Trái với cảnh nhộn nhịp mỗi độ bước vào vụ Tết, không khí tại các làng nghề truyền thống ở huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) năm nay khá đìu hiu, trầm lắng. Phần lớn các làng nghề đều giảm sản lượng, thay đổi mặt hàng để phù hợp với nhu cầu của thị trường Tết được dự đoán tiêu thụ rất khó khăn sắp tới.
Trái với cảnh nhộn nhịp mỗi độ bước vào vụ Tết, không khí tại các làng nghề truyền thống ở huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) năm nay khá đìu hiu, trầm lắng. Phần lớn các làng nghề đều giảm sản lượng, thay đổi mặt hàng để phù hợp với nhu cầu của thị trường Tết được dự đoán tiêu thụ rất khó khăn sắp tới.
Làng hoa Hà Dừa (thôn Trường Thạnh, xã Diên Thạnh) vốn có nghề truyền thống trồng hoa phục vụ Tết Nguyên đán. Trái với cảnh nhộn nhịp như các năm trước, thời điểm này, không khí chuẩn bị cho vụ hoa Tết ở đây khá trầm lắng, nhiều người giảm số lượng hoặc chuyển sang loài hoa có giá trị thấp hơn. Đang cho đất vào chậu để trồng hoa vạn thọ, ông Nguyễn Minh Linh (thôn Trường Thạnh) cho biết, những năm trước, ông thường trồng cúc đại đóa, nhưng năm nay, nhận định sức mua hoa Tết sẽ giảm mạnh nên ông quyết định chuyển sang trồng 5.000 chậu hoa vạn thọ. Tùy vào chất lượng hoa, mỗi chậu hoa vạn thọ sẽ được bán với giá khoảng 20.000 - 50.000 đồng, phù hợp để người dân mua chưng trên bàn thờ, ra thăm mộ, trang trí nhà cửa… Trong lúc kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu nên thay vì mua một chậu cúc 300.000 - 400.000 đồng như các năm trước, họ có thể sẽ mua nhiều chậu hoa nhỏ. Đối với người trồng, hoa vạn thọ dễ chăm sóc hơn các loại hoa lớn như cúc đại đóa, quan trọng hơn là dễ bán và thu hồi vốn nhanh hơn.
Ngoài hoa vạn thọ, người dân Hà Dừa năm nay cũng trồng nhiều loại hoa ngắn ngày như: Thược dược, hoa hồng, đồng tiền… Bên cạnh đó, làng hoa Hà Dừa còn nổi tiếng trồng được loại bưởi cảnh với giá lên đến vài triệu đồng/cây, mang lại thu nhập cao cho người dân mỗi dịp Tết về. Thế nhưng năm nay, người trồng bưởi cảnh ở đây đã dự đoán trước cái Tết kém vui. Ông Nguyễn Chí Phong, người trồng bưởi cảnh lâu năm và thường thu mua bưởi của các hộ trong thôn để nhập cho đầu mối cho biết, trận lụt vừa qua khiến các vườn bưởi bị thiệt hại lên đến 70%. Cây bị ngập nước nên lá héo, trái rụng, màu sắc nhợt nhạt. Các mối hàng ở TP. Hồ Chí Minh thường đặt mua bưởi cảnh của ông hiện nay chưa thấy đặt hàng”. Do đó, ông dự đoán thị trường tiêu thụ bưởi năm nay sẽ rất khó khăn.
Làng đúc đồng Phú Lộc (thị trấn Diên Khánh) cũng không còn cảnh đỏ đèn làm đêm làm ngày như trước. Theo ông Biện Ngọc Truyền - người làm nghề đúc đồng tại tổ dân phố Phú Lộc Tây 1, từ đầu năm đến nay, hàng hóa không tiêu thụ được nên chất đầy trong kho. Hiện nay, gia đình ông còn tồn hơn 100 bộ chân đèn thờ đã hoàn thành và hơn 100 bộ chưa gia công. Năm trước, ông bán được 20 - 30 bộ/tháng nhưng hiện nay chỉ được 6 - 7 bộ. Hàng không bán được nên ông Truyền phải giảm sản lượng sản xuất hàng ngày dù đang bước vào cao điểm vụ Tết. Những năm trước, ông phải thuê thêm 5 thợ làm cả đêm lẫn ngày để đủ hàng giao cho khách bán dịp Tết. Năm nay, do hàng còn tồn nhiều nên ông cho thợ nghỉ, chỉ một mình ông làm. Vụ Tết chỉ còn một tháng nữa là kết thúc (thường nghỉ vào giữa tháng Chạp), ông chỉ mong bán được hết hàng tồn trong kho để thu hồi vốn.
Không chỉ ông Truyền, rất nhiều hộ làm nghề đúc đồng đang trông giải phóng được hàng tồn từ đầu năm. Bởi cuối năm, các vựa phế liệu thường gom đồng bán cho các gia đình làm nghề. Để có tiền mua đồng, một số hộ đã phải bán sản phẩm với giá thấp hơn giá thường ngày nhưng sức mua vẫn không khả quan. Một bộ chân đèn thờ đại đang được bán với giá 4 triệu đồng, bộ trung 3 triệu đồng, bộ nhỏ 2 triệu đồng…
Ông Nguyễn Văn Nhường - Giám đốc Hợp tác xã Đúc Phú Lộc cho biết, có khoảng 40 hộ đang làm nghề đúc đồng, tập trung tại tổ dân phố Phú Lộc Tây, trong đó có 18 hộ là thành viên của hợp tác xã. Năm nay, tình hình dịch bệnh đã ảnh hưởng đến việc tiêu thụ hàng hóa của các hộ. Gần một tháng nay, sức tiêu thụ có khả quan hơn trước nhưng lượng hàng tồn kho của các hộ vẫn còn rất nhiều. Trong khi giá đồng có tăng hơn trước (tăng 10.000 đồng/kg), hàng hóa tiêu thụ khó khăn, phải hạ giá bán nên thu nhập của người làm nghề bị giảm nhiều.
MAI HOÀNG