12:05, 15/05/2020

Bạn đã biết uống trà đúng cách để có lợi cho cơ thể?

Với nhiều người, khi cầm tách trà trên tay, họ không chỉ thưởng thức hương vị mà còn hướng tới công dụng sức khỏe.

Với nhiều người, khi cầm tách trà trên tay, họ không chỉ thưởng thức hương vị mà còn hướng tới công dụng sức khỏe.

Buổi sáng bắt đầu bằng một tách trà ấm hay một ly cà phê là thói quen của nhiều người. Nhưng ít người biết rằng uống trà đúng cách vào mỗi buổi sáng cũng có những công dụng đặc biệt đối với sức khỏe con người.

Làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Trà có thể cải thiện lưu lượng máu trong cơ thể thông qua việc mở rộng động mạch và làm giảm nguy cơ huyết khối. Ngoài ra, trong trà còn chứa chất chống oxy hóa có thể làm chậm sự khởi phát và nguy cơ mắc các bệnh tim mạch ở người.

Tăng trí nhớ

Một nghiên cứu của Canada cho thấy epicatechin, một chất chống oxy hóa được tìm thấy trong thực phẩm như sô cô la và trà xanh giúp cải thiện và tăng cường trí nhớ. Ngoài ra, trà xanh còn có tác dụng hỗ trợ trí não, làm giảm nguy cơ mắc các bệnh mất trí nhớ, Alzheimer.

Ngăn ngừa sâu răng

Uống trà thường xuyên sẽ giúp hỗ trợ răng và làm giảm nguy cơ sâu răng. Trà là một nguồn thức uống cung cấp fluoride, có tác dụng tăng cường men răng. Các chất chống oxy hóa trong trà cũng giúp chống lại vi khuẩn và các bệnh về lợi.

Giúp giảm cân

Nhiều nghiên cứ khoa học đã chỉ ra rằng uống trà buổi sáng, trước mỗi bữa ăn trưa, có tác dụng hỗ trợ công cuộc giảm cân của bạn. Catechin, các chất chống oxy hóa có trong trà xanh làm giảm mỡ bụng. Bên cạnh đó, uống một tách trà ấm sẽ giúp bạn không ăn quá nhiều, đồng thời tăng cường quá trình đốt cháy calo khi tập luyện, giúp bạn nhanh chóng có được vóc dáng thon gọn.

 

Uống trà xanh hàng ngày giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư vú và ung thư tiền liệt tuyến.
Uống trà xanh hàng ngày giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư vú và ung thư tiền liệt tuyến.


Góp phần bảo vệ cơ thể, chống lại ung thư

Một số nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, uống trà xanh hàng ngày giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư vú và ung thư tiền liệt tuyến.

Cụ thể, các nhà khoa học sau khi nghiên cứu cho thấy, những người này đã giảm đáng kể nồng độ của yếu tố tăng trưởng tế bào gan, cholesterol hạ xuống và giảm yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu, một loại protein biểu hiện ung thư lây lan.

Một số nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng những người đàn ông bị ung thư tuyến tiền liệt uống trà xanh thường xuyên đã giảm tình trạng viêm, liên quan đến sự phát triển ung thư tuyến tiền liệt.

Một số lưu ý khi uống trà

Trà rất tốt cho sức khoẻ, nhưng ngoài các tác dụng tốt đó, nếu uống trà không đúng cách thì lại gây hại, vì thế, khi uống trà cần tránh những điều sau:

-Đun hoặc hãm trà ở nhiệt độ cao: Khi đó, chất tanin trong trà bị hòa tan trong nước nhiều, chất dầu thơm bị bốc hơi, đồng thời vitamin C, cũng như các dưỡng chất khác bị phân hủy, gây hại cho sức khỏe. Nước pha trà chỉ nên khoảng 80 độ C. Nhiều người có sở thích uống một chén trà nóng, mà không biết rằng nhiệt độ quá cao của trà có liên quan đến nguy cơ ung thư thực quản. Ngược lại, bạn không nên để trà đã nguội lạnh rồi mới uống, dễ gây lạnh bụng.

- Uống trà đặc: Trà đặc đồng nghĩa với lượng tanin rất cao. Khi thường xuyên nạp tanin với lượng lớn sẽ dẫn tới thiếu vitamin B, làm co thắt niêm mạc dạ dày, gây kết tủa protein, ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa. Trà đặc còn làm giảm khả năng hấp thụ chất sắt trong thức ăn, lâu ngày dẫn đến bệnh thiếu máu. Trà đặc giàu caffeine còn gây đau đầu và mất ngủ.

-Uống trà lúc đói: Sẽ làm loãng dịch vị, giảm thấp chức năng tiêu hóa, dễ gây viêm dạ dày. Hơn nữa, trong khi dạ dày trống rỗng, nếu uống trà, chất chát trong trà sẽ đi vào tạng phế và làm lạnh tì, vị.

-Uống trà trước và ngay sau bữa ăn: Protein và chất sắt trong thức ăn gặp acid tanna sẽ kết tủa, gây khó tiêu, giảm thấp khả năng hấp thụ protein và chất sắt. Lý do này mà trước và sau bữa ăn 20 - 30 phút không nên uống trà.

-Uống nước trà để lâu: Để lâu, lượng caffeine và tanin trong nước trà tăng lên, tác dụng kích thích cao, gây khó chịu và không tốt với người bị bệnh gout và bệnh tăng acid uric. Trà ngâm quá lâu còn tiết ra polyphenyles tạo ra quá trình oxy hóa tự nhiên, làm giảm hàm lượng dưỡng chất có trong trà. Không những thế, nếu trà hãm trong nước ấm quá lâu còn làm tăng số lượng vi sinh vật (vi khuẩn và nấm), dễ sinh bệnh cho con người.

-Dùng nước trà để uống thuốc: Trong trà có nhiều dưỡng chất, đặc biệt là chất tannin khi kết hợp với các dược chất sẽ xảy ra phản ứng hóa học, làm cho thuốc kém hiệu quả và khó hấp thu. Khi uống nước trà phải cách xa giờ uống thuốc có sắt, có alcaloid (như mã tiền, cà độc dược...), có aspirin, ibuprofen, warfarin, paracetamol, phenylpropanolamin, ephedrin, phenytoin, methotrexat. acid folic, nadolol.

Theo Sức khỏe & Đời sống