09:03, 20/03/2021

Hại cơ thể nếu tập luyện không đúng cách

Việc tập luyện để rèn luyện cơ thể, tăng cường thể chất tưởng chừng đơn giản, nhưng nếu chúng ta tập luyện không đúng cách hoặc mắc một số sai lầm khi tập, thì sẽ làm giảm hiệu quả đáng kể của việc tập luyện. Dưới đây là những sai lầm mà ai cũng có thể mắc.

Việc tập luyện để rèn luyện cơ thể, tăng cường thể chất tưởng chừng đơn giản, nhưng nếu chúng ta tập luyện không đúng cách hoặc mắc một số sai lầm khi tập, thì sẽ làm giảm hiệu quả đáng kể của việc tập luyện. Dưới đây là những sai lầm mà ai cũng có thể mắc.
 
Không khởi động: Đây là công đoạn quan trọng. Việc vận động bất ngờ khi chưa khởi động khiến cho lượng ôxy và máu không được đưa kịp thời tới các cơ tham gia vận động. Điều này có thể khiến các cơ không được vận hành đúng cách và gây tổn thương. Vì vậy nên dành 5-10 phút để khởi động cho cơ thể nóng lên trước khi tập và khi tập xong nên vận động nhẹ nhàng chừng 5-10 phút để cơ thể trở lại bình thường.

 

Trước khi tập luyện nên khởi động kỹ để tránh chấn thương.
Trước khi tập luyện nên khởi động kỹ để tránh chấn thương.

 

Không tập đều và khi tập thì lại quá sức: Không ít người lên lịch tập không đều, khi thì nghỉ tập cả tuần, nhưng khi đã tập thì tập hăng hái quá mức. Nếu tập thể dục không thường xuyên sẽ khiến cho hiệu quả tập luyện bị giảm sút, cơ thể mệt mỏi, dễ gây chấn thương. Hơn nữa, việc tập luyện quá sức có thể gây nhiều hệ lụy xấu như: căng cơ, gãy xương, mệt mỏi, chán ăn... Cách tốt nhất là chỉ nên hoạt động thể chất tối đa là 60 phút mỗi ngày và nên tập đều đặn vào một khung giờ nhất định..
 
Tập quá sớm hoặc quá muộn: Vào sáng sớm, nhiệt độ ngoài trời thấp cơ thể từ trong phòng kín bước ra chưa kịp thích nghi nên dễ gặp lạnh đột ngột. Khi bị lạnh,  các mạch máu co lại, dễ bị thiếu máu não, hoa mắt chóng mặt. Hơn nữa, buổi sớm có nhiều sương bao phủ. Sương mù thường rất độc hại cho cơ thể. Tốt nhất hãy tập thể dục khi mặt trời đã bắt đầu mọc và có sự điều chỉnh hợp lý theo sự thay đổi của thời tiết các mùa.
 
Trong tình huống ngược lại, nhiều người có thói quen tập thể dục rất muộn, thường là trước khi đi ngủ. Việc làm này không phù hợp nhịp sinh học do tập thể dục trước khi đi ngủ sẽ khiến thân nhiệt tăng, nhịp sinh học cơ thể bị xáo trộn làm cho khó ngủ, giấc ngủ chập chờn, không sâu giấc. Do vậy, không nên tập thể dục hay vận động mạnh trước khi đi ngủ.
 
Không bổ sung nước khi tập luyện: Tập ra nhiều mồ hôi nên cần bổ sung giúp cân bằng lượng nước bị mất, da dẻ không khô nẻ. Không uống nước có cồn, có gas vì sẽ làm nhão cơ bắp nhanh hơn.
 
Tập khi đói hoặc sau khi ăn no: Việc vận động sẽ tiêu hao nhiều năng lượng, do vậy phải tập khi cơ thể còn năng lượng dự trữ, nghĩa là bụng không đói. Việc tập thể dục khi bụng đói sẽ khiến bạn hoa mắt, chóng mặt, dễ ngất xỉu.
 
Hiện nay có không ít lớp tập aerobic hoặc yoga vào giữa trưa cho các chị em bận rộn. Điều này là không tốt. Bởi tập khi vừa ăn xong sẽ khiến nhịp sinh học ổn định của cơ thể bị rối loạn gây ra hiện tượng đầy hơi, khó tiêu, tiêu chảy, chuột rút, đau dạ dày…          
 
Theo Sức khỏe & Đời sống