịt thì 5 ngàn đồng”, chị Mây - người bán hàng đon đả mời chào khi thấy chị Mấu Thị Nghiêu (thôn Sông Cạn Trung, xã Cam Thịnh Tây, Cam Ranh) dắt theo 2 đứa con đi ra hỏi mua. Đã là mối quen nên không cần mặc cả, cuộc mua bán diễn ra chớp nhoáng. Chị Nghiêu cầm con cá, mớ rau đi bộ vào nhà cách đó vài mét để nấu bữa tối. Chị Nghiêu chia sẻ, mùa này, chồng chị đi canh chòi giữ cá thuê ở vùng biển Cam Ranh, chị ở nhà làm rẫy. Do chợ cách thôn 3km, nhà lại không có xe máy nên hiếm hoi lắm chị mới đi chợ, thực phẩm hàng ngày để nấu ăn chủ yếu mua lại của các lái buôn đi qua.
Chị Mây cho biết, chị bán hàng ở khu vực xã Cam Thịnh Tây đã hơn 5 năm; chiều nào cũng vậy, khoảng 16 giờ chị lại chạy chiếc xe chở nhu yếu phẩm mua lại ở các chợ để đi bán lẻ. Sáng chị bán thịt, cá ở các sạp chợ, chiều vào xã Cam Thịnh Tây bán cho người dân trở về từ rẫy. Người dân nơi đây còn nhiều khó khăn nên chị bán giá rẻ hơn so với ở chợ; nhiều khi thấy nhà đông con mà hôm đó không kiếm được tiền, chị còn cho nợ. Dần dần chị có nhiều mối quen.
Bà Phan Thị Hoa (nhà ở chợ Ba Ngòi, Cam Ranh) buôn bán nhu yếu phẩm cho ĐBDTTS ở xã Cam Thịnh Tây hơn 15 năm, từ khi còn đi xe đạp nay đã “lên đời” xe máy. “Trước đây, người dân nơi đây chỉ mua cá, thịt rồi lên rẫy hái lá, rau rừng nấu ăn luôn trên đó. Hiện nay đời sống khấm khá hơn, người dân mua thêm rau, dưa và các loại thực phẩm khác để chế biến món ăn tại nhà rồi mới mang đi. Người dân nơi đây thật thà nên có nhiều lúc tôi cho họ mua nợ, đến khi có tiền, thấy xe tôi đi bán ngoài đường, họ chủ động tới trả chứ không đợi đến lúc đòi”, bà Hoa kể.
Nhiều lần đến xã Khánh Hiệp (huyện Khánh Vĩnh), chúng tôi cũng chứng kiến cảnh các xe chở thực phẩm đi bán dạo khắp xóm, làng cho ĐBDTTS nơi đây. Bà Lê Thị Thu Hồng - Trưởng thôn Hòn Lay chia sẻ, xã không có chợ, muốn đi chợ người dân phải đi qua xã Khánh Bình, cách xã Khánh Hiệp 5km, những thôn xa hơn có thể lên đến 10km. Do đó, từ 5 giờ đã có các xe đi bán đồ ăn sáng đến tận thôn với các món bánh mì, bánh canh, bánh ít… Người dân làm rẫy ở khu vực này gần hơn những nơi khác nên đến trưa họ về nhà, thương lái bán liên tục từ sáng đến chiều tối; đa dạng các loại thực phẩm không khác gì ngoài chợ.
Ông Mang Nghiêm - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Cam Thịnh Tây cho biết, xã có 1.434 hộ, 5.519 nhân khẩu, trong đó có 45 hộ nghèo. Địa phương có 99,5% dân số là ĐBDTTS Raglai, sinh sống tập trung tại địa bàn 4 thôn: Sông Cạn Đông, Sông Cạn Trung, Thịnh Sơn và Suối Rua. Đời sống người dân nơi đây gắn liền với canh tác nương rẫy. Do cách chợ gần nhất là chợ Cam Thịnh Đông khoảng 3km, người dân đi làm chiều tối mới về nên việc các thương lái (hiện nay có khoảng 10 người) đi đến tận thôn, xóm trên địa bàn cung cấp thực phẩm cho người dân rất tiện ích, đáp ứng các nhu cầu về ăn uống, sinh hoạt và giảm bớt vất vả cho bà con phải đi lại xa xôi, tốn kém.
THÁI THỊNH