Tết là dịp để gia đình đoàn tụ, sum vầy. Nhưng cuộc sống khó khăn buộc nhiều cặp vợ chồng hay những người trẻ phải đón Tết xa quê. Với họ, cảm xúc đón Tết cũng có chút bùi ngùi…
Tết là dịp để gia đình đoàn tụ, sum vầy. Nhưng cuộc sống khó khăn buộc nhiều cặp vợ chồng hay những người trẻ phải đón Tết xa quê. Với họ, cảm xúc đón Tết cũng có chút bùi ngùi…
Nhiều lý do ở lại
Trong khi các bạn cùng trường đang hăm hở chuẩn bị cho chuyến về quê ăn Tết thì Trần Anh Tuấn - chàng sinh viên năm nhất Trường Đại học Nha Trang (quê ở Quảng Ngãi) vẫn miệt mài đi làm thêm hàng ngày. Tuấn tâm sự: “Dịp Tết ai mà chẳng muốn về nhà với bố mẹ nhưng vì điều kiện không cho phép, quê lại xa nên tôi đành ở lại kiếm thêm chút tiền, phụ giúp cho bố mẹ đỡ vất vả”. Cũng không về quê ăn Tết như Tuấn, bạn Nguyễn Thị Ngọc Hạ (26 tuổi) đang làm pha chế (barista) tại một quán cà phê ở TP. Nha Trang muốn ở lại làm thêm dịp Tết để nâng cao kỹ năng nghề và có thêm thu nhập, phụ giúp gia đình. Hạ chia sẻ: “Nhà em ở tỉnh Phú Yên, có thể đi xe máy về trong ngày được nhưng em chọn ở lại làm dịp Tết để vừa có thu nhập vừa có thêm kinh nghiệm trong lĩnh vực barista mà em đang theo đuổi”.
Trong căn phòng trọ chỉ gần 20m2 nằm sâu trong con hẻm tại xã Phước Đồng (TP. Nha Trang), anh Nguyễn Thành Hậu (31 tuổi, quê tỉnh An Giang) cho biết, vợ chồng anh từ miền Tây ra Nha Trang làm công nhân tại một công trình ở huyện Cam Lâm; tổng thu nhập mỗi tháng của cả hai khoảng 8 triệu đồng. Năm nay, do dịch Covid-19 nên chỗ làm cũng giảm bớt nhân công khiến cuộc sống trở nên khó khăn hơn. Giờ đã cận Tết nhưng vợ chồng chẳng dư đồng nào nên đành phải ở lại. Ở quê, mẹ già và đứa em nhỏ rất mong ngóng hai vợ chồng về sum họp cùng gia đình. Nhưng với thu nhập hiện tại, cả hai không biết đến khi nào mới có cái Tết trọn vẹn.
Cùng hoàn cảnh đón Tết xa quê như vợ chồng anh Hậu, chị Nguyễn Thị Hằng (34 tuổi, quê tỉnh Nghệ An) bộc bạch, chị xa quê đã được 5 năm. Thời gian ấy đủ để chị tằn tiện mua trả góp được một căn hộ 30m2 khu nhà ở xã hội. Cho nên Tết chị phải ở lại vừa làm việc, vừa để tiết kiệm thêm tiền trả nợ mua nhà. Đến nay, đã 5 cái Tết chị chưa về quê, phần do đồng lương ít ỏi, phần bởi đường sá xa xôi, đi lại tốn kém. “Ai mà không muốn về quê nhưng điều kiện không cho phép thì phải chấp nhận. Ở lại đây lâu rồi quen dần, xem đây như là quê hương thứ hai”, chị Hằng chia sẻ.
Tết trải nghiệm cùng những hành trình thú vị
Khác với những người ở lại làm thêm hay những cặp vợ chồng xa quê, nhiều bạn trẻ ở lại đón Tết do đặc thù ngành học, có bạn lại chọn Tết là dịp để thực hiện những chuyến đi tình nguyện ý nghĩa. Năm nay, bạn Trương Thị Kim Oanh (quê tỉnh Quảng Bình), sinh viên năm thứ 2 Trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa không đón Tết cùng gia đình do phải ở lại bệnh viện theo lịch trực. Oanh tâm sự: “Không được ăn Tết bên gia đình cũng buồn, nhưng do đặc thù của sinh viên ngành Y nên em theo lịch nhà trường phân công. Đây là lần đầu em trực Tết, nhưng nghe mấy anh chị khóa trước nói ăn Tết ở bệnh viện cũng có những cái hay riêng”.
Cùng trường với Oanh, bạn Lê Hồng Tân lại chọn điểm đến của mình trong những ngày Tết là chuyến đi tình nguyện lên các tỉnh Tây Nguyên. Tân chia sẻ: “Vì đã học năm cuối, thời gian để dành cho những đam mê, sở thích không còn nhiều nữa nên em tranh thủ những dịp như Tết để có thêm những kỷ niệm thú vị trong đời sinh viên. Hơn nữa, đón Tết ở những nơi lạ cũng là một trải nghiệm rất đặc biệt và ý nghĩa”.
Tết là ngày sum vầy, đoàn tụ, nhưng không phải ai cũng có thể tận hưởng trọn vẹn cái Tết bên những người yêu thương. Dù ăn Tết xa quê lòng họ vẫn luôn hướng về gia đình của mình để hòa trong niềm vui khi xuân về trên khắp nẻo quê hương.
THANH TRÚC