Những ngày gần đây, giá thu mua sầu riêng tại huyện Khánh Sơn liên tục giảm. Nguyên nhân là do dịch bệnh Covid-19 khiến thị trường khó tiêu thụ.
Những ngày gần đây, giá thu mua sầu riêng tại huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) liên tục giảm. Nguyên nhân là do dịch bệnh Covid-19 khiến thị trường khó tiêu thụ.
Đôi bên cùng chịu thiệt
Tại xã Sơn Bình - thủ phủ sầu riêng của tỉnh, không khí mua bán sầu riêng ở các nhà vườn không còn tấp nập như cách đây nửa tháng. Nguyên nhân là do hoạt động thu hoạch sầu riêng đang bước vào thời điểm cuối vụ. Ở một số nhà vườn, quả trên cây chỉ còn khoảng 30% sản lượng, số còn lại đã được bán hết. Tuy nhiên, hầu như toàn bộ số quả còn lại cũng đã được thương lái chốt giá, đặt cọc. Ông Trần Đình Liên, người chuyên thu mua sầu riêng cho biết, năm nay, nhiều thương lái chịu lỗ nặng vì chốt giá cao mà đến khi ra thị trường lại phải bán giá thấp. Hầu hết thương lái đều chốt giá, đặt cọc sầu riêng Khánh Sơn với giá phổ biến từ 45.000 đến 50.000 đồng/kg đối với sầu riêng giống Monthong; 40.000 - 45.000 đồng/kg với sầu riêng Ri6 và khoảng 30.000 - 35.000 đồng/kg với sầu riêng Chín Hóa. Tuy nhiên, trong 15 ngày qua, khi ra thị trường, giá sầu riêng đã bị hạ xuống. “Tôi chốt giá sầu riêng Ri6 ở một vườn rộng hơn 1ha ở thôn Liên Hòa, xã Sơn Bình cách đây hơn 1 tháng với giá 43.000 đồng/kg, đặt cọc gần 100 triệu đồng cho vườn này. Nhưng hiện nay, giá sầu riêng trên thị trường giảm nên tôi thương thảo với chủ vườn giảm được 5 giá, xuống còn 38.000 đồng/kg trên tinh thần đôi bên cùng chịu thiệt”, ông Liên chia sẻ.
Nguyên nhân chính dẫn tới giá giảm được các thương lái cho là do dịch bệnh Covid-19 thời gian gần đây diễn biến phức tạp, việc lưu thông gặp khó khăn, đời sống kinh tế cũng khó khăn. Một số nhà vườn cho biết, thời gian gần đây, các thương lái đã đến nhà vườn thương thảo lại giá thu mua với mức giảm từ 5 đến 7 giá so với trước. “Một số thương lái không thỏa thuận được với chủ vườn đã buộc phải bỏ cọc. Số tiền cọc thường là 100 triệu đồng/ha vì nếu mua với giá cũ sẽ cầm chắc phần lỗ còn nặng nề hơn tiền cọc”, một chủ vườn ở thôn Liên Hòa cho biết.
Chưa hết bấp bênh
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Tâm - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Bình, khảo sát một số nhà vườn trên địa bàn, hầu hết sản lượng sầu riêng còn lại hiện nay đều thuộc các nhà vườn có diện tích lớn. Đây là những nhà vườn đã mạnh dạn đầu tư, áp dụng tốt khoa học kỹ thuật nhằm làm chủ việc ra hoa, kết trái của cây sầu riêng.
Chủ nhà vườn có hàng chục héc-ta sầu riêng ở thôn Cô Lắc, xã Sơn Bình cho biết, hàng năm, những nhà vườn lớn đều đầu tư rất nhiều công sức, kỹ thuật nhằm kéo dài thời gian cho thu hoạch trái sầu riêng. Bởi nếu để sầu riêng chín cùng 1 lúc thì sẽ không kịp thu hoạch, lại không được giá do trùng với thời điểm cả huyện, cả tỉnh đều thu hoạch. Vì vậy, các nhà vườn thường tiến hành xử lý cho cây sầu riêng ra hoa, kết quả theo từng giai đoạn khác nhau, nhằm kéo dài thời gian thu hoạch của vườn từ 1 đến 1,5 tháng. Hiện nay, hầu hết số sầu riêng còn lại thuộc các nhà vườn xử lý kéo dài thời gian thu hoạch này.
Việc giá sầu riêng giảm cho thấy sự bấp bênh của loại trái cây có giá trị kinh tế cao này. Vì thế, việc tìm kiếm các kênh phân phối có tính ổn định, cùng với việc xây dựng hệ thống thu hoạch, bảo quản, đóng gói… nhằm nâng cao giá trị sầu riêng là việc cần được xem xét, xúc tiến trong thời gian tới.
Hồng Đăng